Giáo sư Ivan Tsvetkov tại Trường Quan hệ Quốc tế, Đại học Quốc gia St. Petersburg (Nga), đồng thời là chuyên gia về chính sách đối ngoại, lịch sử và xã hội Mỹ cho rằng, chính sách đối ngoại của Nga năm 2014 đã được định hình bởi một loạt các cuộc thử nghiệm địa chính trị được thực hiện bởi Tổng thống Nga Vladimir Putin nhằm đối phó với phong trào Maidan ở Ukraine. Phép thử này là một cơ hội để ông Putin kiểm nghiệm quan điểm của mình về các mối quan hệ và vị thế của Nga trên trường quốc tế-một tầm nhìn mà ông đã phát triển trong những năm đầu trên cương vị Tổng thống.
Theo vị giáo sư trên, ban đầu, chính sách đối ngoại của ông Putin đã không vượt ra ngoài ranh giới phản ứng với những thách thức từ bên ngoài. Trong năm 2014, ông Putin cuối cùng đã quyết định so sánh quan điểm của mình về thế giới mà ông đã hình thành trong đầu, với thực tế khách quan. Đánh giá của ông Putin về thế giới hiện nay có một vài điểm chủ yếu sau:
Một là, phương Tây không thừa nhận Nga như là một đối tác bình đẳng, bên cạnh đó, phương Tây đang sử dụng một loạt các biện pháp nhằm vô hiệu hóa tiềm năng quân sự chiến lược của Moskva;
Hai là, xã hội dân sự phương Tây đang rơi vào một cuộc khủng hoảng sâu rộng và trong thực tế, họ đã mất vai trò như là một nhà lãnh đạo toàn cầu;
Ba là, thông qua các biện pháp ngoại giao khéo léo và linh hoạt, Nga đã thành công trong việc xây dựng các mối quan hệ đố tác với hầu hết các nước “không thuộc phương Tây”;
Bốn là, nếu Nga công khai thách thức phương Tây, nước này sẽ nhận được sự ủng hộ lớn trên thế giới bởi vì phương Tây và đặc biệt là Mỹ kích động một phản ứng tiêu cực gần như ở khắp nơi;
Năm là, trong một cuộc đối đầu công khai giữa Nga và phương Tây, sự chia rẽ kéo dài giữa Mỹ và phương Tây càng trở nên sâu sắc hơn; châu Âu thậm chí có thể đứng về phía Nga;
Sáu là, khi kết thúc cuộc khủng hoảng, Nga có thể sẽ trở thành một nhà lãnh đạo toàn cầu như là một cường quốc duy nhất mà có thể công khai thách thức quyền bá chủ của Mỹ;
Và cuối cùng, sự yếu kém của nền kinh tế Nga sẽ được bù đắp bởi ảnh hưởng chính trị ngày càng tăng của mình.
Những sự kiện trong năm 2014 đã cho thấy rằng nhiều trong số những quan điểm trên bề ngoài có vẻ không thuyết phục khi đối mặt với thực tế. Mối quan hệ giữa châu Âu và Mỹ chứng tỏ vẫn còn rất khăng khít hơn những gì được dự đoán, trong khi sự ủng hộ Nga từ các nước không thuộc phương Tây vào thời điểm này hoàn toàn không có gì nổi bật.
Tuy nhiên, không giống như những cuộc thử nghiệm thông thường mà sau đó các nhà khoa học sẽ rửa ống nghiệm và đóng cửa phòng thí nghiệm, việc thử nghiệm chính sách đối ngoại của Nga có thể không kết thúc một cách đơn giản, và ông Putin dường như không có ý định làm như vậy. Đánh giá từ bài phát biểu hàng năm mới đây của vị Tổng thống Nga có thể thấy niềm tin về thế giới quan của ông ngày càng mạnh mẽ hơn, và những khó khăn của Nga hiện nay chỉ là một kết quả tạm thời.
Ví dụ, trong bài phát biểu của mình, ông Putin cho rằng việc tăng cường hiện diện quân sự của NATO dọc biên giới Nga năm 2014 có thể được coi là: Đây không phải là một phản ứng về sự khiêu khích của Nga của phương Tây mà là thực hiện một kế hoạch đã có từ lâu. Như vậy, hành động của Nga đã giúp bóc trần những mưu đồ bí mật đó.
Vì vậy, chính sách ngoại giao của Nga năm 2015 sẽ tiếp tục theo đuổi mục tiêu phù hợp với thực tế khách quan này. Trước hết, Nga có thể tiếp tục những nỗ lực của mình trong việc xây dựng mối quan hệ với từng nước châu Âu riêng lẻ để phá vỡ sự thống nhất của khối phương Tây, đặc biệt là về chính sách các biện pháp trừng phạt. Thứ hai, Nga sẽ tiếp tục đưa ra những sáng kiến táo bạo trong các hội nghị của khối BRICS, SCO, G20 và các nhóm “không thuộc phương Tây” khác. Cuối cùng, Moskva nên đưa ra những dự báo về các thủ đoạn ngày càng tăng kiểu Chiến tranh Lạnh của phương Tây.
Công Thuận (Theo R.B.H.T)