Theo trang Politico, trong phiên họp quốc hội ngày 22/9, Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã nhận được những tín hiệu rõ ràng từ các đối tác liên minh rằng họ mong đợi ông tăng cường cung cấp vũ khí cho Ukraine ở thời điểm có thể trở thành bước ngoặt quan trọng của cuộc xung đột.
Trong khi liên minh chính phủ giúp ông Scholz tạm thời trì hoãn được một cuộc bỏ phiếu tại quốc hội nhằm bày tỏ sự thiếu tin tưởng vào sự ủng hộ quân sự của Thủ tướng đối với Ukraine, thì giờ đây ngày càng có nhiều khả năng ông Scholz sẽ phải đáp lại những lời kêu gọi nền kinh tế lớn nhất châu Âu tăng cường vai trò trang bị cho Kiev một cách dứt khoát hơn.
Đầu tàu kinh tế châu Âu "đứng thứ 18 về viện trợ cho Ukraine"
Nhà lập pháp đối lập Florian Hahn thuộc Liên minh Xã hội Thiên chúa giáo trung hữu cho rằng Đức chỉ đứng "thứ 18 trên thế giới" khi so sánh về viện trợ quân sự cho Ukraine so với sản lượng kinh tế. Ông Hahn lưu ý rằng quốc gia nhỏ bé Estonia còn vượt xa Đức trong việc cung cấp vũ khí cho Kiev thay vì giữ chúng cho quốc phòng "dù họ có biên giới trực tiếp với Nga".
Phe đối lập Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo / Liên minh Xã hội Cơ đốc giáo (CDU / CSU) trung hữu đã yêu cầu bỏ phiếu về một đề nghị của Bundestag kêu gọi chính phủ “ngay lập tức” cho phép xuất khẩu xe tăng chiến đấu và xe chiến đấu bộ binh của Đức sang Ukraine. Động thái này sẽ tương đương với một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm đối với chiến lược Ukraine của ông Scholz, vì Thủ tướng đã nhiều lần loại trừ việc chuyển giao vũ khí như vậy chừng nào các đồng minh phương Tây khác không cung cấp thiết bị hạng nặng tương tự.
Hành động của phe đối lập là đặc biệt nguy hiểm đối với Thủ tướng Scholz và Đảng Dân chủ Xã hội (SPD) vì các chính trị gia hàng đầu từ các đối tác liên minh của ông - Đảng Xanh và Đảng Dân chủ Tự do (FDP) - cũng đã yêu cầu giao xe tăng chiến đấu chủ lực Leopard và xe chiến đấu bộ binh Marder của Đức cho Kiev.
Lúc này, thời gian chuyển giao viện trợ là điều cốt yếu. Ukraine đang kêu gọi các đồng minh rót vũ khí để phục vụ các cuộc phản công táo bạo ở phía đông và phía nam đất nước, trong bối cảnh Tổng thống Nga Putin tuyên bố động viên 300.000 binh sĩ mới vào cuộc xung đột và xúc tiến tổ chức các cuộc trưng cầu dân ý về sáp nhập các vùng lãnh thổ ở Ukraine.
Một cuộc bỏ phiếu về việc giao vũ khí ở Bundestag sẽ có nguy cơ phơi bày những rạn nứt nguy hiểm trong sự thống nhất của chính phủ và thậm chí có thể dẫn đến thất bại của ông Scholz tại Quốc hội.
Tuy nhiên, sau cuộc tranh luận sôi nổi kéo dài 50 phút, đa số các nhà lập pháp SPD, Đảng Xanh và FDP đã bỏ phiếu yêu cầu gửi kiến nghị của phe đối lập tới các ủy ban đối ngoại và kinh tế để thảo luận thêm. Điều đó giúp trì hoãn một cuộc bỏ phiếu toàn thể trong vài tuần.
Tuy nhiên, chính phủ hiện cũng phải đối mặt với nguy cơ áp lực mới trong tuần tới khi phe đối lập "có thể yêu cầu một cuộc bỏ phiếu toàn thể" về cuộc vận động “tank for Ukraine” (xe tăng cho Ukraine) mà CDU / CSU ban đầu đưa ra vào tháng 6 nhưng cũng bị trì hoãn vào thời điểm đó.
Trong bài phát biểu trước Đại hội đồng Liên hợp quốc tại New York ngày 21/9, Thủ tướng Scholz nói Đức sẽ hỗ trợ Ukraine "với tất cả khả năng của mình: về tài chính, kinh tế, viện trợ nhân đạo và cả vũ khí."
Áp lực từ các đối tác liên minh
Phần nổi bật nhất của cuộc tranh luận tại quốc hội ngày 22/9 là cường độ chỉ trích từ chính hàng ngũ liên minh của ông Scholz. Các nhà lập pháp cấp cao từ Đảng Xanh và FDP bày tỏ sự không đồng tình rõ ràng với quan điểm của Thủ tướng và nhấn mạnh rằng họ muốn Đức gửi thêm vũ khí hạng nặng.
“Với tư cách là những người theo Đảng Dân chủ Tự do, chúng tôi tin rằng trong tình hình quân sự hiện nay, khi Ukraine đang giành lại lãnh thổ của mình, từng chút từng chút một, chúng ta phải cung cấp ít nhất xe vận tải bọc thép Fuch và xe chiến đấu bộ binh Marder - và nếu tình hình yêu cầu, thì cả xe tăng chiến đấu chủ lực Leopard”, Marie-Agnes Strack-Zimmermann – người đảng FDP, chủ tịch ủy ban quốc phòng của Bundestag, nhấn mạnh.
Bà Strack-Zimmermann còn trích dẫn “Zeitenwende” ("Bước ngoặt") - một sự thay đổi lịch sử trong chính sách an ninh và đối ngoại của Đức mà Thủ tướng Scholz đã công bố vào tháng 2 ngay sau cuộc tấn công của Nga vào Ukraine - để lập luận rằng ông Scholz không nên biện minh cho thái độ miễn cưỡng của mình bằng cách lập luận rằng các đồng minh khác như Mỹ cũng không gửi xe tăng hiện đại đến Ukraine.
Đồng lãnh đạo của Đảng Xanh, Omid Nouripour thì đưa ra quan điểm phản đối những lo ngại của các đảng viên Đảng Dân chủ Xã hội cho rằng việc giao xe tăng cho Ukraine có thể kích hoạt sự leo thang "phi lý" của Nga. “Có những lập luận mà tôi không thể nghe theo. Việc vũ khí của chúng ta có thể dẫn đến leo thang với giả định rằng phía Nga cần có lý do để leo thang. Điều đó thật kỳ cục”, ông Nouripour nói khi đề cập đến lệnh động viên quân của Điện Kremlin.
Theo danh sách của chính phủ, đến nay Đức đã gửi 30 pháo phòng không Gepard, 10 pháo Panzerhaubitze 2000 và 3 bệ phóng tên lửa Mars, cũng như nhiều loại vũ khí hạng nhẹ khác nhau cho Ukraine.
Trước những áp lực ngày càng tăng ở trong nước và từ các đồng minh, Bộ trưởng Quốc phòng Christine Lambrecht tuần trước thông báo rằng Berlin sẽ gửi 50 xe bọc thép Dingo và thêm hai bệ phóng tên lửa Mars – ngược lại với bình luận của bà từ vài ngày trước rằng Đức không thể "chịu đựng thêm nữa" việc gửi vũ khí hỗ trợ Ukraine.