Theo hãng tin Reuters, kể từ khi cuộc xung đột ở Ukraine nổ ra hơn một năm trước, Tổng thống Serbia Aleksandar Vucic đã phải thực hiện các hành động cân bằng khó khăn giữa một mặt là mối quan hệ văn hóa và tôn giáo sâu sắc của Serbia với Nga và mặt khác là tham vọng gia nhập EU cùng quan hệ đối tác với NATO.
Ngoài việc cảnh báo Serbia về vấn đề thân Nga, phương Tây đang có những bước tiến nhỏ trong mở rộng quan hệ thương mại với Serbia, nhằm làm giảm sự phụ thuộc của Serbia vào năng lượng của Nga và xoa dịu căng thẳng với Kosovo.
Trong hơn hai thập kỷ, Điện Kremlin là đồng minh có ảnh hưởng lớn của Serbia trong việc chống lại cuộc nổi dậy đầu tiên năm 1998-1999 và sau đó là đòi độc lập vào năm 2008 của Kosovo. Việc chấm dứt bế tắc căng thẳng giữa Serbia-Kosovo, một điều kiện để cả hai bên có thể trở thành thành viên EU, sẽ loại bỏ phần lớn đòn bẩy của Moskva đối với Belgrade.
Maxim Samorukov, một thành viên của Quỹ Carnegie vì Hòa bình Quốc tế, nhận định: "Các hành động và mục tiêu tổng thể của Nga trong quan hệ với Serbia là để nước này đứng ngoài NATO và EU".
Không muốn xa lánh EU, Belgrade đã phản đối chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine tại Liên hợp quốc và các diễn đàn quốc tế khác, công nhận biên giới trước xung đột của Ukraine, gửi viện trợ nhân đạo và cơ sở hạ tầng cho Kiev, đồng thời nhận những người sơ tán từ cuộc xung đột, cả người Ukraine và người Nga.
Tuy nhiên, việc Belgrade không tham gia các biện pháp trừng phạt của phương Tây đối với Moskva đã bị chỉ trích. Tháng trước, Thủ tướng Serbia Ana Brnabic nói rằng trong khi nước này đã đạt được tiến bộ trong các cuộc đàm phán gia nhập EU, Brussels vẫn cần làm nhiều hơn nữa.
Bà Brnabic nói với các phóng viên: "Dường như mức độ phù hợp với các chính sách đối ngoại và quốc phòng chung của EU, dẫn đến việc đưa ra các biện pháp trừng phạt đối với Nga, là điều kiện trên hết".
Trong khi đó, một cuộc thăm dò năm 2022 của Demostat có trụ sở tại Belgrade cho thấy, gần 80% người Serbia phản đối các biện pháp trừng phạt Nga, chủ yếu là do nỗi ám ảnh về các lệnh trừng phạt và sự cô lập áp đặt vào những năm 1990 đối với Belgrade do vai trò của họ trong các cuộc chiến liên quan đến sự tan rã của liên bang Nam Tư.
Một cuộc thăm dò riêng của CRTA cũng cho thấy 61% số người Serbia được hỏi cho rằng Belgrade nên duy trì mối quan hệ tốt đẹp với Moskva ngay cả khi phải trả giá bằng các mối quan hệ với EU. Một cuộc thăm dò khác do Chính phủ Serbia tài trợ chỉ ra 43% người Serbia sẽ bỏ phiếu cho tư cách thành viên EU và 32% phản đối.
Trước dư luận chia rẽ như vậy, chiến lược của Tổng thống Vucic là tránh khiến Moskva tức giận và tái khẳng định mối quan hệ tốt đẹp, đồng thời "thực hiện các bước để dần tách Serbia khỏi Nga trong nhiều khía cạnh từ kinh tế đến hợp tác an ninh", chuyên gia Samorukov nhận định.
Serbia từ lâu đã phụ thuộc gần như hoàn toàn vào khí đốt giá rẻ của Nga trong khi nhà sản xuất dầu chính NIS của nước này thuộc sở hữu của Gazprom và Gazpromneft của Nga.
Nhưng Serbia đã ngừng nhập khẩu dầu thô của Nga vào năm ngoái theo các lệnh trừng phạt của EU, chuyển chủ yếu sang nguồn cung cấp từ Iraq và đang hợp tác với Bulgaria để xây dựng một đường ống dẫn khí đốt tự nhiên và khí hóa lỏng từ Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ.
Theo Sasa Djogovic, nhà phân tích của Viện Nghiên cứu Thị trường, Belgrade sẽ vẫn cần khí đốt của Nga nhưng không có khả năng Moskva sẽ cắt nguồn cung. "Nga sẽ không mạo hiểm thực hiện một bước đi quyết liệt như vậy vì sau đó họ có thể mất đi sự ủng hộ ở Serbia", nhà phân tích trên lưu ý.
Trong khi Nga vẫn là đối tác thương mại lớn thứ tư của Serbia - sau Đức, Hungary và Trung Quốc, chiếm 4,1% tổng xuất khẩu nước ngoài của Serbia và 7,5% tổng nhập khẩu vào năm 2022, thì nhìn chung EU là nhà đầu tư và nhà hảo tâm lớn nhất của Serbia.
Nhà phân tích Djogovic cho biết, Serbia chủ yếu xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp và tiêu dùng, cũng như gỗ và lốp xe sang Nga nhưng "sẽ không bị ảnh hưởng nhiều" nếu nước này tham gia các lệnh trừng phạt Moskva, vì họ sẽ dễ dàng tìm được thị trường thay thế cho hàng hóa của mình.
Cuộc xung đột ở Ukraine và sự hợp tác của Serbia với NATO cũng đang làm rạn nứt mối quan hệ quân sự truyền thống của Belgrade với Moskva. Các biện pháp trừng phạt của Mỹ và EU có nghĩa là Serbia không còn có thể gửi máy bay chiến đấu hoặc trực thăng, dựa trên công nghệ của Liên Xô cũ, tới Nga để đại tu hoặc mua vũ khí mới từ Nga.
Sau khi mua máy bay trực thăng do Airbus sản xuất và tên lửa đất đối không từ Mistral của Pháp, Belgrade cũng đang tìm mua máy bay phản lực Rafale của Pháp và chuẩn bị mua máy bay không người lái cảm tử từ Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất. Quân đội của Serbia hiện được mô phỏng theo các tiêu chuẩn của NATO và nằm trong chương trình Đối tác vì Hòa bình của liên minh quân sự phương Tây này.
Tóm lại, Tổng thống Vucic đã nhiều lần nói tư cách thành viên EU là mục tiêu chiến lược của Serbia và mối quan hệ với phương Tây sẽ mang lại những lợi ích như nhiều việc làm, đầu tư và mức sống cao hơn. Tuy nhiên, bất chấp sự dịch chuyển về phía Tây của Belgrade, tình cảm thân Nga vẫn có ý nghĩa quan trọng trong giới chính trị và công chúng Serbia.