Những hé lộ đầu tiên về cuộc gặp cấp cao Trung - Mỹ (Phần cuối)

Điều quan trọng nhất là hai bên sẽ bàn và đi đến được nhất trí chung về khái niệm "quan hệ nước lớn kiểu mới" do phía Trung Quốc đưa ra với dụng ý sâu xa là hai nước có thể trở thành mối quan hệ "G2", một khái niệm về hai nước lớn hay đúng hơn là "hai siêu cường" có thể phối hợp với nhau chi phối thế giới về mọi mặt.


Trong một loạt những vấn đề được người ta dự đoán hai ông Tập Cận Bình và Barack Obama sẽ bàn, dư luận chú trọng nhất đến việc làm sao hai nước có thể đi đến nhất trí được về khái niệm “quan hệ nước lớn kiểu mới” do phía Trung Quốc đưa ra, vì hai bên còn nhiều bất đồng khó giải.

Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Susan Rice (trái) đã có cuộc gặp với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong chuyến thăm Bắc Kinh ngày 28/8.

Khái niệm này được đưa ra lần đầu tiên trong một tài liệu của trường Đảng Trung ương Trung Quốc từ năm 2005. Đến tháng 11/2012, nó lại được đưa vào báo cáo tại Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ XVIII, nơi ông Tập Cận Bình được bầu làm Tổng Bí thư. Tại cuộc gặp không chính thức với Tổng thống Barack Obama tại trang trại Sunnyland ở bang Canifornia tháng 6/2013, vài tháng sau khi nhậm chức Chủ tịch nước, ông Tập Cận Bình được dẫn lời nói: Trung Quốc và Mỹ “cần phải cùng nhau hành động để xây dựng một hình mẫu mới về quan hệ nước lớn giữa hai quốc gia, dựa trên sự tôn trọng chung và sự hợp tác cùng có lợi vì lợi ích của người Trung Quốc, người Mỹ và cả nhân dân trên toàn thế giới”.

Nội hàm của khái niệm này tiếp tục được thảo luận khi bà cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Susan Rice gặp ông Tập Cận Bình ở Bắc Kinh hồi tháng 8/2015. Khi đó Chủ tịch Trung Quốc nhấn mạnh: “Quan hệ nước lớn kiểu mới” có nghĩa là “không xung đột hay đối đầu, tôn trọng lẫn nhau và hợp tác cùng có lợi”. Quan điểm này lại được Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc Dương Khiết Trì nhắc lại lần nữa vào ngày 11/9. Theo Trung Quốc, thúc đẩy xây dựng “mối quan hệ nước lớn kiểu mới” cũng chính là nhằm thực hiện quan niệm ngoại giao của Bắc Kinh gồm 4 chữ “thân, thành, huệ, dung”, theo đó “thân” tức là thân thiện, “thành” tức là chân thành, “huệ” nghĩa là cùng có lợi, “dung” là bao dung độ lượng (?!).

Về khái niệm này, Tiến sỹ Andrew S. Erickson hiện làm việc tại Viện Nghiên cứu Biển Trung Quốc thuộc Học viện Quân sự Hải quân Mỹ, lý giải: Trật tự Trung Quốc hiện nay được hình thành sau sự xuất hiện của mối đe dọa hạt nhân, xu thế toàn cầu hóa và sự chi phối của các công ty xuyên quốc gia. Quan hệ Mỹ - Trung không nhất thiết phải xảy ra xung đột vũ trang, nhưng nếu Mỹ chấp nhận cách nói do phía Trung Quốc đưa ra, điều đó sẽ khiến dư luận cảm thấy Mỹ đang suy yếu. Nhìn từ phía Mỹ, “quan hệ nước lớn kiểu mới” của ông Tập Cận Bình chính là ám chỉ cái gọi là “G2”, tức là hai nước Trung Quốc và Mỹ có địa vị ngang nhau để cùng thống trị thế giới. Gần đây, phía Trung Quốc còn nhiều lần nhấn mạnh “Thái Bình Dương đủ lớn, có thể dung nạp được hai nước Trung Quốc và Mỹ”. Điều này dường như là khó chấp nhận đối với các đồng minh của Mỹ như Nhật Bản, Philippines. Vì vậy, nếu Mỹ quan tâm đến thái độ của các đồng minh, Washington chắc chắn sẽ không thể chấp nhận cách nói của Trung Quốc.

Vì vậy, chúng ta hãy đợi xem cuộc gặp gỡ chính thức giữa hai nhân vật đứng đầu hai nước lớn này của thế giới sẽ diễn biến ra sao.

Hồ Đức Minh
Những hé lộ đầu tiên về cuộc gặp cấp cao Trung - Mỹ
Những hé lộ đầu tiên về cuộc gặp cấp cao Trung - Mỹ

Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc, Chủ tịch nước CHND Trung Hoa Tập Cận Bình và phu nhân Bành Lệ Viên sẽ thăm Hoa Kỳ từ ngày 22 đến ngày 25/9, trước khi tới phát biểu tại kỳ họp sắp tới của Đại hội đồng Liên hợp quốc tại New York vào ngày 28/9.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN