Phương Tây không sẵn sàng cho cuộc chiến dài hơi với Nga

Trong một động thái mới nhất, Quốc hội Ukraine đã thông qua một thỏa thuận liên kết then chốt hội nhập với Liên minh châu Âu (EU) và chính thức rời xa Nga. Song cuộc đua tranh giành ảnh hưởng Nga - EU và NATO mới đang bắt đầu và trong cuộc chơi này, EU có nguy cơ sẽ thua cuộc, bởi lẽ trên ba tuyến chính của cuộc chơi, Phương Tây đều cho thấy họ không sẵn sàng cho một cuộc tranh đấu kéo dài với Moskva.

Trong cuộc gặp với Tổng thống Poroshenko ngày 4/9, Tổng thư ký NATO Anders Fogh Rasmussen (phải) cho biết NATO sẽ hỗ trợ Ukraine cải cách quốc phòng và xây dựng quân đội chính quy hiện đại. Ảnh: AFP-TTXVN


Một là, sau việc Nga sáp nhập Crimea, Ukraine có nguy cơ mất nốt phần lãnh thổ rộng lớn ở phía Đông Nam khi Phó Thủ tướng nước Cộng hòa Nhân dân Donetsk tự xưng Andrei Purgin ngày 16/9 tuyên bố: “Donbass không còn là một phần của Ukraine nữa”. Tuyên bố trên được đưa ra sau khi Quốc hội Ukraine phê chuẩn dự luật trao quyền tự trị hạn chế cho miền Đông ly khai và thỏa thuận liên kết với EU.


Hai là, Nga và Phương Tây đang đối đầu nhau trong một cuộc chiến tuyên truyền mà EU cũng khó có khả năng chiến thắng.


Ba là, an ninh của các quốc gia vùng Baltic đang bị đe dọa và tại đây các nhà lãnh đạo EU, NATO vẫn chưa chuẩn bị để giải quyết bất kỳ rắc rối nào nếu có.


Nga đang thắng thế ở cả ba chiến tuyến


Trước hết, đối với vấn đề chủ quyền lãnh thổ của Ukraine, Mỹ và giới lãnh đạo EU không có ý định công nhận việc Nga sáp nhập Crimea hồi tháng 3 vừa qua, nhưng họ cũng không có ý định đặt vấn đề đưa vùng lãnh thổ này trở về với Ukraine như là một trong những thành tố của bất kỳ thỏa thuận hòa bình nào.


Tại miền Đông Ukraine, các nhà điều tra vẫn bị từ chối không cho tiếp cận đầy đủ và không cản trở tới khu vực máy bay mang số hiệu MH17 của Malaysia Airlines bị rơi hồi tháng 7/2014. Thực tế này cũng làm xói mòn tính chủ quyền của Ukraine và thể hiện sự bất lực của Phương Tây.


Tổng thống Poroshenko có cuộc gặp với Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jose Manuel Barroso (phải) tại Kiev, ngày 12/9. Ảnh: AFP-TTXVN


Không chỉ vậy, Phương Tây còn góp phần hủy hoại chủ quyền của Ukraine khi vào ngày 12/9, trong một cuộc gặp tay ba giữa Ủy viên châu Âu phụ trách thương mại Karel de Gucht, Ngoại trưởng Ukraine Pavlo Klimkin và Bộ trưởng Phát triển kinh tế Nga Alexei Ulyukayev, EU đã nhất trí hoãn việc triển khai Thỏa thuận tự do thương mại toàn diện và sâu rộng với Ukraine. Thỏa thuận này được xây dựng nhằm thúc đẩy tự do hóa thương mại giữa Kiev và EU, dự kiến có hiệu lực vào tháng 11 tới. Tuy nhiên, nay nó đã được hoãn tới ngày 31/12/2015. Ủy viên De Gucht cho hay trong khi chờ đợi, EU sẽ thông qua một số biện pháp thương mại “độc lập” với Ukraine.


Việc trì hoãn thỏa thuận thương mại tự do cho thấy Ukraine không thể tự định đoạt số phận của mình như tuyên bố đã nêu. Một động thái đáng chú ý là cùng ngày ra thông cáo này, Thứ trưởng Ngoại giao Ukraine Danylo Lubkivskyi đã từ chức và viết lý giải cho việc này như sau: “Việc thông báo trên được thông qua đã gửi đi tín hiệu sai lầm cho tất cả mọi bên: kẻ xâm lược, đồng minh của chúng ta và quan trọng nhất là cho các người dân Ukraine”.


Trong khi đó, tại hội nghị thường niên” Chiến lược châu Âu Yalta” tổ chức ở Kiev trong các ngày 12-13/9, nhằm thúc đẩy sự hội nhập của Ukraine vào châu Âu, các quan chức hàng đầu của EU như Ủy viên phụ trách mở rộng Stefan Fule, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Manuel Barroso vẫn hùng hồn tuyên bố rằng “Liên minh châu Âu sẽ không cho phép Nga ra điều kiện cho quan hệ của EU với Ukraine”.


Liên quan tới cuộc chiến tuyên truyền, ông Putin có truyền thông Nga, nhất là hệ thống truyền hình được kiểm soát tốt. Phương Tây có thể lâm trận với các công cụ truyền thống như BBC, Đài tự do châu Âu, VOA, nhưng bấy nhiêu thôi vẫn rất ít. Hơn nữa, các công cụ truyền thông này đang phải đối mặt với sự cắt giảm ngân sách lớn trong thời điểm cần thiết nhất. Chúng không chỉ quan trọng trong việc truyền tải thông tin tới người Nga tại Nga mà còn với các công dân vùng Baltic, nơi có rất đông các cộng đồng người Nga sống và xem truyền hình Nga.


Chiến tuyến cuối cùng mà EU cũng chưa có được sự chuẩn bị tốt đó là khả năng thất bại của khối này trong việc đối phó với kịch bản Nga "khuynh đảo" các nước Baltic. Khả năng của Moskva trong việc làm suy yếu Latvia, Estonia, nơi đều có rất đông cộng đồng người Nga sinh sống, không thể bị coi nhẹ. Đó là lý do tại sao NATO quyết định triển khai một kế hoạch sẵn sàng hành động liên quan tới sườn phía Đông của liên minh, song vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu thực tiễn.


Tất cả những thực tế trên đồng nghĩa với việc các nhà lãnh đạo EU cần phải quyết định liệu họ có theo cuộc đua dài hơi này với Nga hay không. Và khối này cần biết rằng trong cuộc đua với Nga tại Ukraine, họ có thể sẽ là bên thua cuộc.



Thái Nguyễn (Theo F.A)

Quốc hội Ukraine phê chuẩn thỏa thuận liên kết với EU
Quốc hội Ukraine phê chuẩn thỏa thuận liên kết với EU

Quốc hội Ukraine đã phê chuẩn thỏa thuận liên kết then chốt với Liên minh châu Âu (EU), theo đó đưa nước này hướng tới Phương Tây và rời xa Nga.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN