Nếu Tổng thống Barack Obama nhìn nhận triển vọng chính sách đối ngoại năm 2014 như một trò chơi điện tử phổ biến hiện nay, thì những "con rắn" - các thách thức buộc ông phải nhảy qua, là rất nhiều so với những "cái thang" - các trợ giúp để ông đến được thành công.Tổng thống Barack Obama và Phó Tổng thống Joe Biden tại cuộc họp ngày12/12/2013.
|
Những "con rắn" nguy hiểm nhất, kể từ lúc ông Obama nhận chức cách đây 5 năm, vẫn nằm ở Trung Đông. Trong suốt thời gian cầm quyền, Tổng thống Obama đã rất nỗ lực vượt qua nhiều "ổ voi" do cựu Tổng thống George W. Bush để lại, với mong muốn thoát ra để tập trung sự chú ý nhiều hơn vào khu vực châu Á.
Thế nhưng, những mối quan hệ chằng chịt của các quốc gia tại châu Á cũng sẽ khiến việc triển khai chính sách đối ngoại của Mỹ gặp nhiều khó khăn trong năm mới này.
Và trong khi Tổng thống Obama tránh được (với sự giúp đỡ của Tổng thống Nga Vladimir Putin) một sự quan thiệp quân sự trực tiếp vào Syria năm 2013, thì sự lan rộng của cuộc nội chiến tại Syria sang Iraq và Liban - chưa kể tới bất ổn và bạo lực đang ngày càng gia tăng ở Ai Cập, cũng như khả năng đổ vỡ trong đàm phán hạt nhân với Iran vẫn đang là những mối đe dọa lớn của năm 2014 này.
Trái ngược với tình hình Trung Đông, nơi mà xung đột tôn giáo giữa dòng Hồi giáo Shiite và Sunni là chủ đạo, tại châu Á, chủ nghĩa dân tộc lại đang hiện hữu và nổi bật.
Khi mà Bắc Kinh tăng cường tuyên bố áp đặt chủ quyền lãnh thổ, các nước láng giềng yếu hơn sẽ tìm kiếm sự che chở từ Mỹ nhằm tạo sự đối trọng với Trung Quốc. Việc này dù sao cũng khiến gia tăng nguy cơ xảy ra những cuộc xung đột mà nếu không được kiểm soát, cũng có thể khiến Mỹ bị cuốn vào.
Việc Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe mới đây tới thăm ngôi đền chiến tranh Yasukuni đã khiến Hàn Quốc nổi giận. Kết quả là, những nỗ lực của Mỹ trong việc hòa giải giữa Trung Quốc và CHDCND Triều Tiên với hai đồng minh thân cận nhất của Washington tại khu vực Đông Bắc Á là Hàn Quốc và Nhật Bản đã trở nên vô ích. Tất nhiên, vị thế của Tổng thống Obama sẽ được tăng cường nếu ông có thể hàn gắn quan hệ giữa Tokyo và Seoul, đồng thời đạt được bước tiến trong thỏa thuận với Trung Quốc về "các quy tắc ứng xử" tại những khu vực tranh chấp,
Phải căng sức đối phó với những gai góc tại Trung Đông và châu Á đồng nghĩa với việc năm 2014, chính quyền Tổng thống Obama sẽ tiếp tục ít quan tâm hơn tới khu vực Mỹ Latinh và châu Phi như suốt 5 năm qua.
Tuy nhiên, một số khủng hoảng - gần đây nhất là tại Nam Sudan - vẫn sẽ là chủ đề chính trong chính sách đối ngoại của Nhà Trắng.
Trong khi những "con rắn" lớn nhất mà Tổng thống Obama sẽ phải đối mặt trong năm 2014 này nằm ở Trung Đông, thì cũng ngay tại khu vực này, ông sẽ có một vài "cái thang", có thể giúp ông được ghi nhận là một trong những tổng thống Mỹ thành công nhất về mặt đối ngoại.
Được trông đợi nhiều nhất là thành công trong đàm phán thỏa thuận hạt nhân Iran và Nhóm P5+1 (gồm Mỹ, Anh, Pháp, Trung Quốc, Nga và Đức). Việc đàm phán về thỏa thuận này sẽ không chỉ giúp chấm dứt 35 năm đối đầu giữa Washington và Tehran mà còn tăng cường hợp tác song phương trong việc giải quyết vấn đề xung đột Sunni-Shiite đang đe dọa sự ổn định tại Afghanistan, nơi mà Mỹ sẽ rút toàn bộ quân vào năm 2014. Về mặt chiến lược, mặc dù không thể so sánh được với việc nối lại quan hệ với Trung Quốc vào đầu những năm 1970, thỏa thuận này báo hiệu một sự thay đổi lớn về mặt tập hợp lực lượng kéo dài từ Địa Trung Hải tới Ấn Độ Dương và vào sâu tận Trung Á.
Tuy nhiên, để đạt được điều đó, Tổng thống Obama sẽ vấp phải sự phản đối dữ dội, chủ yếu từ Tổng thống Israel Benjamin Netanyahu và những nhóm vận động hành lang của Israel có ảnh hưởng không nhỏ tại Quốc hội Mỹ, cũng như từ Saudi Arabia và một vài nước vùng Vịnh khác, vì e ngại Tehran sẽ chiếm lại được vị thế ảnh hưởng ở khu vực giống như thời những năm 1970. Trong khi đó, phe cứng rắn tại Iran cũng phản đối thỏa thuận với Mỹ. Và nếu phe phản đối thành công, như là chính Tổng thống Obama đã cảnh báo, Mỹ có thể buộc phải phát động một cuộc can thiệp quân sự khác vào khu vực Trung Đông.
Điều này sẽ không chỉ làm thất bại hy vọng giảm thiểu sự hiện diện quân sự của Mỹ tại khu vực, đồng thời "xoay trục" sang châu Á. Và khi chưa được Hội đồng Bảo an LHQ phê chuẩn, hành động quân sự như vậy sẽ châm ngòi cho một cuộc khủng hoảng quốc tế lớn, đồng thời sẽ ảnh hưởng tới sự phối hợp giữa Mỹ với Nga và Trung Quốc trong việc giải quyết các điểm nóng, cũng như làm sứt mẻ quan hệ giữa Mỹ và các đồng minh NATO.
Đối với Tổng thống Obama, một cuộc chiến với Iran có lẽ sẽ là "con rắn" nguy hiểm nhất trong năm 2014.
Một "cái thang" khá rõ nữa có thể giúp ông Obama kiếm được vị trí thuận lợi trong biên niên sử đối ngoại Mỹ chính là việc đàm phán kết thúc xung đột giữa Israel và Palestine, một "Chén thánh" khó nắm bắt trong chính sách đối ngoại của Mỹ đối với Trung Đông.
Trong lúc hầu hết các nhà phân tích đều bày tỏ nghi ngờ về kết quả khả quan của việc này - và dường như cũng khó để đạt được ngay trong năm 2014 - thì các nỗ lực của Ngoại trưởng Mỹ John Kerry trong việc đưa ra một dự thảo Hiệp định về tình trạng ổn định lâu dài đã cho thấy một bước tiến khá ấn tượng. Thế nhưng, một thỏa thuận như vậy có lẽ vẫn còn xa mới đạt được, đặc biệt là nếu Tổng thống Obama thành công trong việc ký hiệp định về hạt nhân với Iran.
Trong lúc đó, những "con rắn" trong khu vực đe dọa Tổng thống Obama còn rất nhiều, đó là các cuộc xung đột bạo lực leo thang tại Ai Cập, nội chiến tại Syria tràn sang Liban, sự gia tăng của lực lượng Al Qaeda trên khắp khu vực trải dài từ Yemen tới Bắc Phi và vùng Sahel.
Lê Hoàng