QE3 đã cận kề-Bài 2: Những nhân tố thúc đẩy Mỹ nới lỏng tiền tệ

Có một điều mà ai cũng có thể nhận ra là khi những tiếng chuông cảnh báo về nguy cơ Hy Lạp rời Eurozone và gần đây là hệ thống ngân hàng Tây Ban Nha có thể đổ vỡ do gặp quá nhiều khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn gióng lên mạnh mẽ, đồng USD càng thể hiện rõ vị thế là nơi trú ẩn an toàn.

 

Một nhà máy lắp ráp iPhone của hãng Apple tại Trung Quốc. Ảnh: Internet

 

Theo số liệu mới nhất từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), tỷ lệ đồng USD trong các kho dự trữ ngoại tệ toàn cầu đã tăng lên đến 62,1%, là mức cao nhất kể từ tháng 6/2010, trong khi tỷ lệ đồng euro sụt giảm 25% so với tháng 9/2006. Về mặt giá trị, nguy cơ khủng hoảng tài chính ở châu Âu đã làm đồng euro giảm giá mạnh, nhưng lại khiến đồng USD tăng giá, ảnh hưởng tới xuất khẩu và cuối cùng là sự phục hồi của kinh tế Mỹ.


Trong khi đó, vào năm 2010, Tổng thống Mỹ Barack Obama đặt mục tiêu tăng gấp đôi xuất khẩu trong 5 năm. Như vậy, để đảm bảo thực hiện được mục tiêu này, tăng trưởng xuất khẩu trung bình hàng năm của Mỹ phải đạt khoảng 15%. Trong khi đó, số liệu cho thấy sau khi đạt mức tăng trưởng 16,6% vào năm 2010, tăng trưởng xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ của Mỹ đã giảm xuống mức 14,5% của năm 2011. Nhưng phải thấy rằng năm 2010 và năm 2011, xuất khẩu của Mỹ được hưởng lợi từ hai gói QE cũng như sự hồi phục của các nền kinh tế mới nổi.

 

Hiện nay, kinh tế thế giới đang đứng trước thách thức lớn khi mà châu Âu rơi vào nguy cơ khủng hoảng ngân hàng, tăng trưởng giảm mạnh tại Trung Quốc - cường quốc kinh tế thứ hai thế giới - cùng với tình trạng hàng tồn kho tăng lên và bóng ma giảm phát đe dọa Nhật Bản - nền kinh tế lớn thứ ba toàn cầu... Trong khi nhu cầu của thế giới giảm xuống, việc đồng USD tăng giá rõ ràng không phải là tín hiệu tích cực đối với xuất khẩu của Mỹ. Việc đồng euro giảm giá sẽ mang đến cho Mỹ cái cớ hợp lý để giảm giá đồng USD, giảm tác động tới nền kinh tế và đây chính là bước đệm để QE3 ra đời.


Cũng liên quan tới vấn đề xuất khẩu và việc làm, gần đây, người ta thấy xuất hiện dấu hiệu các doanh nghiệp Mỹ tăng cường rút khỏi Trung Quốc, chuyển hoạt động về nước. Theo kết quả điều tra 105 doanh nghiệp Mỹ hoạt động tại Trung Quốc của chuyên gia quản lý chuỗi cung ứng, Giáo sư Davd Simchi - Levi thuộc Học viện Công nghệ Massachusetts, có tới 39% trong số đó đang xem xét chuyển một phần hoạt động sản xuất về nước. Nguyên nhân là do giá thành sản xuất tại Trung Quốc và giá đồng Nhân dân tệ không ngừng tăng cao, khiến lợi nhuận giảm mạnh.

