OPEC đang toan tính gì? - Kỳ cuối

Phát biểu sau cuộc họp tại Vienna, Tổng thư ký OPEC Abdullah al - Badri xác nhận rằng tổ chức này đang lao vào cuộc chiến tranh giành thị phần năng lượng. Khi được hỏi OPEC phải đáp trả thế nào việc Mỹ tăng sản lượng dầu, ông tuyên bố: “Chúng tôi đã có câu trả lời, đó là giữ nguyên mức sản lượng”.

Giới phân tích cho rằng quyết định không cắt giảm sản lượng để giá dầu tiếp tục rơi là một sự chuyển hướng chiến lược của OPEC, bởi mức 30 triệu thùng/ngày mà OPEC sản xuất sẽ đưa ra thị trường thừa ít nhất 1 triệu thùng so với cầu trong nửa đầu năm 2015.

Trong khi đó, khi được hỏi liệu có phải có một cuộc chiến về giá ngay bên trong OPEC, Ngoại trưởng Venezuela Rafael Ramirez khẳng định: “Chúng tôi ở chung một con thuyền. OPEC luôn đấu tranh với Mỹ vì Mỹ đã tuyên bố luôn chống lại chúng tôi... Dầu đá phiến là một thảm họa về phương pháp khai thác, nó quá đắt đỏ và ta xem điều gì sẽ xảy ra với hoạt động sản xuất loại dầu này”.

Nhờ dầu đá phiến, Mỹ có thể tự chủ về năng lượng vào năm 2017.


Ân oán Mỹ - OPEC đã có lịch sử từ lâu. Nhìn lại những năm 1970, sau khi OPEC tạo ra cuộc khủng hoảng dầu mỏ khiến nhiều nền kinh tế thế giới lao đao, Mỹ và Phương Tây đã dần tìm cách thích ứng và "phản công". Trong đó, họ khuyến khích sử dụng năng lượng hiệu quả nhờ phát triển công nghệ, khoa học kỹ thuật; đẩy lạm phát và phá giá đồng tiền để làm giảm giá trị thực của đô la (phải cả chục năm sau các nước Arab mới biết đến chiêu này); tạo sự chia rẽ, phân hóa làm suy yếu OPEC từ bên trong khiến OPEC khó đạt được sự nhất trí.

Gần đây nhất là tìm kiếm các nguồn năng lượng thay thế, năng lượng sạch và đặc biệt là phát triển công nghệ tách dầu khí từ đá phiến sét. Trong vòng 5 năm trở lại đây, thế giới chứng kiến sự bùng nổ của cuộc cách mạng khai thác dầu khí đá phiến, đi đầu là Mỹ. Cuộc cánh mạng năng lượng này được coi là biến chuyển cực kỳ quan trọng, có tầm vóc lịch sử, đã khiến Mỹ vượt Nga để trở thành quốc gia có sản lượng khí đốt lớn nhất thế giới vào năm 2010.

Không dừng ở đó, tháng 10/2013 đánh dấu lần đầu tiên kể từ năm 1995, sản lượng khai thác dầu nội địa của Mỹ cao hơn lượng dầu nhập khẩu, đạt mức trung bình 7,7 triệu thùng/ngày. Citibank dự báo, đến năm 2020, sản lượng dầu của Mỹ có thể đạt mức 13 - 15 triệu thùng/ngày. Đến năm 2017, theo IEA, nước này có thể vượt Nga, Saudi Arabia để trở thành nước sản xuất dầu lớn nhất thế giới và tự chủ hoàn toàn về năng lượng.

Không chỉ ở Mỹ, dầu khí đá phiến có mặt ở nhiều nơi trên thế giới, bao gồm cả Canada, Nga, Trung Quốc, châu Âu, châu Phi và Nam Mỹ. Theo Cơ quan Thông tin năng lượng Hoa Kỳ (EIA), trữ lượng dầu đá phiến toàn thế giới là 345 tỉ thùng, trong đó Nga là nước đứng đầu với trữ lượng 75 tỉ thùng. Tiếp sau đó là Mỹ, Trung Quốc, Argentina và Libya với trữ lượng lần lượt là 58, 32, 27 và 26 tỉ thùng. Thực tế này đe dọa trực tiếp vị thế thống trị thị trường dầu mỏ từ hàng thập kỷ nay của OPEC nếu các nước tiếp cận được công nghệ chiết tách dầu từ đá phiến.

Tuy nhiên, theo một số nhà phân tích và doanh nghiệp dầu mỏ, sẽ mất nhiều tháng để có thể gây tác động tới hoạt động sản xuất dầu đá phiến của Mỹ. Như vậy, cuộc chiến mới đang chỉ ở giai đoạn khởi dầu.

Song có một câu hỏi là giá dầu cần phải rơi xuống mức nào để có thể ngăn được người Mỹ sản xuất dầu đá phiến? IEA ước tính khoảng 4% dự án dầu đá phiến của Mỹ cần dầu mỏ cao hơn mức 80 USD/thùng để có thể tồn tại, một con số khiêm tốn với nhiều “đại gia” năng lượng Mỹ.

Nhưng thực tế có phải Saudi Arabia, đồng minh then chốt của Mỹ tại Trung Đông, đang phát động cuộc chiến giá dầu chống Mỹ hay đang hợp tác với Washington để chống lại những kẻ thù chung là Nga và Iran?

Dù không có bằng chứng về cái “bắt tay” giữa Saudi Arabia và Mỹ và Riyadh cũng từ chối công nhận sử dụng dầu mỏ như một công cụ chính trị phục vụ cho các lợi ích địa chính trị của mình, nhưng phiếu chống của nước này tại OPEC vừa qua chắc hẳn mang lại lợi ích cho một số tính toán ngoại giao hiện nay của Washington. Hay trước mắt, ít ra ngân khoản của các nhà sản xuất dầu mỏ Mỹ tại Bắc Dakota cũng không lo bị thiếu hụt nhờ quyết định hôm 27/11 vừa qua của OPEC.


Thái Nguyễn

OPEC đang toan tính gì?
OPEC đang toan tính gì?

Tại Hội nghị ở Vienna vừa qua, OPEC đã quyết định giữ nguyên sản lượng dầu mỏ bất chấp giá dầu đang lao dốc. Đằng sau quyết định này là gì? Có phải OPEC đang muốn phát động một cuộc chiến dầu mỏ chống lại Mỹ?

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN