Nước Đức lội qua sóng ngầm

Điện thoại di động của nữ Thủ tướng Đức Angela Merkel bị Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ (NSA) theo dõi, tiến trình đàm phán thành lập chính phủ mới diễn ra căng thẳng và kéo dài, những mâu thuẫn không dễ tháo gỡ trong Liên minh châu Âu (EU) mà Đức là đầu tàu,... tất cả đã tạo nên những "cơn sóng ngầm" khiến chính trường Đức trong năm 2013 không yên ả.

Bà Angela Merkel.


Phải thừa nhận rằng lập trường cứng rắn của Thủ tướng Merkel trong việc buộc các quốc gia thành viên Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) áp dụng chính sách "thắt lưng buộc bụng", ở một mức độ nào đó, đã không chỉ giúp khu vực này thoát khỏi suy thoái mà còn góp phần củng cố vị thế nền kinh tế số 1 châu Âu của nước Đức.

Kinh tế Đức tiếp tục phục hồi và đang trên đà tăng trưởng bền vững, với tỷ lệ thất nghiệp ở mức thấp, số việc làm được tạo ra nhiều hơn, trong khi thu nhập của người lao động cũng tăng lên. Đây là cơ sở để Ngân hàng liên bang Đức Bundesbank nâng dự báo tăng trưởng kinh tế của nước này từ mức 0,3% lên 0,5% cho năm 2013 và từ 1,5% lên 1,7% cho năm 2014.

Cũng không thể phủ nhận rằng chính nhờ thành tích kinh tế khá ấn tượng này mà đảng Liên minh Dân chủ/Xã hội Cơ đốc giáo (CDU/CSU) cầm quyền được lòng cử tri Đức trong cuộc tổng tuyển cử ngày 22/9 vừa qua. Tuy nhiên, sự ủng hộ này chưa đủ lớn để CDU/CSU có thể tự đứng ra thành lập chính phủ mới và "kịch bản" đại liên minh cầm quyền giữa liên đảng bảo thủ với đảng Dân chủ Xã hội (SPD) lại tái diễn.

Các cuộc đàm phán giữa CDU/CSU và SPD diễn ra hết sức căng thẳng, nhiều lúc tưởng chừng đổ vỡ do sự khác biệt về chính sách. Cuối cùng, sau gần 2 tháng thương lượng, các bên cũng đạt được thoả hiệp về chính sách và vị trí trong nội các theo kiểu "ai cũng có phần", song giới phân tích cho rằng SPD sẽ "vừa là đối tác, vừa là đối thủ" của CDU/CSU trong nội các mới, tạo nên thách thức không nhỏ đối với nhiệm kỳ thủ tướng thứ 3 của bà Merkel.

Trong khi đó, chính sách kinh tế khắc khổ mà Đức ra sức bảo vệ càng khoét sâu bất đồng giữa các quốc gia thành viên EU. Mặc dù thoát khỏi đợt suy thoái kinh tế kéo dài 6 quý liên tiếp, song phần lớn các quốc gia Eurozone vẫn trong tình trạng ảm đạm; kinh tế phục hồi chậm chạp, tỷ lệ thất nghiệp vẫn ở mức cao, đặc biệt là trong giới trẻ.

Nhiều nước châu Âu cáo buộc Đức đang cổ súy cho chính sách biến cuộc khủng hoảng kinh tế thành cuộc khủng hoảng xã hội sâu sắc và đẩy "lục địa già" đối mặt với nguy cơ "một thế hệ mất mát". Một khi châu Âu rơi vào tình trạng "trống đánh xuôi, kèn thổi ngược", kế hoạch xây dựng một EU thống nhất, hùng mạnh, tự chủ, thống nhất, an ninh... mà chính phủ mới của Đức đề ra gặp không ít khó khăn.

Nước Đức năm 2013 còn trở thành tâm điểm chú ý của cộng đồng quốc tế sau khi cựu nhân viên Cơ quan Tình báo trung ương Mỹ (CIA) Edward Snowden tiết lộ hàng loạt tài liệu mật, khẳng định NSA theo dõi tin nhắn, thư điện tử, điện thoại,... của người dân khắp nơi trên thế giới, thậm chí còn nghe lén điện thoại của lãnh đạo hàng chục quốc gia, trong đó có Thủ tướng Merkel.

Báo chí Đức từng bình luận đây là vụ việc gây căng thẳng nhất cho quan hệ đồng minh giữa hai nước trong nhiều năm qua. Thủ tướng Merkel ngay lập tức điện thoại cho Tổng thống Mỹ Barack Obama yêu cầu giải thích thấu đáo vụ việc mà bà gọi là "hành động hoàn toàn không thể chấp nhận được, xâm phạm nghiêm trọng lòng tin lâu nay của Berlin đối với Washington". Thế nhưng, lãnh đạo Đức lại "miễn cưỡng" trong việc áp đặt các biện pháp trừng phạt nhằm vào Washington bởi bên cạnh các vấn đề thương mại, Đức ngày càng bị phụ thuộc vào nguồn thông tin tình báo của Mỹ.

Phản ứng rõ ràng nhất của bà Merkel là cử một phái đoàn quan chức tình báo cấp cao tới Nhà Trắng thảo luận về vụ việc cũng như tìm kiếm sự hợp tác tương lai của giới tình báo hai nước. Sứ mệnh của đoàn công tác có vẻ không được như mong muốn và kết quả chuyến làm việc cũng không được công bố, ngoài thông tin báo chí nói rằng hai nước có khả năng sớm ký một hiệp định toàn diện "không do thám lẫn nhau". Vụ việc nhanh chóng lắng xuống và ngay cả cuộc thảo luận tại Quốc hội Đức về hoạt động của tình báo Mỹ ở quốc gia châu Âu này cũng chỉ mang tính hình thức.

Báo chí Đức cho rằng Berlin từ lâu đã muốn tham gia câu lạc bộ tình báo "5 Mắt" (gồm Mỹ, Anh, Canada, Australia và New Zealand) nhằm nâng cao khả năng của tình báo Đức cũng như có thể hưởng lợi từ nguồn thông tin dồi dào của mạng lưới tình báo lớn nhất thế giới này. Ngoài ra, EU - mà Đức là thành viên nòng cốt - đang đàm phán ký kết với Mỹ một thỏa thuận thương mại song phương (FTA). Đức không muốn vụ việc đi quá xa, có thể phá hỏng thỏa thuận thương mại lớn nhất thế giới được đánh giá là có khả năng thay đổi trật tự kinh tế toàn cầu. FTA sẽ giúp hạ thấp hàng rào thuế quan, đồng thời có thể tạo ra hàng nghìn việc làm cho cả hai phía, đặc biệt là Đức - một trong những nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới có nền kinh tế hướng vào xuất khẩu.

Mặc dù trải qua không ít sóng gió, song nhìn chung 2013 là năm khá thành công đối với Đức trong chính sách đối nội lẫn đối ngoại. Để tiếp tục gặt hái được thành công trong năm 2014, Chính phủ Đức, dưới sự chèo lái của "người đàn bà thép" Merkel, sẽ phải vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt sẽ phải "đau đầu" với kế hoạch thắt chặt kỷ luật ngân sách, duy trì mức trần nợ công và "bịt" lỗ hổng thuế,... cũng như phải tiếp tục giải quyết bài toán nợ công khu vực Eurozone.

Hơn bao giờ hết, Đức cần thể hiện vai trò và bản lĩnh của một nền kinh tế lớn nhất châu Âu để đưa không chỉ nước Đức mà cả châu lục vượt qua những cơn sóng ngầm.


MẠNH HÙNG (Phóng viên TTXVN tại Đức)
Đức: Kẻ được, người mất trong nội các mới
Đức: Kẻ được, người mất trong nội các mới

Ngày 15/12, hai đảng Liên minh Dân chủ/Xã hội Cơ đốc giáo (CDU/CSU) và đảng Dân chủ Xã hội (SPD) đã công bố danh sách các vị trí nội các mà mỗi đảng nắm giữ, theo đó, CDU nắm chức Thủ tướng, Chánh văn phòng nội các cùng 5 bộ, CSU nắm 3 bộ trong khi SPD nắm 6 bộ.

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN