Môi trường an ninh toàn cầu thời gian qua đã có nhiều thay đổi, khiến tình trạng bất ổn về địa chính trị ngày càng gia tăng trong bối cảnh các cường quốc khu vực thử nghiệm sức mạnh và khả năng tự do hành động. Thực tế này tác động đáng kể tới trật tự khu vực cũng như trên toàn thế giới.
Đó là kết luận được Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS) có trụ sở tại London (Anh) đưa ra trong báo cáo "Khảo sát Chiến lược 2014" vừa công bố trong tháng 9. Theo IISS, trật tự khu vực ở châu Âu và châu Á đang đối mặt với thử thách, trong khi căng thẳng ở Trung Đông tiếp tục leo thang.
Đối với Trung Đông, sự trỗi dậy của lực lượng phiến quân thuộc tổ chức "Nhà nước Hồi giáo" (IS) có thể gây ra những hậu quả lâu dài cho trật tự khu vực. Iraq và Syria giờ đây đã trở thành chiến trường khốc liệt giữa Mỹ và IS. Vấn đề đặt ra là Mỹ có lôi kéo Iran vào cuộc chiến chống IS ở Iraq, trong bối cảnh các nước Arập muốn nhân cơ hội tiêu diệt IS trên đất Syria để lật đổ Tổng thống Bashar al-Assad hay không?
Cuộc khủng hoảng ở Ukraine đã tác động lớn tới an ninh khu vực châu Âu. Ảnh: AFP/TTXVN |
Lực lượng nổi dậy Syria vẫn rất yếu để có thể đảm nhận nhiệm vụ tấn công IS trên bộ sau các cuộc không kích của Mỹ và đồng minh. Về lâu dài, Mỹ sẽ dựa vào cộng đồng Hồi giáo dòng Sunni ở Syria và Iraq nhằm thúc đẩy mục tiêu nhổ tận gốc IS. Tuy nhiên, đây là một chiến lược đầy tham vọng và khó khả thi, bởi IS là một lực lượng phức tạp, xen lẫn khủng bố với nổi dậy, trước từng được nhiều nước hậu thuẫn.
Đối với châu Á, năm 2015 đánh dấu thời điểm hình thành Cộng đồng ASEAN. Tuy nhiên, tiêu điểm chú ý lại là mối quan hệ lạnh nhạt giữa Trung Quốc và Nhật Bản trong một môi trường ngày càng đa phương ở châu Á. Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi sẽ tìm cách cải thiện quan hệ với Trung Quốc trong khi vẫn xích lại gần hơn với Nhật Bản. Ưu tiên trước mắt của Ấn Độ là thiết lập cơ chế dàn xếp xung đột mang tính chiến lược, lâu dài và hiệu quả với các nước láng giềng, đặc biệt là Pakistan. Ấn Độ hướng tới mục tiêu trung hạn là đóng vai trò ngày càng quan trọng hơn trong môi trường an ninh châu Á, đồng thời tăng cường quan hệ với ASEAN. Thời gian tới, Ấn Độ sẽ góp phần cân bằng các cực nhằm duy trì trật tự ở châu Á.
Đối với châu Âu, cuộc khủng hoảng ở Ukraine đã phá vỡ trật tự khu vực được hình thành và duy trì kể từ khi chiến tranh Lạnh chấm dứt. Căng thẳng hiện nay đòi hỏi châu Âu phải nhanh chóng chớp lấy thời cơ mang tính chiến lược để thiết lập một trật tự bền vững hơn. Ukraine trở thành tâm điểm cạnh tranh ảnh hưởng giữa Nga và phương Tây, buộc các nước lớn phải tính đến phương án cân bằng lợi ích chiến lược, đặc biệt là ở vùng đệm. Việc Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) siết chặt lệnh trừng phạt chống Nga khó có thể làm thay đổi hiện trạng sau khi bán đảo Crimea được sáp nhập vào Nga và miền Đông Ukraine lâm vào xung đột.
Đặc điểm nổi bật trong môi trường an ninh Đông Nam Á là cuộc cạnh tranh giữa các nước lớn và biến động về chính trị tại một số quốc gia. Bên cạnh tranh chấp chủ quyền biển đảo, những biến động trên chính trường và xã hội tại một số nước Đông Nam Á cũng tác động đáng kể đến môi trường an ninh khu vực, trong đó có bất ổn chính trị tại Thái Lan và Campuchia.
Tại Myanmar, nhiều thách thức phức tạp đang đặt ra cho chính phủ nước này trong tiến trình chuyển đổi. Sửa đổi Hiến pháp trở thành một đề tài "nóng" khi cuộc tổng tuyển cử năm 2015 sắp đến gần. Myanmar cũng đang phải đối mặt với nguy cơ đe dọa an ninh nội địa bắt nguồn từ xung đột sắc tộc và tôn giáo. Tại Indonesia, chính trường nước này trải qua một năm bầu cử (lập pháp và hành pháp) khá sôi động và đầy kịch tính. Cuộc chạy đua vào ghế tổng thống giữa ứng cử viên Joko Widodo và Prabowo Subianto căng thẳng đến phút chót, mặc dù cuối cùng tòa án Hiến pháp nước này tuyên bố ông Widodo giành chiến thắng.
TTK