Đằng sau quyết định
Qatar thông báo ý định rời bỏ OPEC ngay trước thêm một cuộc họp cuối cùng của tổ chức này cùng các đối tác sản xuất dầu trong năm 2018, dự kiến diễn ra vào ngày 6/12 tới.
Trong cuộc họp, OPEC dự kiến cắt giảm sản lượng để đối phó với tình trạng dư thừa nguồn cung toàn cầu. Rủi ro cung vượt cầu xuất hiện sau khi OPEC và các đối tác, trong đó có Nga, hồi tháng 6 cam kết tăng sản lượng. Một phần nguyên nhân là do dự báo thiếu hụt cung khi ngành năng lượng Iran bị Mỹ áp đặt trở lại các biện pháp trừng phạt. Trước khi tăng sản lượng vào tháng 6, các nhà sản xuất dầu đã giảm sản lượng trong hơn 1 năm qua để hạn chế thừa cung.
Ngày 3/12, OPEC cho biết đã nhận được thông báo về ý định rút khỏi tổ chức từ Qatar và nói rằng mọi thành viên đều có quyền rút. OPEC tôn trọng quyết định của Qatar và lưu ý động thái này không cần OPEC thông qua.
Tuyên bố của Qatar được đưa ra trong bối cảnh giá dầu đã giảm khoảng 30% so với mức cao nhất trong 4 năm hồi tháng 10. Sự kiện ảnh hưởng tới lòng tin và khả năng OPEC bình ổn thị trường dầu mỏ.
Ông Naeem Aslam, nhà phân tích thị trường tại sàn giao dịch ThinkMarkets UK, nhận định việc Qatar rời bỏ OPEC không khác gì việc OPEC bị “gãy xương sống”.
Theo Market Watch, dù quyết định của Qatar bị ví như là khiến OPEC gãy xương sống nhưng không gây ngạc nhiên quá lớn cho dư luận, nhất là vì Qatar là nhà sản xuất dầu nhỏ thứ 5 trong khối. Theo ông Lynn Morris-Akyinyemi, nhà phân tích tại công ty tư vấn năng lượng Wood Mackenzie, sản lượng dầu năm 2018 của Qatar ước tính 600.000-650.000 thùng/ngày, tức chưa đầy 2% sản lượng dầu của OPEC.
Dù vậy, cũng có ý kiến cho rằng sự kiện Qatar rút khỏi OPEC là một “chuyện lớn”. Qatar đang trên đà sản xuất hơn 6 triệu thùng dầu/ngày tới năm 2022 và trở thành một nhà cung cấp năng lượng chính của thế giới. Qatar là một trong những nhà sản xuất khí thiên nhiên hóa lỏng lớn nhất thế giới. Hơn nữa, khi đàm phán chính sách năng lượng với đối thủ trong khu vực, Qatar được ví như cây cầu ngoại giao trong OPEC.
Bộ trưởng Năng lượng Qatar Saad Sherida al-Kaabi cho biết quyết định rút khỏi OPEC thể theo nguyện vọng của Qatar muốn tập trung hơn vào các kế hoạch phát triển và tăng sản lượng khí đốt thiên nhiên. Dù vậy, các nhà phân tích nghi ngờ rằng động thái này chỉ liên quan tới tranh cãi của Qatar với Saudi Arabia.
Saudi Arabia, cùng với Các tiểu vương quốc Arab thống nhất, Bahrain và Ai Cập năm 2017 đã cắt đứt quan hệ ngoại giao với Qatar với cáo buộc nước này hỗ trợ các tổ chức khủng bố.
Lợi ích riêng của các nước sản xuất dầu lớn cũng thay đổi kể từ khi OPEC được thành lập năm 1960 với bốn thành viên sáng lập Iran, Iraq, Kuwait và Saudi Arabia cùng Venezuela. Qatar gia nhập OPEC 1 năm sau đó.
Qatar không phải thành viên đầu tiên rời bỏ OPEC. Indonesia gia nhập năm 1962 và từng tạm ngừng tư cách thành viên hai lần, gần đây nhất là tháng 11/2016. Các thành viên khác như Gabon và Ecuador cũng tạm ngừng tham gia OPEC trong những năm 1990 và quay lại sau đó vài năm.
Khả năng OPEC tan rã
Về khả năng OPEC tan rã, nhà phân tích Naeem nhận định: “Tổ chức này có thể không còn khả năng tồn tại. Thông điệp mà sự kiện này gửi tới các thành viên khác là: ra đi tốt hơn ở lại. Sự việc đã để lại dấu chân và người khác sẽ bước theo”.
Ông Jeff Yastine, nhà phân tích cấp cao tại công ty Banyan Hill, nhận định với tờ MarketWatch: “Trong những thập kỷ qua, mọi nước thành viên OPEC nhìn chung đều coi lợi ích riêng gần tương đồng với lợi ích chung của tổ chức – kiểm soát chặt chẽ thị trường dầu để đảm bảo thu được dòng tiền đáng tin cậy, ổn định cho các nước thành viên. Nhưng những ngày này, tôi cho rằng cái gì vì lợi ích tốt nhất của Saudi Arabia lại không phải là lợi ích tốt nhất của các đối tác OPEC”.
Theo ông Yastine, có khả năng OPEC sẽ tan rã, đặc biệt nếu Saudi Arabia do Thái tử Mohammned bin Salman lãnh đạo. Thái tử là người muốn Saudi Arabia bớt phụ thuộc vào dầu.
OPEC cũng có thể không tan rã một cách chủ động mà chỉ không còn cần thiết nữa. Thế giới đang chuyển sang các nguồn năng lượng thay thế và OPEC đã không còn nhiều lý do để tồn tại.
Đầu tháng 11, Nhật báo Phố Wall đưa tin nhóm chuyên gia cố vấn hàng đầu Saudi Arabia do chính phủ tài trợ đang nghiên cứu tác động có thể xảy ra với thị trường dầu nếu OPEC tan rã. Tuy nhiên, dự án nghiên cứu đó không liên quan tới cuộc tranh luận trong chính phủ Saudi Arabia về việc có nên rời OPEC trong tương lai gần hay không.
Ông Yastine nhận định: “Nhiều người Mỹ, đặc biệt là những người còn nhớ cú sốc năng lượng những năm 1970 sẽ chắc chắc hoan hỉ trước khả năng tan vỡ của OPEC, nhưng thế giới cũng không tốt hơn cũng chẳng xấu đi nếu thiếu OPEC”. Điều này có nghĩa thế giới có quá nhiều lựa chọn nguồn năng lượng để sử dụng. Điều đó cũng có nghĩa nền kinh tế toàn cầu phải điều chỉnh với một môi trường năng lượng biến động hơn, khó đoán hơn.
Có thể giá dầu sẽ biến động như trong vài tháng qua và biến động giá dầu sẽ thường thấy hơn trong một tương lai “ít OPEC hơn”.