Theo Tiến sĩ Nurlan Aliyev, giảng viên tại Đại học Kinh tế và Khoa học ở Warsaw, trong bối cảnh các lệnh trừng phạt của phương Tây khiến Nga bị tách khỏi nhiều đối tác thương mại cũ ở châu Âu, Moskva đã chuyển hướng sang nơi khác để tiếp tục xuất khẩu kể từ tháng 2/2022.
Việc hoàn thành Hành lang Giao thông Quốc tế Bắc - Nam (INSTC) hiện là mục tiêu chiến lược của Nga. Tiến sĩ Aliyev cho rằng, khả năng vượt qua các quốc gia có liên kết với phương Tây sẽ không chỉ quan trọng đối với nền kinh tế Nga mà còn có thể giúp tăng cường sự hiện diện của Moskva ở Trung Á và Nam Kavkaz. Tuy nhiên, điều này có thể khiến Nga phải cạnh tranh với lợi ích thương mại của Ấn Độ và Trung Quốc.
Thay vì một tuyến đường duy nhất, INSTC bao gồm ba tuyến đường bộ và đường biển từ Nga đến các cảng trên Vịnh Ba Tư, nơi hàng hóa có thể được vận chuyển tới Ấn Độ. Trước đây, hàng hóa được vận chuyển khắp châu Âu từ các cảng Biển Baltic của Nga và qua Kênh đào Suez – một hành trình dài hơn nhiều với nguy cơ tắc nghẽn và sự chậm trễ. Mặc dù mỗi tuyến đường của INSTC đều mang lại lợi thế trong việc giảm thời gian giao hàng và tránh các lệnh trừng phạt của phương Tây, nhưng những thách thức về địa lý, cơ sở hạ tầng và chính trị đang cản trở dự án này.
Tuyến phía Tây của INSTC bao gồm một loạt mạng lưới đường sắt và đường bộ, chạy dọc theo bờ biển phía Tây của Biển Caspian qua Azerbaijan và Iran. Hiện nay, đây là tuyến đường phát triển nhất trong 3 tuyến đường cả về mặt cơ sở hạ tầng và ngoại giao. Nga và Azerbaijan đã ký thỏa thuận xây dựng các trạm kiểm soát phối hợp để đảm bảo dòng chảy thương mại tự do nhất có thể. Nhưng xung đột thường xuyên nổ lên ở khu vực, như cuộc khủng hoảng gần đây ở vùng lãnh thổ tranh chấp Nagorny-Karabakh đã cho thấy.
Nga vẫn có thể tìm cách hạn chế gián đoạn do những căng thẳng này bằng cách tránh xây dựng tuyến đường đi qua Azerbaijan. Mối quan hệ tan băng giữa Moskva và Tbilisi trong những tháng gần đây có nghĩa là Nga có thể khôi phục các tuyến đường sắt đến Armenia qua Gruzia. Nếu thành công, Nga sẽ có kết nối đường sắt với cả hai thành viên của Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO) là Armenia và Iran.
Bên cạnh đó, tuyến đường xuyên Caspi rất quan trọng đối với mối quan hệ của Nga với Iran, đặc biệt vì nó giúp Moskva “thoát khỏi sự giám sát” của phương Tây. Theo báo chí đưa tin, hai nước chủ yếu sử dụng tuyến đường này để vận chuyển thiết bị quân sự.
Tuy nhiên, các cảng của Nga ở Biển Caspi không thể ứng phó với lưu lượng hàng hóa tăng vọt do thiếu bến cảng, nhà ga, cần cẩu và cơ sở hạ tầng khác ở thành phố cảng Astrakhan cũng như tình trạng tắc nghẽn ở Kênh Volga-Don. Việc thiếu năng lực do vấn đề trên tạo ra đặc biệt nghiêm trọng vào mùa đông, khi các tàu không thể hoạt động ở Astrakhan trong nhiều ngày do thiếu cơ sở hạ tầng cảng.
Ngoài ra, vấn đề địa lý đặt ra thách thức chính đối với việc phát triển tuyến đường thứ ba dọc theo bờ phía Đông của Biển Caspi, vì nó cần phải đi qua địa hình đồi núi ở biên giới Turkmenistan - Iran. So với các tuyến đường khác, hàng hóa của Nga trên tuyến đường này đi qua nhiều biên giới các nước và gặp nhiều thủ tục hành chính hơn - chẳng hạn như thủ tục hải quan và hạn chế về trọng lượng, do đó khiến việc vận chuyển ít hiệu quả hơn về mặt chi phí.
Trong khi đó, tình trạng phát triển kém ở Uzbekistan, Turkmenistan và Iran là một trở ngại khác. Các huyết mạch thương mại quan trọng như “Con đường tơ lụa” lịch sử đã đi qua Iran trong nhiều thế kỷ, cho phép các đế chế kế tiếp nằm dọc tuyến đường này tích lũy được khối tài sản khổng lồ. Nhưng ngày nay, các cảng phía Bắc của Iran thiếu cơ sở hạ tầng hiện đại và rất ít tuyến đường sắt được điện khí hóa.
Cùng với đó, nhiều quốc gia thuộc INSTC đã trở thành mục tiêu trong “Sáng kiến Vành đai và Con đường” của Trung Quốc, một dự án cơ sở hạ tầng toàn cầu đầy tham vọng được triển khai vào năm 2013. Trung Á có thể là đấu trường cho các lợi ích cạnh tranh giữa Nga, Trung Quốc và các nước khác.
Tóm lại về lý thuyết, INSTC sẽ cho phép Nga vượt qua các trở ngại thương mại do các lệnh trừng phạt của phương Tây gây ra - nhưng vẫn bị chi phối phần nào của Mỹ và EU. Đầu tư của phương Tây vào các cảng và đường sắt Trung Á sẽ là chìa khóa để phát triển cơ sở hạ tầng của tuyến đường do Nga khởi xướng. Phương Tây cũng có thể gây áp lực với các nước liên quan bằng các biện pháp trừng phạt thứ cấp nếu họ nhập khẩu hàng hóa của Nga.
Nhưng phương Tây có thể dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt này nếu họ tin rằng làm như vậy sẽ có lợi cho mình. Điều này xảy ra vào năm 2019, khi dưới thời cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump, Washington cho phép Ấn Độ đầu tư vào cảng Chabahar của Iran, giúp New Delhi có khả năng xây dựng quan hệ kinh tế với Trung Á. Một chính quyền mới ở Washington hoặc kết quả cuộc bầu cử sắp tới ở Brussels có thể làm thay đổi đáng kể cán cân quyền lực trong khu vực và do đó làm thay đổi tương lai của INSTC.
Tiến sĩ Aliyev nhấn mạnh, việc củng cố INSTC cũng sẽ là một phép thử lớn cho nền ngoại giao của Nga. Moskva sẽ cần thuyết phục không chỉ các quốc gia tham gia mà cả các cường quốc khu vực như Trung Quốc và Ấn Độ hành động vì lợi ích của họ, thay vì cạnh tranh để độc quyền sở hạ tầng có giá trị.