Một cú tăng giá mạnh đồng nhân dân tệ (NDT) có thể giúp giảm 1/3 thâm hụt ngân sách của Mỹ và tạo ra số việc làm có thể giúp hạ thấp tỷ lệ thất nghiệp hiện đang cao ngất ngưởng 9,1%. Tuy vậy, đó cũng là một cú sốc đối với nền kinh tế Trung Quốc vì tăng trưởng giảm, tỷ lệ thất nghiệp tăng cao. Bất đồng về vấn đề này có thể dẫn tới một cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, kéo nền kinh tế toàn cầu trở lại một cuộc suy thoái mới.
Theo hãng tin Reuters, cuộc tranh cãi về đồng NDT có bị neo giữ thấp so với giá trị hay không về cơ bản đã khép lại. Bắc Kinh khẳng định việc tăng dần dần giá trị đồng NDT là lợi ích tốt nhất của Trung Quốc và thực tế đồng NDT đã tăng khoảng 6,5% kể từ tháng 6/2010. Tuy nhiên, bất đồng hiện tại nằm ở chỗ đồng NDT phải tăng nhanh và tăng tới mức nào.
Trong giới học giả Mỹ, Fred Bergsten, Giám đốc Viện Kinh tế quốc tế Peterson, một viện nghiên cứu độc lập có trụ sở ở Oasinhtơn, được xem là người lớn tiếng nhất khi chỉ trích Trung Quốc trong vấn đề tỷ giá đồng NDT. Bergsten lập luận rằng, một đồng NDT dưới giá trị thực đã tạo lợi thế thương mại bất công và làm tổn hại nền kinh tế Mỹ. Theo tính toán của Bergsten, nếu đồng NDT tăng giá thêm 20%, thâm hụt thương mại Mỹ sẽ giảm từ 50 - 100 tỷ USD. Nước Mỹ cũng sẽ tạo được 6.000 việc làm nếu cải thiện được 1 tỷ USD trong cán cân thương mại. Và như vậy, nếu giảm được 100 tỷ USD thâm hụt thương mại, nước Mỹ sẽ tạo ra 600.000 việc làm - con số lớn hơn cả tổng số việc làm mà nền kinh tế Mỹ đã tạo ra được trong 6 tháng qua.
Tuy nhiên, quan điểm của Bergsten không nhận được sự đồng tình của nhiều người. Một số nhà kinh tế cho rằng, một đồng NDT mạnh hơn chỉ giúp chuyển nền sản xuất từ Trung Quốc sang các thị trường mới nổi khác có chi phí lao động rẻ, chứ chẳng giúp tạo thêm việc làm cho người Mỹ. Cựu quan chức của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), Eswar Prasad, hiện đang giảng dạy tại Đại học Cornell ở New York nhận định: “Đồng NDT tăng giá so với USD thực tế sẽ giúp giảm thâm hụt thương mại của Mỹ với Trung Quốc, nhưng nó chẳng tác động tích cực đến việc tạo việc làm cho người Mỹ”. Trong bài bình luận ngày 4/10, Tân Hoa xã cũng bác bỏ những cáo buộc của giới làm luật Mỹ đổ lỗi cho tỷ giá đồng NDT làm tăng tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ. Theo số liệu của Bộ Thương mại Mỹ, trong 7 tháng đầu năm 2011, thâm hụt thương mại Mỹ là 428 tỷ USD, tăng 61 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2010. Trong đó thâm hụt thương mại với Trung Quốc chiếm khoảng 37%.
Phải thừa nhận việc đồng NDT tăng giá mạnh sẽ tác động tiêu cực đến nền kinh tế Trung Quốc, trước hết sẽ làm giảm tăng trưởng GDP và tăng nạn thất nghiệp. Theo nghiên cứu của ông Jun Ma, nhà kinh tế của Deutsche Bank, nếu đồng NDT tăng 10%, tăng trưởng của Trung Quốc sẽ bị giảm 0,6%, thất nghiệp tăng thêm 0,4%, tương đương với 3 triệu người Trung Quốc bị mất việc làm. Trong khi đó, một nghiên cứu khác của Xieohe Zhang tại Đại học Newcastle (University of Newcastle) của Ôxtrâylia cũng chỉ ra rằng, nếu đồng NDT tăng 20% giá trị, tăng trưởng GDP hàng năm của Trung Quốc sẽ bị mất tới 12%. IMF cho biết, xuất khẩu của Trung Quốc hiện đóng góp tới 1/3 GDP của nước này.
Việc Mỹ gây sức ép đòi Trung Quốc tăng tỷ giá đồng NDT cũng có thể còn một lý do khác: Âm mưu ngăn chặn sự trỗi dậy của nền kinh tế Trung Quốc vì lo ngại Trung Quốc đe dọa vị trí số 1 của nước này. Trung Quốc đã cảnh giác với điều này khi đã có bài học nhãn tiền của người Nhật Bản sau khi ký Thỏa thuận Plaza năm 1985.
Thỏa thuận này đã được bộ trưởng tài chính 5 nước là Mỹ, Anh, Nhật Bản, Đức và Pháp ký tại Plaza Hotel, thành phố New York với mục đích để cho đồng USD mất giá một cách “có kiểm soát” so với đồng yên và mark Đức. Dưới áp lực của James Baker, Bộ trưởng tài chính Mỹ, Ngân hàng Nhật Bản đã buộc phải đồng ý nâng giá đồng yên.
Chỉ trong vòng mấy tháng sau khi Thỏa thuận Plaza được ký kết, tỷ giá đồng yên Nhật từ 250 yên/USD đã tăng lên mức 149 yên/USD. Kết quả là xuất khẩu của Nhật Bản sang Mỹ, động lực chính giúp nước Nhật cất cánh sớm nhất ở châu Á, bị thiệt hại nặng nề. Nhật Bản phải điều chỉnh lãi suất xuống rất thấp để kích thích sản xuất và đầu tư. Tuy nhiên, không xuất khẩu được do đồng yên tăng giá, các doanh nghiệp đã đua nhau vay tiền với lãi suất thấp từ ngân hàng để nướng vào cổ phiếu và bất động sản. Bong bóng tài sản của Nhật Bản cuối cùng đã vỡ vào đầu những năm 1990, đưa nước Nhật vào tình trạng suy thoái kéo dài mà tới giờ này vẫn chưa giải quyết được.
Nhưng cho dù với âm mưu như vậy, nhà kinh tế Ronald McKinnon của Đại học Stanford (Mỹ) lập luận rằng, Mỹ cũng chẳng đạt được kết quả mong muốn từ việc ép Trung Quốc tăng tỷ giá đồng NDT nếu làm suy yếu nền kinh tế nước này. Nếu kinh tế bị suy yếu, nhu cầu tiêu thụ hàng hóa của hơn 1 tỷ dân Trung Quốc sẽ giảm, đồng nghĩa với việc Mỹ cũng chẳng thể tăng xuất khẩu hàng hóa của mình sang quốc gia này. Các nhà nghiên cứu tại Viện hòa bình quốc tế Carnegie (Mỹ) cũng đi đến kết luận tương tự trong báo cáo công bố tháng 12/2010: Một đồng NDT mạnh hơn sẽ làm thâm hụt thương mại Mỹ - Trung lớn hơn vì sự tăng giá của hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc sẽ không bù đắp được lượng xuất khẩu của Mỹ sang Trung Quốc suy giảm.
Quang Tuyến