Phục hồi kinh tế sau đại dịch sẽ là chính sách ưu tiên của tất cả các chính phủ năm 2022, nhưng ở nhiều khu vực trên thế giới, những chia rẽ, bất đồng kéo dài tiếp tục chi phối các vấn đề chiến lược trong năm nay. Dưới đây là một số đánh giá chính về những thách thức chiến lược toàn cầu năm 2022 của các chuyên gia thuộc Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS.org):
Bắc Mỹ: Khủng hoảng trong nước đe dọa năng lực lãnh đạo toàn cầu của Mỹ
Một năm sau cuộc bạo loạn tại Quốc hội Mỹ, Washington tiếp tục đối mặt với mối đe dọa lớn đối với nền dân chủ của mình kể từ cuộc Nội chiến (1861-1865). Cuộc khủng hoảng này, xuất phát từ sự chia rẽ chính trị trong những thập kỷ gần đây, đã ảnh hưởng đến vai trò lãnh đạo của Mỹ trong hệ thống quốc tế vốn phân cực và phân tán hiện nay.
Bên cạnh đó, những kỳ vọng về sự phát triển và phân phối vaccine nhanh chóng, xã hội có thể thoát khỏi đại dịch COVID-19 trở lại ít nhất là gần mức bình thường, đã bị xói mòn. Mặc dù kinh tế và việc làm tại Mỹ có xu hướng phục hồi tốt, nhưng lạm phát tăng đột biến đã gây lo ngại. Mức tín nhiệm của Tổng thống Joe Biden đã giảm mạnh kể từ mùa Hè năm ngoái.
Mỹ Latinh: Bất bình đẳng và nghèo đói gia tăng làm suy yếu an ninh khu vực
Đây sẽ là một năm đầy thách thức nữa đối với Mỹ Latinh, mặc dù kinh tế đang tiếp tục phục hồi, có tiến bộ đáng kể trong việc triển khai tiêm vaccine, điều kiện bên ngoài nhìn chung thuận lợi và nhu cầu bên trong sẵn sàng bùng nổ. Dự báo tăng trưởng của khu vực sẽ ở mức 3% năm 2022, nhưng chưa thể phục hồi về mức như trước đại dịch trong trung hạn.
Tác động của lạm phát gia tăng đối với thu nhập thực tế sau đại dịch tiếp tục làm gia tăng sự bất bình trong xã hội và tạo thuận lợi cho các nhà lãnh đạo theo chủ nghĩa dân túy và các đảng phi truyền thống. Tổng tuyển cử ở Colombia, Brazil và cuộc trưng cầu dân ý xung quanh hiến pháp mới ở Chile sẽ là những điểm nhấn quan trọng cần theo dõi.
Ngoài ra, mức độ bất bình đẳng và nghèo đói cao kỷ lục, cùng với khả năng quản lý và pháp quyền ngày càng suy giảm, nguy cơ làm gia tăng bạo lực và dòng di cư không thể kiểm soát, đồng thời củng cố ảnh hưởng của các nhóm tội phạm, với những tác động tiêu cực đối với an ninh trong từng nước và cả khu vực.
Một Mỹ Latinh thiếu tiền mặt sẽ tiếp tục dựa vào Trung Quốc - đối tác thương mại quan trọng nhất của châu lục (trừ Mexico) - về thương mại, đầu tư và tài chính, cũng như nhu cầu cơ sở hạ tầng. Hội nghị thượng đỉnh châu Mỹ do Mỹ tổ chức dự kiến diễn ra vào đầu mùa Hè năm 2022 và việc triển khai sáng kiến “Xây dựng lại thế giới tốt đẹp hơn” có thể tạo ra một đối trọng với ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực, nhưng sẽ không thay đổi cách tiếp cận hướng về Bắc Kinh.
Châu Âu: Các khái niệm phòng thủ đa phương được đưa vào thử nghiệm?
Năm 2022, những thách thức đang tồn tại của châu Âu, cả đại dịch và di cư, sẽ hợp nhất với những thách thức mới trong bối cảnh mới. Dưới thời Pháp làm Chủ tịch Liên minh châu Âu (EU), Paris sẽ dẫn đầu các cuộc thảo luận về mô hình kinh tế hậu đại dịch, như kiểm tra lại các quy tắc tài khóa và năng lực tài khóa của EU. EU sẽ tìm cách để đưa ra một phản ứng mạnh mẽ hơn nhưng vẫn thống nhất về “sự cạnh tranh có hệ thống” với Trung Quốc, trong đó có việc phát triển một công cụ chống cưỡng chế nhằm ngăn chặn đe dọa kinh tế. Điều này diễn ra sau phản ứng cứng rắn của Trung Quốc đối với việc Đài Loan/Trung Quốc mở văn phòng đại diện ở Litva vào năm ngoái. Trong khi Đức, với tư cách là Chủ tịch luân phiên của G7, thúc đẩy tăng cường khả năng phục hồi dân chủ, dẫn đến thách thức pháp quyền của chính EU sẽ bị ảnh hưởng.
Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel đã gợi ý năm 2022 sẽ là “năm bảo vệ châu Âu”. Điều này nhằm đề cập đến một loạt các hoạt động như thông qua La bàn Chiến lược của EU vào tháng 3 và Khái niệm Chiến lược mới của NATO vào tháng 6 tới. Tuy nhiên, với tình hình bất ổn ở Ukraine và khi các đồng minh và đối tác phương Tây xem xét lại các cấu trúc an ninh của châu Âu, thì khái niệm năm 2022 là “năm bảo vệ châu Âu” có thể sẽ mang ý nghĩa khác.
Nga và Âu-Á: Căng thẳng âm ỉ trên nhiều mặt trận
Ngay đầu năm 2022, căng thẳng nghiêm trọng lại xuất hiện trong quan hệ Nga-phương Tây. Nga đã điều hơn 100.000 quân gần biên giới Ukraine để gây áp lực buộc Mỹ và NATO đồng ý điều chỉnh trật tự an ninh của châu Âu.
Tại Caucasus, căng thẳng vẫn còn âm ỉ giữa Armenia và Azerbaijan sau lệnh ngừng bắn vào tháng 11/2020. Bất chấp các cuộc đàm phán do Nga và EU làm trung gian, các cuộc đụng độ quy mô nhỏ vẫn tiếp diễn gây thương vong cho cả hai bên.
Trung Á đang lo ngại theo dõi tình hình Afghanistan sau sự tiếp quản của Taliban, trong khi bất ổn chưa từng có ở Kazakhstan có nguy cơ lan rộng trên phạm vi khu vực.
Trung Đông: Kết quả của các cuộc đàm phán hạt nhân Iran sẽ là then chốt
Đầu năm 2022, mọi con mắt đều đổ dồn vào các cuộc đàm phán hạt nhân đang bị chững lại, nhằm hồi sinh thỏa thuận hạt nhân năm 2015 giữa Iran và các cường quốc. Các cuộc đàm phán tại Vienna tiếp tục diễn ra không mấy thuận lợi: Iran đã đưa ra một loạt yêu cầu mà Mỹ sẽ khó đáp ứng. Có thể đã quá muộn và quá khó để đưa JCPOA trở lại đúng hướng. Nếu vậy, khu vực đang hướng tới một tình huống khó xử là Iran có khả năng hạt nhân hoặc một cuộc xung đột quân sự giữa Iran với Mỹ và/hoặc Israel – vốn coi viễn cảnh Iran sở hữu vũ khí hạt nhân là không thể chấp nhận được.
Ở những nơi khác, bất chấp việc giảm leo thang vào năm 2021, tiến trình chính trị của Libya vẫn rất mong manh, cuộc chiến ở Yemen không có dấu hiệu lắng xuống, xung đột Syria bị đóng băng nhưng vẫn nguy cơ bùng phát trở lại, Iraq đang đối mặt với căng thẳng trong nước, Liban đang bên bờ vực bất ổn và quá trình chuyển đổi ở Sudan đang bị đe dọa. Mối quan hệ giữa các nước cũng vẫn căng thẳng, với việc Thổ Nhĩ Kỳ phải đối mặt với nhiều đối thủ cạnh tranh ở Đông Địa Trung Hải, còn Maroc và Algeria đang trải qua cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất trong nhiều năm.
Châu Phi cận Sahara: Cường độ độ xung đột vũ trang gia tăng
Châu Phi cận Sahara đã chứng kiến sự leo thang xung đột vũ trang và tình trạng mất an ninh trong suốt thập kỷ qua. Xu hướng này có thể sẽ tiếp tục vào năm 2022. Tại vùng Sừng châu Phi, sự ổn định của khu vực phụ thuộc vào cuộc nội chiến ở Ethiopia. Các quốc gia khác bị ảnh hưởng bởi bạo lực và xung đột, chẳng hạn như Cộng hòa Trung Phi (CAR), khu vực phía Đông của Congo và Mozambique, cũng có thể hứng chịu thêm các tác động xuyên biên giới, ngoài việc dẫn đến bất ổn chính trị trong nước.
Nam Á: ưu tiên quản lý các mối quan hệ song phương
Chống lại sự lây lan xuyên quốc gia của tư tưởng cực đoan và chủ nghĩa khủng bố xuất phát từ Afghanistan, kiểm soát sự gia tăng căng thẳng song phương giữa Afghanistan-Pakistan-Ấn Độ-Trung Quốc và giảm thiểu sự gián đoạn kinh tế của làn sóng COVID-19 thứ ba, sẽ là những thách thức chính đối với Nam Á năm 2022.
Đông Nam Á: Vấn đề Myanmar và vai trò của ASEAN
Vấn đề Myanmar sẽ vẫn là tâm điểm ở Đông Nam Á năm 2022. Chính quyền quân sự Myanmar vẫn chưa bắt đầu thực hiện Thỏa thuận 5 điểm về giảm bạo lực và đối thoại chính trị, mà khối đã đạt được sau những cuộc thảo luận khó khăn.
Mới đây, Thủ tướng Campuchia Hun Sen đã tới thăm Myanmar ngay khi nước này đảm nhận cương vị Chủ tịch luân phiên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Vai trò và nỗ lực của ASEAN trong việc giúp hàn gắn bế tắc chính trị tại Myanmar sẽ được dư luận đặc biệt quan tâm.
Trung Quốc: Ưu tiên then chốt về khả năng phục hồi kinh tế
Đây sẽ là một năm nhạy cảm về chính trị đối với Trung Quốc. Nước này sẽ phải đối mặt với những thách thức về chính sách đối nội và đối ngoại, cả cũ và mới. Quan hệ Trung-Mỹ không được cải thiện vào năm 2021 và điều này có thể sẽ vẫn xảy ra vào năm 2022. Với Bắc Kinh, một vấn đề lớn hơn là làm thế nào để phục hồi kinh tế trong nước thông qua cái gọi là mô hình “tuần hoàn kép”, đồng thời phải đối mặt với những hạn chế ngày càng tăng trong việc tiếp cận với công nghệ và đổi mới ở nước ngoài. Suy thoái kinh tế, những lo ngại về các vấn đề xã hội, biện pháp nới lỏng chính sách “zero-COVID” kéo dài hai năm cũng sẽ là những mối quan tâm hàng đầu của Bắc Kinh.