Theo hãng Thông tấn Canada (CP) ngày 20/7, cách đây không lâu, các chuyên gia và nhà bình luận đã không còn đặt hy vọng vào Tổng thống Mỹ Barack Obama. Họ cho rằng ông đã thất bại trong việc thực hiện những lời hứa của mình khi còn là ứng cử viên tổng thống. Sau cuộc bầu cử năm 2014, ông Obama bị cô lập về chính trị và triển vọng thành công của ông trên mặt trận chính sách dường như rất hạn chế. Điều đó nay đã trở thành “câu chuyện cổ” khi nhìn vào chính sách đối ngoại của ông chủ Nhà Trắng đương nhiệm.
Tổng thống Mỹ Barack Obama. Ảnh: AFP/TTXVN |
Sau các cuộc chiến kéo dài và không thành công của Mỹ tại Iraq và Afganishtan, ông Obama đã lên nắm quyền với nhiệm vụ tối quan trọng là chấm dứt các cuộc chiến và phục hồi uy tín, danh tiếng của Mỹ trên thế giới. Cách tiếp cận của ông Obama tương phản với người tiền nhiệm là cựu Tổng thống George W. Bush - người tin rằng sự răn đe và hiếu chiến sẽ tăng cường an ninh cho Mỹ.
Tổng thống Obama hiểu rằng sức mạnh nằm trong cách ngoại giao hiệu quả và sử dụng lực lượng quân sự chống lại các mối đe dọa một cách khôn ngoan. Năm 2007, trong một cuộc tranh luận quan trọng, ông Obama đã tự khẳng định là nhà ngoại giao hàng đầu. Đó là điều mạo hiểm. Khi người điều hành cuộc tranh luận hỏi liệu ông có sẵn sàng gặp gỡ các nhà lãnh đạo Iran, Syria, Venezuela, Cuba và Triều Tiên để thu hẹp khoảng cách chia rẽ với nước Mỹ hay không, Tổng thống Obama đã trả lời: “Tôi sẵn sàng”. Lúc đó, phần lớn các nhà quan sát kỳ cựu nhận định ông Obama rất "ngây thơ". Nhiều người cho rằng ông chưa sẵn sàng trở thành Tư lệnh quân đội.
Tuy nhiên, khi đề cập đến chính sách đối ngoại, 8 tháng qua là thời gian hiệu quả nhất trong nhiệm kỳ Tổng thống của ông Obama. Tháng 11/2014, ông đã đạt được thỏa thuận quan trọng về khí hậu với Trung Quốc. Tháng 12/2014, ông tuyên bố bình thường hóa quan hệ Mỹ-Cuba, dẫn đến việc hai nước mở lại đại sứ quán ở nước của nhau trong tuần này. Tháng trước, ông cũng đạt được Quyền đàm phán nhanh từ Quốc hội do đảng Cộng hòa kiểm soát để tiến tới việc ký kết Hiệp định Đối tác Kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) - thỏa thuận thương mại đa phương lịch sử tiềm năng. Tuần trước, ông đã công bố thỏa thuận lịch sử về chương trình hạt nhân Iran. Không một thành công nào trong số này là nhỏ. Mỗi chính sách này đòi hỏi Tổng thống Obama phải sẵn sàng tham gia cuộc chơi lâu dài và đối phó với những trở ngại đi cùng tiến trình.
Các cuộc tranh luận sẽ xuất hiện trong giới quan sát chính trị và các nhà sử học về tầm quan trọng và ý nghĩa của những thành tựu chính sách đối ngoại gần đây của Tổng thống Obama. Có một thực tế không thể chối cãi là việc Tổng thống Obama bền bỉ sử dụng đường lối ngoại giao, với sự hậu thuẫn từ sức mạnh quân sự và kinh tế của Mỹ, đã chứng minh chính sách ngoại giao của ông là công cụ rất hiệu quả.
Người ta có thể sẽ không đồng ý về kết quả các chính sách của Tổng thống Obama, nhưng không ai có thể phủ nhận rằng chính sách ngoại giao này đã mang lại lợi ích lớn cho chính quyền Mỹ. Những thành tựu ngoại giao nói trên chắc chắn sẽ là một phần di sản của Tổng thống Obama.