Viễn cảnh nào cho chính trường Thái Lan?

Giáo sư Gothom Areeya tại Đại học Mahidol của Thái Lan cho rằng có thể cảm nhận hòa bình ngay lúc này, nhưng đó sẽ là một nền hòa bình dưới kiểm soát của quân đội.

Kết quả sơ bộ của cuộc trưng cầu ý dân hôm 7/8 ở Thái Lan cho thấy đa số người dân ủng hộ thông qua bản Hiến pháp do chính quyền quân sự soạn thảo. Kết quả này giúp củng cố các tham vọng chính trị của quân đội và là một đòn giáng đối với phong trào dân chủ vốn rất “lập bập” của quốc gia này.

Quân đội nói rằng bản Hiến pháp mới sẽ giúp kiềm chế “đại dịch” tham nhũng trong chính trường, mang lại ổn định sau nhiều năm bất ổn và mở đường cho cuộc tổng tuyển cử năm 2017. Tuy nhiên, giới chỉ trích cho rằng quân đội có mục tiêu loại bỏ các chính khách dân sự và lập ra một nền dân chủ dưới sự kiểm soát của quân đội và các đồng minh theo chế độ bảo hoàng của họ.

Nhân viên cơ quan bầu cử Thái Lan kiểm phiếu tại thủ đô Bangkok ngày 7/8. Ảnh: EPA/TTXVN

Kết quả sơ bộ do Ủy ban Bầu cử Thái Lan công bố tối 7/8 cho thấy trong số 90% số phiếu được kiểm, có tới 62% cử tri ủng hộ bản dự thảo Hiến pháp. Chính quyền ước tính có khoảng 55% trong số 50,2 triệu cử tri Thái Lan đi bỏ phiếu. Kết quả chính thức sẽ được công bố ngày 10/8.

Cuộc trưng cầu ý dân hôm 7/8 đánh dấu lần đầu tiên người dân Thái Lan có thể đi bỏ phiếu từ khi Thủ tướng Prayut Chan-ocha, người từng là Tư lệnh lục quân Thái Lan, lật đổ chính phủ dân cử của bà Yingluck Shinawatra năm 2014. Vương quốc này đang bị chia rẽ sau một thập kỷ bất ổn chính trị - điều gây tổn hại đến tăng trưởng, cản đường tiến trình dân chủ và khiến nhiều người thiệt mạng trong các cuộc biểu tình trên đường phố.

Trước cuộc trưng cầu ý dân, chính quyền quân sự của Thủ tướng Prayuth Chan-ocha đã ngăn cấm các cuộc tập hợp chính trị và các cuộc thảo luận công khai về bản Hiến pháp này. Những ai chỉ trích bản dự thảo có thể bị trừng phạt tới 10 năm tù giam. Các nhà chỉ trích cho rằng các biện pháp hạn chế này nhằm bảo đảm rằng phần lớn người dân không biết rõ về các nội dung chưa ổn của bản Hiến pháp và khiến người dân nóng lòng hoàn tất tiến trình kéo dài này.

Phát biểu với hãng tin AP, Pavin Chachavalpongpun, Giáo sư người Thái Lan tại Trung tâm Nghiên cứu Đông Nam Á tại Đại học Kyoto ở Nhật Bản và là một người chỉ trích chính quyền quân sự, nói: “Kết quả bỏ phiếu ‘Có’ giúp trao thêm tính hợp pháp cho những người gây ra cuộc đảo chính. Nó bật đèn xanh cho họ tiến hành các biện pháp tiếp theo mà họ muốn. Họ sẽ nói rằng phe đối lập giờ không thể nói được gì nữa”.

Tuy nhiên, trong một tuyên bố tối 7/8, văn phòng Thủ tướng Prayuth cho biết cuộc trưng cầu ý dân “được chính phủ tiến hành một cách minh bạch và công khai”. Mặc dù áp đặt các biện pháp hạn chế quyền tự do dân sự, nhưng ông Prayuth cũng đưa ra biện pháp nhằm duy trì ổn định và chấm dứt nạn bạo lực thường xuyên xảy ra trên đường phố và tình trạng chính trường bị chia rẽ vốn làm phá hỏng cơ cấu xã hội Thái Lan trong nhiều năm. Vẻ ngoài ổn định đó có thể giúp lý giải tại sao người dân bỏ phiếu “Có” để thông qua Hiến pháp mới này.

Thủ tướng Prayuth Chan-ocha bỏ phiếu trong cuộc trưng cầu dân ý ở Bangkok ngày 7/8. Ảnh: THX/TTXVN

Giáo sư Gothom Areeya tại Đại học Mahidol của Thái Lan cho rằng bản Hiến pháp này “nói lên rất nhiều nỗi lo lắng và quan ngại của đa số người dân Thái Lan. Nhiều người dân Thái Lan muốn được thấy nạn tham nhũng phải được chấm dứt và sự trở lại của hòa bình và phát triển. Mặc dù các chuyên gia như tôi có thể chỉ trích bản Hiến pháp, nhưng thông điệp của chúng tôi không chạm tới nhiều người dân”.

Bên cạnh việc hỏi ý kiến người dân về bản Hiến pháp, cuộc trưng cầu ý dân còn bao gồm câu hỏi bổ sung rằng: Các cử tri có chấp nhận một Thượng viện được chính phủ hiện tại chỉ định có quyền lựa chọn Thủ tướng hay không. Câu hỏi này chỉ nhận được 58% ủng hộ so với 42% bác bỏ.

Giới phân tích nói rằng kết quả bỏ phiếu thông qua bản Hiến pháp này sẽ là một thất bại đối với phong trào dân chủ Thái Lan. Theo Giáo sư Pavin, cho dù khi quân đội không còn nắm quyền đi chăng nữa và một chính phủ dân sự lập ra sau cuộc tổng tuyển cử năm 2017, quân đội “sẽ có được bản Hiến pháp như chiếc ‘điều khiển từ xa’. Bản Hiến pháp có thể được lợi dụng như một công cụ để họ duy trì quyền lực chính trị”.

Jatuporn Prompan, một lãnh đạo của phong trào Áo đỏ ủng hộ chính phủ dân cử bị lật đổ sau cuộc đảo chính năm 2014, nói rằng bất chấp việc bị đàn áp bởi chính quyền quân sự, những người phản đối bản hiến pháp mới đã tiến hành cuộc đối đầu ngoạn mục. Ông nói: “Người dân đã bày tỏ nguyện vọng của họ và chúng tôi tôn trọng sự lựa chọn đó. Chúng tôi chỉ hy vọng rằng chính phủ có thể làm hết sức trong những ngày tới”.

Thái Lan đã chứng kiến 13 cuộc đảo chính quân sự thành công và 11 âm mưu đảo chính kể từ khi nước này thay thế chế độ quân chủ chuyên chế bằng nhà nước lập hiến năm 1932. Nếu được thông qua, đây sẽ là bản Hiến pháp lần thứ 20 của quốc gia này. Giáo sư Gothom cho rằng Thái Lan có thể cảm nhận hòa bình ngay lúc này, nhưng đó sẽ là một nền hòa bình dưới quyền kiểm soát của quân đội. 

TTK
Thủ tướng Thái Lan cam kết thực hiện đúng lộ trình chính trị
Thủ tướng Thái Lan cam kết thực hiện đúng lộ trình chính trị

Kết quả trưng cầu ý dân ở Thái Lan cho thấy có đến hơn 60% cử tri ủng hộ dự thảo hiến pháp mới.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN