Trong bài viết trên tờ South China Morning Post số ra ngày 28/12, các nhà phân tích quốc tế cho rằng nhà lãnh đạo Kim Jong-un sẽ cần phải tiến hành một chuyến thăm như đã hứa tới Seoul, đáp lại chuyến thăm Bình Nhưỡng của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in hồi tháng 9 vừa qua để tiến hành cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều lần 3.
Một chuyến thăm thành công tới Seoul sẽ cho thấy sự khác biệt giữa ông Kim Jong-un và cha của ông, nhà lãnh đạo Kim Jong-il, người chưa thực hiện lời hứa của mình đến thăm Seoul.
Kết quả lý tưởng nhất của chuyến thăm này có thể là lãnh đạo hai miền Triều Tiên ra tuyên bố chung, trong đó nhấn mạnh sự cần thiết của một tuyên bố chính thức chấm dứt Chiến tranh Triều Tiên, dựa trên tuyên bố chung năm 2000 giữa Tổng thống Mỹ khi đó Bill Clinton và đặc phái viên Triều Tiên Jo Myong-rok, theo đó cả Mỹ lẫn Tiều Tiên đều không có ý định thù địch với nhau.
Washington hiện chưa đưa ra cam kết về một tuyên bố hòa bình như vậy trong bối cảnh các cuộc đàm phán phi hạt nhân hóa Triều Tiên không có tiến triển và Bình Nhưỡng tiếp tục mở rộng kho hạt nhân của mình.
Các nhà phân tích cho rằng một dự án đường sắt chung sẽ tạo thêm nhiều động lực cũng như nâng cấp cơ sở hạ tầng để hỗ trợ phát triển kinh tế. Bên cạnh đó, một cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều lần thứ hai sẽ đòi hỏi những kế hoạch chi tiết hơn để thúc đẩy hiện thực tiến trình phi hạt nhân hóa Triều Tiên, khác với nội dung "thiếu rõ ràng" trong tuyên bố chung cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều lần thứ nhất hồi tháng 6 vừa qua tại Singapore.
Các nhà phân tích cho rằng Washington có thể sẽ vẫn yêu cầu Bình Nhưỡng công bố con số, địa điểm và sự sẵn sàng hoạt động của kho vũ khí hạt nhân của nước này.
Ngoài ra, việc giải quyết vấn đề phi hạt nhân hóa Triều Tiên còn có liên quan tới chuyến thăm Triều Tiên vào năm 2019 của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình do vai trò của Bắc Kinh được cho là có liên quan mật thiết tới kết quả cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều.
Trong năm 2018, thế giới đã chứng kiến những bước chuyển ngoạn mục liên quan tình hình Bán đảo Triều Tiên, nhất là đặt trong bối cảnh “thùng thuốc súng” liên tục trực chờ phát nổ với hai vụ thử hạt nhân và hơn 20 vụ phóng tên lửa liên tiếp của Triều Tiên trong năm 2017.
Bức tranh Bán đảo Triều Tiên bắt đầu đổi gam màu tươi sáng từ sau sự “tan băng” trong quan hệ liên Triều nhân Olympic mùa Đông PyeongChang, sự kiện đã mở toang cánh cửa cho cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều đầu tiên sau hơn một thập kỷ và tiếp đó là hai cuộc gặp nữa giữa Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, một tần suất gặp gỡ nhộn nhịp chưa từng có giữa lãnh đạo hai nước.
Những chuyển động tích cực và đầy lạc quan giữa hai miền Triều Tiên đã tạo tiền đề vững chắc cho cuộc gặp thượng đỉnh lịch sử giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, sự kiện ngoại giao “chấn động” thu hút dư luận quốc tế quan tâm hàng đầu trong năm qua. Lần đầu tiên trong lịch sử, nguyên thủ hai nước vốn đối địch trong nhiều năm đã cùng ngồi vào bàn đàm phán, kể cả khi Washington và Bình Nhưỡng vẫn chưa thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức.
Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều ngày 12/6 tại Singapore đã đánh dấu sự khởi đầu một tiến trình mới, tái định hình chiến lược an ninh ở khu vực Đông Bắc Á. Quan hệ Mỹ - Triều sau cuộc gặp đã có sự chuyển hướng mạnh mẽ theo hướng hòa dịu, khi các cam kết hướng tới phi hạt nhân hóa hoàn toàn đi kèm với các cam kết đảm bảo an ninh, kinh tế được đưa ra, cùng triển vọng ký kết tuyên bố kết thúc chiến tranh tạo lập hòa bình thực sự trên Bán đảo Triều Tiên.
Tuy nhiên, những điều kiện cần thiết để các bên có thể tiến xa hơn dường như vẫn chưa hội tụ đầy đủ, khi mà những khác biệt liên quan tiến trình phi hạt nhân hóa đang là trở ngại lớn nhất còn lòng tin chưa được tạo dựng đủ mạnh. Cùng khẳng định mục tiêu phi hạt nhân hóa, nhưng hai bên chưa thể thống nhất được thời gian và lộ trình tiến hành.
Phía Triều Tiên mong muốn phi hạt nhân hóa theo từng giai đoạn, và các hỗ trợ về an ninh và kinh tế “có đi có lại” phải được triển khai sau mỗi bước đi cùng với những đảm bảo thực chất hơn từ phía Mỹ. Ngược lại, Washington đòi hỏi phải phi hạt nhân hóa hoàn toàn, có thể kiểm chứng và không thể đảo ngược, với việc làm đầu tiên là Triều Tiên phải bàn giao bản danh sách đầy đủ các cơ sở hạt nhân và cho phép thanh sát viên quốc tế tiếp cận.
Những thách thức thực sự vẫn còn đang ở phía trước, bởi phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên là một quá trình dài hơi và không ít chông gai, khi lợi ích và trách nhiệm đan xét giữa nhiều bên. Từ tuyên bố chung phi hạt nhân hóa hoàn toàn để đổi lấy sự đảm bảo về an ninh và bù đắp về kinh tế đi đến những thỏa thuận chi tiết về lộ trình, thời gian, tiến độ, công tác thanh sát, kiểm chứng, rồi việc hỗ trợ phát triển kinh tế ra sao hay biện pháp duy trì lòng tin thế nào … còn cả một chặng đường rất dài.
Nhìn vào thực tế tình hình hiện nay, có thể thấy mấu chốt định hình tương lai tiến trình phi hạt nhân hóa đang phụ thuộc vào Mỹ và Triều Tiên, nhưng không thể thiếu vai trò quan trọng của Hàn Quốc và Trung Quốc.