 

Đối với Trung Quốc, việc các doanh nghiệp Mỹ rút khỏi nước này có thể là dấu hiệu tiêu cực, nhưng đối với Mỹ, đây thực sự là niềm vui. Nhưng để tạo ra sức hút mạnh đối với các doanh nghiệp có ý định chuyển hoạt động về Mỹ, chính quyền Obama cần đưa ra những chính sách trợ giúp. Khi đồng USD xuống giá, sức cạnh tranh của hàng hóa xuất khẩu của Mỹ sẽ tăng lên, doanh nghiệp cũng thu được thêm lợi nhuận. Ở khía cạnh này, QE có thể là một lựa chọn không tồi đối với Mỹ.


Nhưng không nước nào trên thế giới thích QE3 bởi nó gây ra sự lan tràn về tiền tệ, khiến lạm phát có cơ hội tăng lên. Nhà kinh tế hàng đầu của Standard and Poor’s, Beth Ann Bovino cũng cho rằng trở ngại chủ yếu đối với việc đưa ra QE3 là vấn đề lạm phát. Tuy nhiên, nếu QE3 không làm cho giá cả hàng hóa cơ bản tăng mạnh, áp lực quốc tế đối với chính phủ Mỹ sẽ giảm xuống.

 

Xem xét tình hình thực tế niện nay sẽ thấy lạm phát của Mỹ đã nằm trong phạm vi kiểm soát an toàn. Trên bình diện thế giới, cùng với thông tin tiêu cực từ Eurozone, giá các loại hàng hóa cơ bản, bao gồm năng lượng và nông sản đều giảm mạnh. Do đó, theo Bovino, FED không cần phải lo lắng khi xem xét thực hiện chính sách tiền tệ nới lỏng. Diane Swonk, chuyên gia kinh tế trưởng tại Mesirow Finacial, cũng cho rằng: “Nếu chỉ có diễn biến của thị trường lao động Mỹ, FED sẽ không hành động. Tuy nhiên, điều này kết hợp với tình hình châu Âu sẽ buộc FED phải làm gì đó”.


Ngoài ra, tháng 11 năm nay, Mỹ sẽ tiến hành bầu cử. Bài học kinh nghiệm năm 2010 và năm 2011 cho thấy, vào đầu năm số liệu kinh tế Mỹ biểu hiện khá tốt, nhưng sau đó lại xấu đi trong những tháng còn lại. Nếu theo tiền lệ của hai năm trước, sự đi xuống của kinh tế Mỹ chắc chắn sẽ tác động tiêu cực đối với khả năng tái cử của ông Obama. Trong bối cảnh tình hình việc làm tháng 5 gây thất vọng, sản xuất suy giảm, chỉ số bán nhà đi xuống, Dennis Gartman, chủ biên của tạp chí “The Gartman Letter”, tin rằng QE3 sẽ được thông qua vào cuộc họp chính sách của Ủy ban Thị trường Mở (FOMC) của FED ngày 19 và 20/6, hoặc muộn hơn là vào cuộc họp tổ chức vào 31/7 và 1/8.


Trước đó, sau khi số liệu việc làm tháng 5 được công bố, Ngân hàng Morgan Stanley nhận định vào cuộc họp của FOMC vào ngày 19 và 20/6, khả năng FED đưa ra QE3 đã tăng từ 50% lên 80%. Kết quả điều tra đối với các tổ chức tài chính lớn có liên hệ trực tiếp với FED của hãng tin Reuters (Anh) cho thấy trong số 9 câu trả lời liên quan tới thời gian Mỹ thực hiện QE3, 6 tổ chức dự tính FED sẽ đưa ra QE3 vào nửa cuối năm 2012, hai tổ chức dự tính vào tháng 6 này và một tổ chức dự tính vào tháng 6 hoặc tháng 9. Nói tóm lại, ngày càng có nhiều nhà phân tích và chuyên gia tài chính cho rằng FED muốn nới lỏng chính sách trước cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào tháng 11 tới.


Hà Ngọc (P/v TTXVN tại Hồng Công)

 

Đón đọc bài 3: QE3: Liệu có hữu ích?

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN