Tờ Bưu điện Bangkok và Thời báo Strait Times đưa tin Bộ trưởng Khoa học, Công nghệ và Đổi mới Malaysia Khairy Jamaluddin, thông qua tài khoản mạng xã hội Instagram, đã xác nhận thông tin nói trên.
Theo nguồn tin này, Thủ tướng Muhyiddin Yassin quyết định từ chức sau khi không nhận được một sự ủng hộ đa số tại quốc hội Malaysia. Hiện chưa rõ ai sẽ là người đứng ra thành lập chính phủ tiếp theo của Malaysia.
Giới chức Malaysia ngày 15/8 xác nhận Thủ tướng Muhyiddin Yassin cũng chuẩn bị từ chức sau khi mất đa số ủng hộ tại Hạ viện. Cảnh sát Hoàng gia Malaysia được lệnh sẵn sàng đối phó với tình huống bất ngờ bất cứ lúc nào.
Bộ trưởng phụ trách vấn đề đặc biệt Mohamad Redzuan Yusof đã xác nhận Thủ tướng Muhyiddin Yassin đệ đơn từ chức lên Quốc vương Abdullah Ahmad Shah vào ngày 16/8. Ông Yassin đã thông báo tin này cho các nghị sĩ thuộc đảng của ông trong cuộc họp tại Kuala Lumpur. Theo đó, Thủ tướng Muhyiddin Yassin sẽ chủ trì cuộc họp nội các cuối cùng vào ngày 16/8, sau đó sẽ tới Hoàng cung và đệ đơn từ chức lên Quốc vương. Sau khi yết kiến Quốc vương, ông Muhyiddin sẽ có bài phát biểu trước toàn thể nhân dân.
Quốc vương Sultan Abdullah Ahmad Shah sẽ có toàn quyền quyết định có đồng ý với đề nghị này của ông Yassin hay không. Có nhiều đồn đoán rằng, sau khi Thủ tướng Muhyiddin từ chức, chính quyền mới sẽ được thành lập mà không cần thông qua bầu cử, do lo ngại các cuộc bỏ phiếu sẽ làm tồi tệ thêm sự lây lan của dịch COVID-19 tại nước này.
Thế khó đoán định hiện nay của chính trường Malaysia đó là chưa có một gương mặt nổi bật nào có thể ngay lập tức đứng ra thành lập chính phủ và không có một chính đảng nào giữ thế đa số áp đảo tại quốc hội.
Trong bối cảnh ấy, chuyển động tiếp theo của chính trường Malaysia được dự báo theo các kịch bản sau:
Chính phủ tạm quyền
Quốc vương Quốc vương Abdullah Ahmad Shah có thể chỉ định một Thủ tướng tạm quyền từ một trong các nghị sĩ hiện nay của nước này cho tới khi tìm được thủ tướng mới. Trong số các ứng cử viên của kế hoạch này có cả ông Muhyiddin Yassin
Malaysia theo nền chính trị quân chủ lập hiến và Quốc vương có toàn quyền chỉ động thủ tướng từ một trong các nghị sĩ, người được ông tin tưởng có thể lãnh đạo một đa số.
Tổ chức bầu cử
Thủ tướng sắp mãn nhiệm Muhyiddin Yassin có thể tham mưu cho Quốc vương kịch bản giải tán Quốc hội đương nhiệm và tổ chức bầu cử sớm.
Tuy nhiên, kịch bản này khó xảy ra trong thời gian ngắn trong bối cảnh Malaysia đang đối mặt với làn sóng dịch COVID-19 nghiêm trọng, số ca mắc mới và tử vong trên toàn quốc ở mức cao.
Cuộc tổng tuyển cử dự kiến sẽ khó có thể diễn ra trước năm 2023.
Quốc vương chọn một tân Thủ tướng
Khi cựu Thủ tướng Mahathir Mohamad từ chức hồi năm ngoái lúc mới trải qua 2 năm đầu trong nhiệm kỳ 5 năm của mình, Quốc vương Malaysia Abdullah Ahmad Shah – trong một động thái chưa từng có tiền lệ - đã nhóm họp với tất cả 222 nghị sĩ quốc hội để thảo luận ai là người có được đa số ủng hộ trong quốc hội để đứng ra thành lập chính phủ mới.
Quốc vương đã chọn ông Muhyiddin Yassin, người khi ấy nhận được sự ủng hộ của nhiều chính khách trong các đảng đối lập. Kịch bản này hoàn toàn có thể lặp lại một lần nữa trong bối cảnh hiện nay.
Một số gương mặt tiêm năng giữ vị trí thủ tướng tạm quyền hoặc thủ tướng Malaysia:
Ứng viên đầu tiên là Phó Thủ tướng Ismail Sabri Yaakob
Ông Ismail Sabri Yaakob có thể nhận được sự ủng hộ của đa số trong liên minh của ông Muhyiddin Yassin.
Là một trong những quan chức hàng đầu phụ trách cuộc chiến chống đại dịch COVID-19 của Malaysia, ông Ismail Sabri Yaakob tháng trước đã được bổ nhiệm làm Phó Thủ tướng. Động thái này được nhìn nhận là nỗ lực của Thủ tướng Yassin xoa dịu căng thẳng với đồng minh quan trọng nhất – đảng Tổ chức Dân tộc Malay Thống nhất (Umno).
Theo giới quan sát, Phó Thủ tướng Ismail Sabri Yaakob có thể nhận được sự ủng hộ của đông đảo nghị sĩ trong liên minh của ông Muhyiddin (hiện khoảng 100 ghế). Tuy nhiên, chưa rõ ứng cử viên tiềm năng này có được toàn bộ các nghị sĩ Umno ủng hộ hay không.
Ứng cử viên thứ hai là Nghị sĩ Tengku Razaleigh Hamzah
Nghị sĩ Tengku Razaleigh Hamzah, còn được biết tới với tên gọi Ngài Ku Li, là một chính khách kỳ cựu của đảng Umno.
Nhà lập pháp có 47 năm kinh nghiệm tại quốc hội này từng nắm giữ nhiều vị trí cấp cao, trong đó có các cương vị bộ trưởng, trong sự nghiệp chính trị của mình. Ông chính là người sáng lập tập đoàn dầu lửa quốc gia Petronas của Malaysia.
Ông Tengku Razaleigh Hamzah, năm nay 84 tuổi, được đánh giá là một ứng cử viên mang tính thỏa hiệp giữa các phe phái khác nhau trong đảng Umno. Sự ủng hộ của Umno hiện đóng vai trò quyết định đối với việc thành lập bất kỳ chính phủ mới nào tại Malaysia.
Theo nhật báo Sinar Harian, ông Tengku Razaleigh Hamzah (Ku Li) từng ngỏ ý sẵn sàng đảm nhận cương vị Thủ tướng tạm quyền Malaysia vì lợi ích của đất nước.
Ứng cử viên thứ 3 là thủ lĩnh đối lập Anwar Ibrahim
Thủ lĩnh đối lập Anwar Ibrahim trong sự nghiệp từng nhiều lần chạy đua vào cương vị Thủ tướng Malaysia, song cho tới nay chưa bao giờ chứng tỏ ông có thể lãnh đạo một đa số trong quốc hội.
Liên minh Pakatan Harapan của ông Anwar Ibrahim có 88 ghế nghị sĩ, thiếu khá nhiều so với một đa số tối thiểu theo luật định để đứng ra thành lập chính phủ.
Một rào cản khác nằm ở chỗ đối thủ lâu năm của ông Anwar Ibrahim là Tun Dr Mahathir và một số nhà lập pháp đối lập cũng không ủng hộ nỗ lực trở thành thủ tướng của ông.
Thành lập Hội đồng Điều hành Quốc gia
Một kịch bản nữa là thành lập Hội đồng Điều hành Quốc gia. Cựu Thủ tướng Mahathir đã đề xuất thành lập Mageran, một hội đồng đa đảng phái có nhiệm vụ điều hành đất nước cho tới khi có thể thành lập một chính phủ mới. Ông Mahathir đề nghị đứng đầu hội đồng này.
Một hội đồng tương tự từng điều hành Malaysia trong vòng 2 năm tính từ tháng 5/1969 sau khi nước này trải qua giai đoạn bất ổn.