Canada đã từng từ chối tham gia hiệp định Đối tác Kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP), đến khi nghĩ lại, thì họ lại gặp rất nhiều khó khăn. Vậy thì điều gì khiến chính phủ Canada lại thay đổi quyết định của mình như vậy.Thủ tướng Canada Stephen Harper và Tổng thống Mỹ Barack Obama tại Chicago năm 2012. Ảnh: huffingtonpost.ca |
Có thể nói, con đường đến với TPP của Canada cũng khá gập ghềnh. Mãi tới tháng 6/2012, nước này mới chính thức được chấp nhận tham gia đàm phán. Mặc dù trước đó Canada đã từng khước từ lời mời tham gia từ thời kỳ tiền thân của TPP, còn gọi là hiệp định P4 (gồm 4 nước: Singapore, Chile, New Zealand, Brunei). Tới lúc giật mình nghĩ lại thì Canada mới phát hiện rằng thảm đỏ dành cho họ đã mất. Và thậm chí Mỹ, một đồng minh thân thiết của Canada, lúc đầu còn tỏ ra không mấy thiện chí.
Điều này có thể lạ lùng, bởi tại sao Mỹ lại làm thế với Canada, một đối tác thân thiết trong khối Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (khối NAFTA), cũng như là thị trường bán lẻ lớn nhất cho hàng hóa của họ, và là một nền kinh tế đứng thứ 10, 11 thế giới.
Có thể giải thích một cách đơn giản rằng, ban đầu Mỹ nghĩ việc có thêm Canada sẽ làm quá trình đàm phán phức tạp hơn (như là vấn đề sở hữu trí tuệ, câu chuyện thương hiệu sản xuất dược phẩm, thiên hướng bảo vệ cái gọi là "ngành công nghiệp văn hóa", và các vấn đề thương mại khác không phù hợp với lợi ích của Mỹ). Việc cho Canada tham gia cũng có thể làm cộng hưởng khó khăn từ những đối tác khác.
Tuy nhiên, đến cuối cùng thì Canada đã đạt được mong muốn của mình, một phần do lúc này Mexico cũng muốn tham gia, và một phần bởi những quan ngại từ phía Mỹ về khả năng mất đoàn kết trong khối NAFTA nếu không đồng ý cho Canada tham gia.
Vậy những lý do nào khiến Canada thay đổi ý định, nhất quyết phải tham gia bằng được?
Lý do một phần bởi chính quyền bảo thủ của Thủ tướng Stephen Harper có thể đã nhận thức được mối nguy hiểm từ việc phụ thuộc quá nhiều vào thị trường Mỹ, cùng với đó là vai trò và sự năng động ngày càng gia tăng của các nền kinh tế khu vực châu Á.
Một nguyên nhân nữa là, trước thời Thủ tướng Harper, tại Canada, các đảng lãnh đạo chỉ đạt thiểu số, điều này khiến họ chỉ còn sức tập trung sự quan tâm vào nền chính trị trong nước, một điều sống còn để duy trì quyền lực. Tuy nhiên, với chiến thắng đa số năm 2011, đảng Bảo thủ đã có điều kiện đẩy mạnh chính sách của mình. Nhân tố chủ chốt chính là tự do thương mại với cả châu Âu và châu Á. Hiệp định TPP chính là phương tiện tốt nhất cho Canada thiết lập cơ sở thương mại với châu Á, cho dù chưa đạt được tiến bộ trong đàm phán thương mại song phương với Singapore, Hàn Quốc, Thái Lan và Ấn Độ.
Thêm vào đó là Hàn Quốc, một thành tố quan trọng khác trong những toan tính của Canada. Mặc dù hai bên đã triển khai đàm phán hiệp định song phương, nhưng khả năng TPP có thể sẽ được hoàn thành trước, do đó, Canada không cam lòng nhìn Mỹ chiếm lợi thế trong quan hệ với Hàn Quốc. Và nếu Mỹ đẩy mạnh đàm phán với thị trường Hàn Quốc, Canada tốt nhất cũng phải có mặt để bảo vệ quyền lợi của mình.
Vượt trên những lợi ích mang tính chiến thuật, khi Canada tham gia đàm phán TPP thì chính là đã xây dựng chiến lược "chuyển trọng tâm" sang châu Á. Cho dù từ lâu Canada đã hiện diện tại khu vực này, nhưng những mối liên hệ đó phần nhiều bị suy giảm trong những năm qua khi không được chăm sóc. Giờ thì Canada muốn quay trở lại, tham gia vào các diễn đàn, cũng như trở thành một phần trong kiến trúc thương mại khu vực.
Hiệp định TPP có thể trở thành hoặc không trở thành bước đệm đối với một Hiệp định Tự do Thương mại khu vực châu Á Thái Bình Dương (một hiệp định có thể giúp đạt được những lợi ích kinh tế thực sự), thế nhưng, Canada vẫn không muốn bị loại ra khỏi cuộc chơi. TPP vẫn là một bước tiến chiến thuật trong ngắn hạn và cả là nước cờ chiến lược trong dài hạn đối với Canada.