Tổng thống Mỹ Barack Obama vừa có chuyến thăm chính thức và được mời làm khách chính tại lễ kỷ niệm lần thứ 66 Ngày Cộng hòa Ấn Độ (26/1). Ông là tổng thống Mỹ đầu tiên tới thăm Ấn Độ hai lần khi còn đương chức và được vinh dự mời làm khách chính tại lễ kỷ niệm Ngày Cộng hòa của “đất nước sông Hằng”. Sự kiện này không chỉ mang tính biểu tượng, mà còn mang ý nghĩa quan trọng về chính trị và ngoại giao, cho thấy sự “nồng ấm” trong quan hệ Mỹ - Ấn.
Sau một thời gian bất đồng liên quan đến ngoại giao và thương mại, quan hệ Mỹ-Ấn đã có những chuyển biến rõ rệt kể từ khi chính phủ mới do Thủ tướng Narendra Modi đứng đầu nắm ngọn cờ lãnh đạo tại Ấn Độ ngày 26/5/2014. Cả Tổng thống Obama lẫn Thủ tướng Modi đã quyết tâm nắm lấy thời cơ này để “thổi luồng sinh khí” mới vào quan hệ song phương.
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi (phải) và Tổng thống Barack Obama (trái) trước cuộc gặp ở New Delhi. Ảnh: AFP/TTXVN. |
Chuyến thăm lịch sử của Thủ tướng Modi tới Mỹ hồi tháng 9/2014 đã gạt bỏ bất đồng và đặt nền móng để hai nước khám phá tiềm năng hợp tác. Với chuyến thăm của ông vào thời điểm quan trọng này, Washington và New Delhi đã thể hiện ý chí chính trị với quyết tâm tạo nên những kết quả hợp tác rõ ràng hơn trên nhiều lĩnh vực.
Trong khuôn khổ chuyến thăm Ấn Độ ba ngày, bên cạnh những hoạt động mang tính ngoại giao, Tổng thống Obama đã có cuộc hội đàm quan trọng với Thủ tướng Modi về một loạt vấn đề, trong đó có lĩnh vực hợp tác hạt nhân dân sự, quốc phòng-an ninh, kinh tế-thương mại, phát triển năng lượng sạch, biến đổi khí hậu, cùng các vấn đề liên quan đến khu vực và thế giới.
Sau hội đàm, hai bên đã chứng kiến lễ ký kết một số thỏa thuận hợp tác, thông qua “Tuyên bố Delhi về quan hệ hữu nghị Ấn-Mỹ”, Tuyên bố “Tầm nhìn chiến lược chung Ấn-Mỹ về khu vực châu Á-Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương”, Tuyên bố chung về chuyến thăm của Tổng thống Obama.
Trong khi thừa nhận vai trò quan trọng của hai nước trong việc thúc đẩy hòa bình, thịnh vượng, an ninh và ổn định tại khu vực Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương, ông Obama và ông Modi lưu ý rằng “Chính sách hướng Đông” của Ấn Độ và chính sách “tái cân bằng” của Mỹ đã và đang tạo ra cơ hội cho hai nước cùng các nước khác trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương phối hợp chặt chẽ với nhau.
Hai bên lần đầu tiên thiết lập đường dây nóng cấp cao giữa Tổng thống Obama với Thủ tướng Modi và giữa các cố vấn an ninh quốc gia hai nước để trao đổi các vấn đề song phương, khu vực và toàn cầu.
Về phát triển kinh tế, hai bên bày tỏ tin trưởng rằng sự hợp tác liên tục sẽ tăng cơ hội đầu tư, cải thiện quan hệ thương mại và đầu tư song phương, đồng thời tạo việc làm và sự thịnh vượng cho cả hai nền kinh tế. Hai bên nhất trí tiếp tục tăng cường quan hệ đối tác rộng rãi dựa trên sự phát triển thông qua hợp tác thương mại, công nghệ và đầu tư,… quyết tâm nâng kim ngạch thương mại song phương lên 500 tỷ USD từ mức 100 tỷ USD hiện nay, cam kết thăm dò các lĩnh vực hợp tác trong phát triển kỹ năng.
Tại hội nghị Diễn đàn Tổng Giám đốc các công ty Ấn-Mỹ ở New Delhi chiều 26/1, Tổng thống Obama đã công bố khoản đầu tư 4 tỷ USD, do chính phủ Mỹ hỗ trợ cho Ấn Độ, theo đó Ngân hàng xuất-nhập khẩu Mỹ sẽ tài trợ một tỷ USD cho chương trình xuất khẩu sản phẩm “make in India” (sản xuất tại Ấn Độ); Công ty đầu tư tư nhân ở nước ngoài của Mỹ sẽ cho các xí nghiệp cỡ nhỏ và vừa tại các vùng nông thôn Ấn Độ vay 1 tỷ USD; Cơ quan phát triển và thương mại Mỹ cam kết đầu tư 2 tỷ USD vào lĩnh vực phát triển năng lượng tái tạo của Ấn Độ.
Về hợp tác trong lĩnh vực công nghệ cao, không gian và y tế, Thủ tướng Modi và Tổng thống Obama tái khẳng định cam kết đảm bảo các đối tác trong khoa học - công nghệ và sáng tạo là thành tố quan trọng của quan hệ hợp tác song phương toàn diện trong thế kỷ 21; đồng thời tái khẳng định sự ủng hộ đối với vai trò của các đối tác khoa học, công nghệ và sáng tạo trong giải quyết những thách thức thuộc các lĩnh vực như an ninh lương thực, nước, năng lượng, khí hậu, y tế và phát triển bền vững.
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi (phải) đón Tổng thống Obama và phu nhân tại New Delhi. Ảnh: AFP/TTXVN. |
Hai nhà lãnh đạo cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc mở rộng nghiên cứu, phát triển và chế tạo, trong đó tăng cường nguồn năng lượng và giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính; hướng tới đưa Ấn Độ thành một nền kinh tế có lượng cácbon thấp.
Về quốc phòng, Thủ tướng Modi và Tổng thống Obama hoan nghênh những nỗ lực của hai bên nhằm mở rộng quan hệ hợp tác quốc phòng, khuyến khích quân đội hai nước theo đuổi các cơ hội hợp tác thông qua tập trận chung, đối thoại quốc phòng và trao đổi giao lưu giữa các quân chủng.
Hai bên thừa nhận sự cần thiết của việc hợp tác hai chiều, trong đó có hợp tác công nghệ, cùng phát triển và sản xuất các hệ thống thiết bị quốc phòng. Nhân dịp này, Mỹ và Ấn Độ đã ký lại hiệp định khung về hợp tác quốc phòng 10 năm, tạo nền móng cho hai nước tăng cường hợp tác mạnh hơn nữa trong thời gian tới.
Đặc biệt, trong lĩnh vực hợp tác hạt nhân dân sự, hai bên đã đạt được sự khai thông để hướng tới triển khai hiệp định ký năm 2008 hiện đang bế tắc do các điều khoản khắt khe trong luật trách nhiệm hạt nhân dân sự của Ấn Độ.
Về các vấn đề khu vực và toàn cầu, hai nhà lãnh đạo nhất trí tăng cường hỗ trợ các nước đang phát triển và giải quyết những thách thức toàn cầu, vì lợi ích của khu vực và toàn thế giới. Mỹ và Ấn Độ có thể hợp tác giải quyết những thách thức tại các nước thứ ba trong lĩnh vực y tế, năng lượng, an ninh lương thực, quản lý thảm họa và trao quyền cho phụ nữ. Hai nhà lãnh đạo cũng chia sẻ quan điểm ủng hộ tự do hàng hải ở Biển Đông cũng như vai trò của một Ấn Độ đang vươn lên ở cả khu vực Nam Á, Tây Phi và Đông Nam Á.
Tuy nhiên, tương lai phát triển của quan hệ Mỹ- Ấn không phải toàn màu hồng. Theo nhận định của một số chuyên gia, bất đồng về thương mại và quyền sở hữu trí tuệ cần được hai nước lưu tâm để tránh gây trở ngại cho các lĩnh vực khác. Mở rộng hoạt động thương mại là trọng tâm để xây dựng sức mạnh chiến lược của Ấn Độ và củng cố quan hệ Mỹ-Ấn.
Minh Lý (
P/v TTXVN tại New Delhi)