Trong tháng này, Ấn Độ đã bắt đầu thử nghiệm trên biển đối với tàu ngầm lớp Kalvari thứ năm của mình, chiếc INS Vagir. Con tàu được hạ thủy vào tháng 11/2020 tại Lưu vực ngập nước Kanhoji Angre của công ty đóng tàu Mazagon Dock Shipbuilders Limited (MDL). Nó sẽ trải qua một loạt các cuộc thử nghiệm trên biển chuyên sâu về hệ thống động cơ, vũ khí và cảm biến trước khi được chuyển giao cho Hải quân Ấn Độ trong năm nay.
Tàu ngầm lớp Kalvari của Ấn Độ, chuyển giao công nghệ từ Pháp
Lớp Kalvari là tên gọi của Ấn Độ dành cho tàu ngầm thông thường lớp Scorpene của Pháp, được chế tạo thông qua chương trình chuyển giao công nghệ giữa Pháp và Ấn Độ bắt đầu từ năm 2005.
Chương trình này nhằm hiện đại hóa hạm đội tàu ngầm của Ấn Độ với 6 tàu lớp Kalvari vào năm 2024, theo chính sách “Made in India” (Sản xuất tại Ấn Độ) của Thủ tướng Narendra Modi - nhắm mục tiêu nâng cao quyền tự chủ chiến lược.
Tàu ngầm lớp Kalvari rộng 6,2 mét, chiều dài 67 mét và lượng choán nước khi chìm 1.550 tấn, có thể chở từ 25 đến 31 thủy thủ và 14 thợ lặn chiến đấu. Lớp tàu này có tốc độ lặn tối đa là 20 km/h, thời gian lặn liên tục trong 21 ngày và độ sâu dưới nước tối đa là 350 mét.
Xem lễ biên chế tàu ngầm Kalvari thứ 4, INS Vela, của Hải quân Ấn Độ (Nguồn: Defence Simplified)
Tàu lớp Kalvari trang bị các hệ thống phụ của Pháp và Ấn Độ. Các thành phần của Pháp trên tàu bao gồm hệ thống quản lý tác chiến DCNS SUBTICS (CMS), bộ sonar Thales S-CUBE, bộ radar và giám sát Sagem, ngư lôi hạng nặng F21 và tên lửa chống hạm Exocet.
Các công nghệ đáng chú ý của Ấn Độ trên lớp Kalvari bao gồm vật liệu đặc biệt do Flash Forge India sản xuất, các bộ phận lặn quan trọng và máy móc xử lý vũ khí từ SEC Industries, bảng điều khiển chỉ huy của HBL Power Systems. Lớp tàu này cũng dự kiến sẽ được trang bị động cơ đẩy không phụ thuộc vào không khí (AIP) với pin nhiên liệu axit photphoric do DRDO phát triển.
Tàu ngầm lớp Hangor của Pakistan - phiên bản của Type 39A Trung Quốc
Trong khi đó, năm ngoái, Pakistan đã bắt đầu đóng tàu ngầm lớp Hangor thứ năm, một phiên bản phái sinh của tàu lớp Yuan Type 39A - Trung Quốc. Theo thỏa thuận mà Pakistan ký với Trung Quốc, 4 trong số 8 tàu ngầm sẽ được chế tạo tại Pakistan bởi Nhà máy Đóng tàu và Công trình Kỹ thuật Karachi (KSEW), phần còn lại sẽ do Tập đoàn Công nghiệp Đóng tàu Trung Quốc (CSIC) chế tạo.
Tàu lớp Type 39A phát triển dựa trên các tàu lớp Song trước đó, nên có các công nghệ bắt nguồn từ tàu ngầm lớp Kilo do Nga chế tạo. Đây cũng là chiếc tàu ngầm đầu tiên của Trung Quốc trang bị công nghệ AIP, có động cơ Stirling chu trình khép kín. Tàu dài 77 mét, rộng 8,4 mét và lượng choán nước 3.600 tấn.
Chiếc tàu lớp Hangor thứ năm, có tên PNS Tasnim sắp ra mắt, sẽ là tàu ngầm đầu tiên được đóng cho Pakistan ngay ở bản địa. Dự án này phản ánh một chương trình tập trung hóa giữa Pakistan và Trung Quốc, tương tự như chương trình giữa Pháp - Ấn Độ. Các tàu mới dự kiến sẽ đi vào hoạt động tại Pakistan từ năm 2022 - 2028, thay thế cho đội tàu ngầm Agosta 90B do Pháp chế tạo đã lỗi thời.
Thông tin về tàu ngầm Type 39A rất ít ỏi mặc dù thiết kế đã có từ hơn một thập kỷ. Nó được cho là hoạt động yên tĩnh như các thiết kế tàu ngầm đương đại khác, trang bị các công nghệ và cảm biến tàng hình tương tự. Lớp tàu này được cho là có khả năng triển khai các bản sao ngư lôi và tên lửa của Trung Quốc cũng như các loại vũ khí do Trung Quốc phát triển trong nước.
Hiện không có nhiều thông tin về các hệ thống phụ khác trên tàu lớp Hangor mới, vì Hải quân Pakistan chưa cung cấp bất kỳ thông tin chi tiết nào về các hệ thống con hoặc vũ khí của lớp tàu này. Tuy nhiên, nó dự kiến có khả năng triển khai vũ khí của Trung Quốc và vũ khí nội địa của Pakistan như tên lửa hành trình Babur.
Củng cố quyền tự chủ chiến lược thông qua hợp tác quốc phòng
Các chương trình tàu ngầm cạnh tranh sát sạt của Ấn Độ và Pakistan phản ánh mối quan hệ chiều sâu giữa họ với các đối tác chiến lược tương ứng là Pháp và Trung Quốc.
Những lo ngại của Ấn Độ về việc trở thành một đồng minh cấp dưới của Mỹ đã ngăn cản nước này cam kết hoàn toàn với liên minh Quad do Mỹ dẫn đầu, mà Pháp không phải là thành viên. Tương tự, việc Pháp thúc đẩy quyền tự chủ chiến lược phản ánh tầm nhìn của cựu lãnh đạo Charles de Gaulle về việc tạo ra một cộng đồng không có “chư hầu” của Mỹ và Pháp được coi là một cường quốc toàn cầu chủ chốt.
Do đó, Ấn Độ và Pháp đang có vị trí thuận lợi để củng cố quyền tự chủ chiến lược thông qua hợp tác quốc phòng trong chương trình tàu ngầm, tạo ra một mối quan hệ an ninh độc lập với Mỹ.
Trong khi đó, việc Pakistan cần cân bằng trước lực lượng hải quân mạnh hơn của Ấn Độ, cùng với chiến lược của Trung Quốc về thiết lập chỗ đứng ở Ấn Độ Dương, có thể khiến Islamabad và Bắc Kinh bắt tay quốc phòng một cách thuận lợi.
Sự phụ thuộc của Pakistan vào vũ khí của Trung Quốc mang lại cho Bắc Kinh đòn bẩy kiểm soát đối với chính sách đối ngoại và quốc phòng của mình. Hơn nữa, tàu ngầm của Trung Quốc cũng có thể là thỏa thuận tốt nhất mà Pakistan có đủ khả năng chi trả.