Có thể nói gần 5 năm sau cuộc đảo chính quân sự ngày 22/4/2014, lịch sử chính trị Thái Lan chuẩn bị được lật sang trang mới với những phối cảnh vừa mới vừa cũ, phản ánh các đặc thù của nền chính trị giàu bản sắc tại vương quốc này.
Đến thời điểm Ủy ban bầu cử Thái Lan chốt đăng ký tham gia bầu cử ngày 8/2, có tổng cộng 106 đảng chính trị đăng ký. Tuy nhiên, theo quy định của Luật Đảng chính trị, chỉ có 41 chính đảng đủ tiêu chuẩn đăng ký tham gia tranh cử.
Dù là tổng tuyển cử, người dân Thái Lan chỉ bầu 500 hạ nghị sỹ, còn 250 thượng nghị sỹ do Hội đồng Quốc gia vì Hòa bình và Trật tự (NCPO) chỉ định và thông qua. Tại Hạ viện, dự kiến 350 ghế được bầu theo khu vực bầu cử và 150 ghế theo danh sách các đảng chính trị. Bầu hạ viện áp dụng “Hệ thống bầu cử hỗn hợp”, một lá phiếu bầu cho cả 3 vị trí nghị sỹ, ứng cử viên thủ tướng của các đảng và nghị sỹ theo danh sách đảng chính trị. Sau khi có kết quả bầu hạ viện, quốc hội gồm cả thượng viện và hạ viện (750 ghế) sẽ tham gia bầu thủ tướng và chọn nội các mới.
Các lãnh đạo của chính phủ đương nhiệm đã thể hiện ý chí nắm quyền lâu dài qua việc Thủ tướng Prayut Chan-ocha tranh chức thủ tướng với tư cách là ứng cử viên chính thức của đảng Palang Pracharath. Đảng này đang tỏ rõ sức mạnh cả về tài chính và lực lượng ủng hộ, tiếp tục tập hợp, lôi kéo lực lượng từ các đảng chính trị khác.
Trong khi đó, các đảng chính trị khác cũng đồng loạt triển khai rầm rộ hoạt động vận động tranh cử. Phe của cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra tạo bất ngờ trên chính trường Thái Lan khi đảng đồng minh của đảng Puea Thai là Thai Raksa Chart (TRC) đã chính thức đề cử Công chúa Ubolratana làm ứng cử viên thủ tướng. Dù sau đó đề cử này bị bác bỏ và đảng TRC đang đối mặt nguy cơ bị giải tán, nhưng diễn biến trên cho thấy chính trường Thái Lan chứa đầy các biến số với những cuộc mặc cả hậu trường có khả năng đưa đến nhiều biến động bất ngờ, vượt xa mọi ước đoán.
Cho tới nay, đương kim Thủ tướng Prayut Chan-ocha được xem là ứng cử viên nặng ký nhất với lợi thế vẫn là nhân vật đang giữ quyền lực tối cao. Kiêm cả vị trí Chủ tịch NCPO, ông đặc biệt có thể sử dụng quyền tối cao của Điều 44 Hiến pháp để ra mọi quyết định trên cả cơ quan lập pháp, hành pháp, tư pháp.
Chính quyền đương nhiệm đang triển khai nhiều hoạt động phục vụ bầu cử như tiếp tục hoàn thiện bộ máy điều hành, sử dụng các biện pháp kinh tế như miễn giảm thuế và đầu tư các dự án tại địa phương để lôi kéo cử tri. Tướng Prayut và các quan chức chính phủ cũng tích cực tham gia các hoạt động tại địa phương, sử dụng phương tiện truyền thông để quảng bá hình ảnh.
Đảng Palang Pracharath của Thủ tướng Prayut đã công bố 4 chính sách tranh cử lớn gồm: Chính sách an sinh nhà nước, với việc tăng thêm 2 - 3 triệu người được hưởng an sinh của chính phủ, trong đó tập trung vào người cao tuổi, người tàn tật; Chính sách thúc đẩy kinh tế nhà nước thông qua giải quyết nợ công và xây dựng quỹ đầu tư nông thôn; Chính sách nông nghiệp nhà nước - “Tăng 3” gồm thu nhập, sự lựa chọn, giá trị công nghệ, “Giảm 3” gồm nợ, chi phí đầu vào và các nguy cơ; Chính sách đất đai, theo đó hoàn thành việc cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu-sử dụng đất đai. Chủ tịch đảng, ông Uttama Savanayana tuyên bố sẵn sàng liên minh với các đảng khác có cùng đường hướng để thành lập chính phủ liên minh.
Bên kia chiến tuyến, đảng Puea Thai và các đảng liên minh đặt mục tiêu giải quyết nợ công, dự kiến sẽ lên tới gần 50% GPD năm 2022, ưu tiên phát triển các sản phẩm có giá trị, tăng thu nhập cho người dân... Nếu thắng cử, đảng Puea Thai sẽ tập trung thúc đẩy xuất khẩu sang các nước ASEAN, thúc đẩy đàm phán thương mại với các đối tác nước ngoài, xem xét lại Chiến lược Hành lang kinh tế phía Đông (EEC) và các dự án tàu cao tốc…
Cũng không thể bỏ qua đảng Dân chủ, chính đảng lâu đời nhất Thái Lan và có thực lực đáng nể. Chủ tịch đảng, cựu Thủ tướng Abhisit Vejjajiva, ứng cử viên thủ tướng duy nhất của đảng trong cuộc bầu cử này, tuyên bố chính sách tập trung vào sửa đổi hệ thống pháp lý, chống tham nhũng và phân quyền lực về địa phương, giải quyết vấn đề an sinh, cải tổ hệ thống thuế... Đảng Dân chủ cũng cổ xúy cho tăng cường thương mại với Trung Quốc theo khung hợp tác của ASEAN, không coi trọng hợp tác thương mại song phương. Đảng này chủ trương hợp tác với các đảng có đường lối dân chủ tự do.
Một thế lực mới nổi, đảng Tương lai mới (FFP) vừa được thành lập giữa năm 2018 với cương lĩnh cổ xúy dân chủ và tập trung vào lực lượng cử tri là giới trẻ và sinh viên. Chủ tịch, ứng cử viên thủ tướng duy nhất của đảng là nhà tài phiệt Thanathorn Juangroongruankit, 40 tuổi. Ông này tuyên bố sẽ không liên minh với các nhóm đảng nằm dưới sự hậu thuẫn của NCPO để thành lập chính phủ liên hợp. Chính sách tranh cử của FFP tập trung giải quyết các vấn đề kinh tế, nâng cao dịch vụ công, và nếu thắng cử sẽ xem xét lại các hợp đồng mua vũ khí của chính phủ quân sự. Đảng FFP chủ trương không mặc cả với bất kỳ đảng chính trị nào để thành lập chính phủ liên minh.
Xét tương quan lực lượng hiện tại cũng như các "luật chơi" mà chính quyền đương nhiệm đã soạn ra, việc một đảng duy nhất đứng ra thành lập chính phủ là điều không thể. Đảng Palang Pracharath, nếu muốn có đủ trên 376 ghế trong tổng số 750 ghế tại quốc hội, ngoài 250 ghế thượng viện do Thủ tướng Prayut - Chủ tịch NCPO chỉ định, cần có tối thiểu 126 ghế hạ viện để bầu thủ tướng, điều khó có thể xảy ra.
Kịch bản rõ ràng nhất là Palang Pracharath sẽ tìm mọi cách, kể cả liên minh với các đảng chính trị khác có đủ số ghế quá bán (251 ghế) tại hạ viện để có thể giúp thủ tướng điều hành chính phủ một cách dễ dàng. Những đối tác tiềm năng sẽ là đảng Bhumjaithai, đảng Chartthai Pattana, đảng Chart Pattana, RuamPalang Pracharath (ACT) của thủ lĩnh phe Áo Vàng Suthep Thaugsuban và đảng Cải cách nhân dân (PRP). Cũng không loại trừ khả năng đảng Palang Pracharath liên minh với đảng Dân chủ.
Sau sự kiện TRC phải hủy đề cử Công chúa Ubolratana, đảng Puea Thai và các đảng đồng minh cũng khó giành trên 376 ghế tại quốc hội, nên không thể bầu được thủ tướng của đảng mình và không thể đứng ra thành lập chính phủ. Khả năng Puea Thai và FFP liên minh hoàn toàn có thể xảy ra, nhất là khi quan điểm chính trị của hai đảng có nhiều tương đồng.
Đến đây phải nhắc đến vai trò của đảng Dân chủ, dù đảng này không có cơ hội giành đủ số ghế để đứng ra thành lập chính phủ. Khả năng liên minh của Puea Thai và Dân chủ cũng là vấn đề do ân oán lịch sử của hai đảng này quá sâu và sự khác biệt cơ bản về quan điểm chính trị.
Tuy nhiên, không loại trừ các lãnh đạo đảng Dân chủ muốn chia sẻ quyền lực và táo bạo "bước qua lời nguyền" để bắt tay với những người ủng hộ ông Thaksin, chính trường Thái Lan sẽ quay lại giai đoạn đối đầu quân sự - dân sự như mô típ cũ. Khi đó, những cuộc mặc cả hậu trường sẽ bắt đầu để rồi các phối cảnh tiếp tục thay đổi.