Những tính toán chiến lược trong quan hệ Mỹ - Ấn

Từ ngày 6 - 8/6, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi có chuyến thăm Mỹ lần thứ tư kể từ khi ông nhậm chức vào năm 2014, và như thường lệ, đằng sau các cuộc gặp diễn ra khá thường xuyên giữa ông và Tổng thống Mỹ Barack Obama luôn là những tính toán chiến lược của cả hai bên.

Đối với Obama, việc tăng cường quan hệ Mỹ - Ấn sẽ giúp ông củng cố vững chắc hơn di sản ngoại giao của mình khi mà chỉ còn 7 tháng nữa ông sẽ rời nhiệm sở, còn với ông Modi, chuyến thăm này nhằm mục đích tìm kiếm một lực đẩy mới cho sự phát triển quan hệ với Washington.

Nhà Trắng tái khẳng định cam kết trong năm nay sẽ tham gia Hiệp ước Paris về chống biến đổi khí hậu sớm nhất có thể. Cũng như vậy, Ấn Độ đã bắt đầu tiến trình hành động để hướng tới mục tiêu chung này. Trong một thông cáo, Nhà trắng cho biết: “Mỹ và Ấn Độ nhận thức được sự cấp thiết của mối đe dọa biến đổi khí hậu và vì vậy rất nỗ lực để đưa Hiệp định Paris được thực thi một cách có hiệu lực càng sớm càng tốt”.

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi phát biểu trước Quốc hội Mỹ ngày 8/6.

Trong một tuyên bố riêng, hai lãnh đạo đã bày tỏ sự vui mừng khi nói về việc bắt đầu các công tác chuẩn bị của công ty Westinghouse của Mỹ tại các địa điểm sẽ xây dựng 6 lò phản ứng hạt nhân ở Ấn Độ. “Dự án này sau khi hoàn tất sẽ trở thành một trong những dự án lớn nhất trong lĩnh vực này, đáp ứng cam kết trong thỏa thuận hạt nhân dân sự Mỹ - Ấn”, tuyên bố cho biết. Ngoài ra, hai nước cũng cam kết phát triển các mối quan hệ quốc phòng trở thành “điểm tựa ổn định” và sẽ hợp tác trong lĩnh vực kỹ thuật để tương xứng với mức độ của mối quan hệ đối tác và đồng minh thân cận nhất.

Ashley Tellis, một chuyên gia Ấn Độ thuộc Quỹ Carnegie vì Hòa bình Quốc tế ở Washington, được hãng tin Reuters dẫn lời nhận định rằng kể từ sau khi lên cầm quyền vào năm 2014, tính đến nay, ông Modi đã có 4 lần tới thăm Mỹ và 7 lần hội đàm với Tổng thống Mỹ Obama. Mức độ thường xuyên của các cuộc gặp mặt như vậy giữa tổng thống Obama và một lãnh đạo quốc gia mà không phải đồng minh chính thức là điều “rất đặc biệt”.

Chỉ cách đây vài năm, ông Modi vẫn bị cấm nhập cảnh vào Mỹ do có dính líu đến các cuộc nổi dậy chống Hồi giáo xảy ra tại bang Gujarat ở Tây Ấn Độ vào năm 2002, khi ông còn là thống đốc bang này, mặc dù ông đã bác bỏ mọi sai phạm. Vậy mà giờ đây, ông được chào đón nhiệt liệt bởi một đội quân kéo cờ danh dự khi đặt chân tới cửa của Phòng Bầu dục để chuẩn bị các cuộc thảo luận với ông Obama. Sự thay đổi trong cách đối xử của Washington với ông Modi là kết quả của mối quan hệ đang ngày càng ấm lên giữa hai nước, vốn chứng kiến nhiều thăng trầm trong những năm qua. Và đằng sau sự thay đổi ấy chính là những tính toán chiến lược của cả hai phía Washington và New Delhi.

Theo nhận định của Jin Canrong, Phó Giám đốc Trường Quan hệ Quốc tế thuộc Đại học Nhân dân Trung Quốc, Washington rất coi trọng giá trị chiến lược, tiềm năng kinh tế và lợi ích tư tưởng của Ấn Độ, và việc xích lại gần Ấn Độ sẽ giúp Mỹ củng cố nỗ lực “tái cân bằng tại châu Á - Thái Bình Dương”. Về phần Ấn Độ, ông Jin cho rằng nỗ lực thắt chặt quan hệ Mỹ - Ấn của quốc gia Nam Á này nằm trong tính toán về cả an ninh chiến lược lẫn phát triển kinh tế của New Delhi.

Tuy nhiên, con đường mà hai nước sẽ phải trải qua để trở thành cái mà ông Obama từng nhắc đến trong chuyến thăm Ấn Độ hồi năm 2015 - “những đối tác tốt nhất” - còn rất dài. Theo một báo cáo của hãng Reuters, New Delhi hẳn rất đề phòng trước sự xích lại gần của Mỹ, sau khi Ấn Độ đã phải trải qua hàng thập kỷ rơi vào tình trạng phi liên kết chính phủ do một quá trình lịch sử thuộc địa để lại. Báo cáo trích dẫn lời của Nitin Gokhale, người sáng lập cổng thông tin quốc phòng Ấn Độ Bharat Shakti, có đoạn viết: “Đây không phải là một mối quan hệ đối tác chiến lược, cũng không phải quan hệ đồng minh. Có thể nó là một thỏa thuận dài hạn, nhưng còn quá sớm để gọi đó là một mối quan hệ chiến lược”.
TTK
“Nồng ấm” quan hệ Mỹ - Ấn
“Nồng ấm” quan hệ Mỹ - Ấn

Tổng thống Mỹ Barack Obama vừa có chuyến thăm chính thức và được mời làm trọng khách tại lễ kỷ niệm lần thứ 66 Ngày Cộng hòa Ấn Độ (26/1). Sự kiện này không chỉ mang tính biểu tượng, mà còn mang ý nghĩa quan trọng về chính trị và ngoại giao, cho thấy sự “nồng ấm” trong quan hệ Mỹ - Ấn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN