Tranh cãi về hiệu quả của mũi vaccine thứ 3
Theo trang The Guardian (Anh), cho đến nay, việc xác định mũi vaccine thứ 3 (tăng cường) có cần thiết hay không vẫn chưa rõ ràng. Dữ liệu sơ bộ cho biết mức độ kháng thể bảo vệ cơ thể khỏi COVID-19 sẽ bị giảm đi hàng tuần và hàng tháng sau khi tiêm vaccine, đặc biệt là đối với biến thể Delta có khả năng lây nhiễm cao. Tuy nhiên, không thể xác định mức độ kháng thể tạo khả năng miễn dịch bảo vệ cơ thể khỏi virus SARS-CoV-2.
Theo các chuyên gia, điều quan trọng đó là cần phải biết là mức độ kháng thể, hay các tế bào khác trong hệ miễn dịch của cơ thể, chẳng hạn tế bào T, cần thiết để bảo vệ con người trước COVID-19, nguy cơ mắc bệnh nghiêm trọng và tử vong. Chỉ khi có thể xác định được mức độ kháng thể ở mỗi người, thì mới xác định được rõ ràng có nên tiêm liều vaccine tăng cường hay không.
Hiện tại, các chuyên gia của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) vẫn khẳng định không có đủ bằng chứng khoa học để thúc đẩy việc tiêm mũi vaccine thứ 3. Tuy nhiên, một số nhà khoa học lập luận rằng ở những người có bệnh nền với hệ thống miễn dịch suy yếu, các mũi vaccine ban đầu tạo phản ứng miễn dịch chậm hơn, vì vậy những trường hợp này cần tiêm vaccine tăng cường, đặc biệt là trước biến thể Delta.
“Ở những trường hợp nhiễm biến thể Delta, đặc biệt người trên 60 tuổi, liều vaccine tăng cường sẽ giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh nghiêm trọng”, ông Danny Altmann, giáo sư miễn dịch học tại Đại học Hoàng gia London, nói và cho biết điều tương tự cũng sẽ xảy ra ở các nhóm dễ bị tổn thương hoặc bị ức chế miễn dịch khác.
Có nên tiêm mũi vaccine thứ 3 bằng một loại vaccine khác?
Hiện vẫn chưa thể khẳng định hiệu quả của việc tiêm mũi vaccine thứ 3 bằng một loại vaccine khác. Nhìn chung, mỗi loại vaccine được phát triển bởi công nghệ khác nhau, dù đều giúp hệ thống miễn dịch thực hiện cùng một mục tiêu, nhưng theo cách hơi khác nhau. Do vậy, việc tiêm mũi thứ 3 bằng loại vaccine khác có khả năng gây ra phản ứng miễn dịch đa dạng hơn.
Tại Anh, người dân hiện được tiêm 2 mũi vaccine giống nhau, nhưng các nhà nghiên cứu đang tìm hiểu việc tiêm mũi thứ 2 bằng một loại vaccine COVID-19 khác - hay mũi vaccine thứ 3 khác với 2 mũi ban đầu - có thể tăng cường mức độ miễn dịch hay không. Vào cuối tháng 6, dữ liệu sơ bộ từ một nghiên cứu cho thấy mũi vaccine thứ 3 có thể có lợi, đặc biệt là tiêm vaccine Pfizer sau khi tiêm mũi một là AstraZeneca.
Matthew Snape, điều tra viên chính của thử nghiệm và phó giáo sư về nhi khoa và tiêm chủng tại Oxford cho biết: “Dựa trên những gì chúng ta đang chứng kiến, việc đổi sang vaccine RNA có thể mang lại một số lợi ích về mặt kháng thể”.
Nhưng có những lo ngại về tác dụng phụ từ việc tiêm trộn các loại vaccine. Một nghiên cứu được trình bày trước Ủy ban Hỗn hợp về Tiêm chủng Anh (JCVI) chỉ ra rằng nếu tiêm trộn vaccine cho mũi thứ nhất và thứ hai, các tác dụng phụ có thể tồi tệ hơn và sẽ có những tác dụng phụ tiềm ẩn khi tiêm mũi vaccine tăng cường bằng một loại vaccine khác với 2 mũi ban đầu.
Các quốc gia có kế hoạch tiêm mũi vaccine thứ 3
Tổng thống Mỹ Joe Biden, cho biết hôm 18/8 rằng chính quyền của ông đã lên kế hoạch cung cấp các mũi vaccine nhắc lại cho tất cả người Mỹ bắt đầu từ ngày 20/9, khi làn sóng Delta đang có xu hướng lan rộng.
Israel cũng bắt đầu cung cấp vaccine tăng cường cho những người trên 60 tuổi. Tổng thống Isaac Herzog cũng đã tiêm mũi vaccine tăng cường, mở đầu chiến dịch tiêm mũi vaccine thứ 3 ở nước này.
Tại Anh, Bộ trưởng Y tế Sajid Javid tuần trước cho rằng những người trên 50 tuổi có khả năng sẽ được tiêm mũi vaccine thứ 3 vào cùng đợt tiêm phòng cúm. Chương trình tiêm chủng này dự kiến sẽ bắt đầu vào đầu tháng 9. Tuy nhiên, JCVI, cơ quan tư vấn cho chính phủ về chiến lược tiêm chủng, vẫn chưa đưa ra khuyến cáo cuối cùng về việc tiêm vaccine bổ sung. Giáo sư Adam Finn, một thành viên của JCVI, cho biết hôm 19/8 rằng, ủy ban dự kiến sẽ quyết định những nhóm dễ bị tổn thương nào nên được khuyến nghị tiêm mũi thứ 3.
Vào tháng trước, Cơ quan Dược phẩm Châu Âu cho biết hông có đủ bằng chứng để khuyến nghị tiêm các liều vaccine tăng cường, dù một số quốc gia đã tiên phong. Pháp và Đức đang xem xét tiêm mũi thứ ba cho một số nhóm nhất định từ tháng 9.
Phản đối việc tiêm mũi vaccine thứ 3
Ngoài bằng chứng không rõ ràng về sự cần thiết của việc tiêm mũi vaccine tăng cường, một lập luận về đạo đức chống lại việc tiêm mũi thứ 3 đã được đưa ra. Các chuyên gia của WHO cho rằng việc tiêm mũi vaccine thứ 3 trong khi rất nhiều người ở nhiều nơi trên thế giới vẫn đang chờ đợi để được tiêm mũi đầu tiên là trái đạo đức.
Tiến sĩ Michael Ryan, Giám đốc chương trình Y tế khẩn cấp của WHO cho biết: “Chúng ta đang có kế hoạch phát thêm áo phao cho những người đã có áo phao, trong khi chúng ta để người khác chết đuối mà không có một chiếc áo phao nào”.
Trong một bài viết gần đây, ông Andrew Pollard, Trưởng nhóm Vaccine Oxford và Seth Berkley, Giám đốc điều hành của Liên minh vaccine Gavi, cũng cho rằng việc các quốc gia giàu có thúc đẩy chiến dịch tiêm mũi thứ 3 quy mô lớn sẽ gửi đi thông điệp trên toàn thế giới rằng cần phải tiêm mũi tăng cường ở khắp mọi nơi.
“Điều này sẽ khiến lượng vaccine giảm đi và sẽ có nhiều người chết hơn vì họ không có cơ hội tiêm một liều vaccine duy nhất. Vì chúng ta đã có 2 liều vaccine quý giá, không nên vội vàng thúc đẩy tiêm mũi bổ sung cho hàng triệu người, trong khi thời gian không còn nhiều cho những người không có gì. Đơn giản là hãy ưu tiên mũi vaccine đầu tiên”, các chuyên gia nhấn mạnh.