Ông Biden sử dụng COVID-19 để tấn công thành trì kinh tế của Tổng thống Trump

Ông Joe Biden đang tìm cách đẩy đối thủ vào thế phòng thủ ở lĩnh vực mà Tổng thống Donald Trump luôn có ưu thế trong các cuộc thăm dò trước đây: điều hành kinh tế.

Chú thích ảnh
Ông Joe Biden phát biểu tại một sự kiện ở Wilmington, bang Delaware hồi tháng 8. Ảnh: AFP/TTXVN

Ngày càng có nhiều thông tin cho thấy chiến dịch tranh cử của ông Biden tập trung sử dụng đại dịch COVID-19 để chứng minh Tổng thống Donald Trump thất bại trước cử tri trong những vấn đề kinh tế.

Vài ngày qua, đội vận động tranh cử của cựu Phó Tổng thống Mỹ tìm cách kết nối tình trạng kinh tế ảm đạm - được thể hiện qua tỉ lệ thất nghiệp ở mức cao kỉ lục, việc đóng cửa doanh nghiệp, trường học, với ý đồ tấn công trực tiếp ông Trump. “Chúng tôi đã và sẽ tiếp tục tin rằng đó là đòn chiến đấu thắng lợi trong chiến dịch tranh cử”, Stef Feldman, Giám đốc phụ trách chính sách của ông Biden nêu quan điểm trong một cuộc trả lời phỏng vấn. 

Nỗ lực của phe Dân chủ trong tuần qua được tiếp sức thêm bởi tiết lộ của Bob Woodward – nhà báo được mệnh danh là “hung thần” của các tổng thống Mỹ, người từng khui ra vụ Watergate dẫn đến sự ra đi của Richard Nixon. Ông Woodland đã cho công bố nội dung phỏng vấn với ông Trump được thực hiện hồi đầu năm nay, trong đó ông chủ Nhà Trắng thừa nhận đã cố ý hạ thấp mức độ nghiêm trọng của đại dịch để tránh làm nước Mỹ hoảng sợ. 

Nhóm tranh cử của ông Biden muốn cử tri luôn phải ghi nhớ trong đầu yếu tố đại dịch khi họ đi bỏ phiếu vào tháng 11 tới, với niềm tin rằng COVID-19 gắn với quá nhiều vấn đề mà cử tri quan tâm.

"SARS-CoV-2 không chỉ đơn thuần là sức khỏe. Nó gắn với mọi yếu tố kinh tế, từ thất nghiệp cho tới chăm sóc trẻ em, giáo dục. Khi ông Trump nói rằng ‘kinh tế Mỹ vĩ đại’, chúng tôi buộc phải chứng minh không phải là như vậy. Hãy nhìn xung quanh - đại dịch đang ảnh hưởng tới mọi ngõ ngách trong đời sống thường nhật”, một đồng minh thân cận của ông Biden phụ trách chiến dịch tranh cử nói.

Ông Trump lâu nay vẫn nhấn mạnh kinh tế là yếu tố then chốt trong chiến dịch tái tranh cử, khẳng định kinh tế Mỹ đã đạt tới mức cao nhất trong lịch sử dưới thời chính quyền ông. Tổng thống Mỹ hối thúc cử tri lưu ý kinh tế Mỹ từng mạnh mẽ ra sao trước dịch bệnh.

Nhưng trong các bài phát biểu và trả lời phỏng vấn gần đây, ông Biden liên tục đề cập đến COVID-19 để chứng minh đối thủ không có khả năng điều hành kinh tế, đặc biệt là ở những bang chiến địa. Ông đổ lỗi cho ông Trump không có phản ứng tức thời khi dịch bệnh bùng phát, sau đó thất bại trong các bước tiếp theo khi để đại dịch bùng phát hết bang này đến bang khác, chính quyền không đủ nguồn lực để thực hiện xét nghiệm, cung ứng thiết bị, vật tư y tế. 

Chú thích ảnh
Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu trong cuộc vận động tranh cử ở Winston-Salem, bang Bắc Carolina ngày 8/9/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Cùng lúc, nhóm vận hành chiến dịch tranh cử của đảng Dân chủ cũng chi tới 44 triệu USD để mua quảng cáo tại các bang chiến địa, nhằm làm nổi rõ phản ứng không hiệu quả của chính quyền Donald Trump trước đại dịch. “Để phục hồi kinh tế, chúng ta cần kiểm soát được virus”, ông Biden từng nói.

Ông cũng liên tục nhấn mạnh quan điểm đưa an toàn trở thành điểm ưu tiên hàng đầu, đồng thời lắng nghe ý kiến của giới khoa học, cho đây là yếu tố giúp phục hồi kinh tế vì “chúng ta không thể thúc đẩy kinh tế khi chưa kiểm soát được dịch bệnh”.

Theo chiến lược gia Kenneth Baer, người từng là cố vấn cao cấp cho Văn phòng Quản lý Ngân sách Nhà Trắng dưới thời Tổng thống Barack Obama, ông Joe Biden sẽ tiếp tục tấn công vấn đề kinh tế gắn với đại dịch, bởi cách tiếp cận này đang phát huy hiệu quả, tạo ra dịch chuyển của cử tri trong đánh giá khả năng điều hành kinh tế của cả hai ứng cử viên, gắn với đó là mức tín nhiệm. 

Một cuộc điều tra do CNN tiến hành đầu tháng này cho thấy ông Trump chỉ còn dẫn trước sít sao trước đối thủ về năng lực điều hành kinh tế, với tỉ lệ ủng hộ của cử tri là 49% so với 48% của cựu Phó Tổng thống Mỹ. Đó là một sự khác biệt lớn, bởi cuộc thăm dò trước đó do CNN thực hiện cho thấy tỉ lệ này là 53% và 45%. 

Khảo sát khác của CBS News phối hợp với YouGov tiến hành cũng phản ánh mức chênh lệch sít sao giữa ông Trump với ông Biden, với tỉ lệ ủng hộ dành cho cả hai ứng cử viên trên mặt trận kinh tế là 45% và 44%. Thăm dò của Đại học Quinnipiac tháng trước cho thấy tỉ lệ cân bằng 48% - 48%. 

Tuy nhiên, một số bang chiến địa vẫn coi ông Trump ở thế cửa trên. Khảo sát do liên danh An NBC News-Marist thực hiện cho thấy đương kim Tổng thống Mỹ áp đảo đối thủ về tỉ lệ ủng hộ của cử tri bang Pennsylvania trong quản lý kinh tế, với tỉ lệ 51% với 41%. Còn tại bang Florida, mức chênh lệch thậm chí còn lớn hơn: 53% với 40%. 

Hoài Thanh/Báo Tin tức (The Hill)
Bầu cử Mỹ 2020: Quan điểm chính sách về Trung Quốc của ứng viên Joe Biden
Bầu cử Mỹ 2020: Quan điểm chính sách về Trung Quốc của ứng viên Joe Biden

Ngay cả khi có sự thay đổi chính quyền tại Nhà Trắng vào tháng 1 tới với việc ông Joe Biden thắng cử, Trung Quốc vẫn sẽ tiếp tục đối diện với tình hình căng thẳng trong quan hệ với Mỹ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN