Những cơn lốc đe dọa "giấc mơ châu Âu"

Những "cơn bão" khủng khiếp càn quét qua khu vực những năm gần đây đang đe dọa xé toạc lục địa già cỗi này thay vì đưa các nước thành viên xích lại gần nhau hơn để cùng hiện thực hóa "giấc mơ" hội nhập châu Âu toàn diện.


Các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) đã và đang phải vật lộn với không ít thách thức nghiêm trọng, từ làn sóng người nhập cư khổng lồ, nguy cơ Khu vực đồng euro (Eurozone) sụp đổ, cho tới cuộc chiến phức tạp ở Ukraine. Giới chức và các nhà phân tích cho rằng nếu các nước thành viên EU không thể giải quyết bất đồng, những nguyên tắc được đề ra nhằm xây dựng một châu Âu mới từ đống tro tàn sau Chiến tranh Thế giới thứ hai chắc chắn sẽ bị phá vỡ.

Người di cư tại đảo Lesbos của Hy Lạp sau khi được cứu vớt ngày 19/9.
Ảnh: Reuters/TTXVN

Hàng loạt cuộc khủng hoảng trầm trọng trong thời gian qua đã khoét sâu thêm chia rẽ giữa các nước thành viên EU, điều vốn luôn âm thầm tồn tại trong liên minh gồm 28 quốc gia, với tổng dân số vào khoảng 500 triệu người, và cùng cấu thành nền kinh tế lớn nhất thế giới này. Bất đồng sâu sắc giữa các nước ở khu vực Đông và Tây Âu về vấn đề người di cư càng nới rộng hơn khoảng cách trong quan điểm của phương Bắc và phương Nam trong cuộc khủng hoảng nợ Eurozone.

Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR) ngày 1/10 cho biết cơ quan này dự kiến sẽ đón nhận khoảng 700.000 người di cư và tị nạn đến châu Âu thông qua các tuyến đường biển trên Địa Trung Hải trong năm nay và có kế hoạch tiếp nhận một số lượng tương đương vào năm 2016. Trước đó, UNHCR cho biết 520.000 người đã cập bến châu Âu kể từ đầu năm 2015, trong khi khoảng 2.980 người đã thiệt mạng hoặc mất tích trong các nỗ lực vượt biển.

Thay vì được thấy một tinh thần đoàn kết và lấy nhân đạo làm đầu của EU trong việc giải quyết thách thức từ làn sóng di cư ồ ạt, kéo theo hệ quả là hàng nghìn người thiệt mạng khi cố gắng chạy trốn khỏi Syria, Afghanistan và Iraq, điều mà thế giới chứng kiến chỉ là các cuộc tranh cãi gay gắt giữa các nước thành viên về việc phân chia hạn ngạch người tị nạn, con số chỉ bằng khoảng 0,032% tổng dân số của liên minh này. Kết quả là một trong những ý tưởng được tán dương nhiều nhất của EU - khu vực Schengen phi biên giới - đang đứng trước nguy cơ sụp đổ khi nhiều nước EU triển khai các biện pháp kiểm soát biên giới và cho dựng hàng rào dây thép gai để ngăn chặn dòng người di cư.

Cuộc khủng hoảng di cư đã "soán ngôi" cuộc khủng hoảng nợ công ở Eurozone, vốn đang gặm nhấm nền kinh tế của một số quốc gia Nam Âu, và làm trầm trọng hơn tình hình ở những quốc gia này. Trong khi Hy Lạp, quốc gia lao đao vì nợ công, vừa đạt được gói cứu trợ khổng lồ thứ ba sau nhiều tháng đàm phán căng thẳng, giới phân tích cho rằng nhiều quốc gia khác cũng đang đối mặt với không ít thách thức. Bên cạnh đó, xung đột tại Ukraine đã đẩy quan hệ giữa EU với Nga xuống mức thấp nhất kể từ sau Chiến tranh Lạnh, đồng thời khiến nguy cơ Anh rời khỏi EU sau cuộc trưng cầu dân ý dự kiến diễn ra vào năm 2017 trở nên rõ ràng hơn.

Ông Monnet - một chính trị gia người Pháp, Chủ tịch đầu tiên của Cộng đồng Than Thép châu Âu và là một trong những người sáng lập EU - tin rằng châu Âu sẽ tìm ra "giải pháp cho các cuộc khủng hoảng này", song chính "giải pháp" lại là điều mà giới lãnh đạo EU cho tới nay vẫn chưa thể đạt được.

Hàng loạt cuộc khủng hoảng đang rung chuyển lục địa già cỗi này càng gia tăng nguy cơ các quốc gia đơn phương hành động để bảo vệ biên giới hay nền kinh tế của họ khỏi sự đổ vỡ, đe dọa hủy hoại mục tiêu chung của EU.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EO) Jean - Claude Junker gần đây yêu cầu các nước phải hành động "vì châu Âu" hơn nữa, nhắc lại lời kêu gọi của Brussels về mục tiêu hội nhập châu Âu sâu sắc hơn để giữ vững những lý tưởng và trọng tâm của liên minh này. Tuy nhiên, Raoul Ruparel - đồng Giám đốc Viện Nghiên cứu Chính sách Open Europe có trụ sở tại London - cho rằng: "Việc cố gắng ép tất cả các quốc gia vào một khuôn mẫu chung chỉ làm trầm trọng thêm những mâu thuẫn... Những mâu thuẫn về thể chế đang hủy hoại và cản trở các chính sách chung của châu Âu, đồng thời đẩy các nước thành viên vào thế đối đầu lẫn nhau. Đây là 'liều thuốc độc' đe dọa đập tan giấc mơ châu Âu".

Tuy nhiên, ông Janis Emmanouilidis, làm việc tại Trung tâm Chính sách châu Âu có trụ sở ở Brussels, cho rằng EU vẫn chưa chạm đến "thời điểm Titanic", và rằng lịch sử 60 năm hội nhập đã giúp lục địa từng bị chia rẽ này sản sinh ra một "ADN chung". Ông nói: "Có thể, EU sẽ bị mất đi một vài nước thành viên, song tôi nghĩ liên minh này sẽ tự mình vượt qua được".
TTK
1,4 triệu người di cư sang châu Âu trong năm 2015-2016
1,4 triệu người di cư sang châu Âu trong năm 2015-2016

Ngày 1/10, Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR) cho biết cơ quan này dự kiến sẽ đón nhận khoảng 700.000 người di cư và tị nạn đến châu Âu thông qua các tuyến đường biển trên Địa Trung Hải trong năm nay và có kế hoạch tiếp nhận một số lượng tương đương vào năm 2016.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN