Báo "Thương gia" (Nga) ngày 4/4 đã đăng bài đánh giá về "Diễn đàn Nga toàn thế giới" vừa kết thúc tại Oasinhtơn ngày 2/4. Bài báo khẳng định sau 2 ngày thảo luận sôi nổi, những người tham dự Diễn đàn đã đưa ra kết luận "sửng sốt" rằng kết quả chủ yếu cho đến nay của quá trình tái khởi động quan hệ Nga-Mỹ là hai bên đã trở lại thời kỳ "Chiến tranh Lạnh". Ngoài ra, các thành viên Mỹ dự Diễn đàn cho rằng cuộc đối thoại thực sự giữa hai nước chưa thể bắt đầu chừng nào phía Nga chưa giải quyết xong những vấn đề liên quan đến tự do báo chí, tính độc lập của tòa án và bầu cử tự do (có cạnh tranh).
Phát biểu tại diễn đàn, Đại sứ Nga tại Mỹ, ông Sergey Kiskyak, lưu ý rằng luật sửa đổi Jackson-Vanik cùng chủ trương của Mỹ nhằm tiếp tục cấm bán cho Nga công nghệ tiên tiến và không chịu thiết lập sự hợp tác xuyên Thái Bình Dương với khoảng cách giữa hai bên vỏn vẹn có 3 hải lý, đang cản trở quan hệ hợp tác kinh tế giữa hai nước. Đáp lại, Trợ lý Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ phụ trách các vấn đề châu Âu và Âu-Á, ông Daniel Russel nói rằng sẽ đến lúc luật sửa đổi Jackson-Vanik sẽ được hủy bỏ và hai nước sẽ thiết lập mối quan hệ đối tác đầy đủ.
Ngay lập tức, Chủ tịch Ủy ban quan hệ quốc tế của Đuma Quốc gia (Hạ viện) Nga, ông Konstantin Kosachev tuyên bố bất chấp thành tích đã đạt được trong quá trình tái khởi động quan hệ, Nga vẫn còn không ít việc phải chất vấn Mỹ liên quan đến Kosovo, Ápganixtan, hệ thống phòng thủ tên lửa (NMD), việc NATO mở rộng (sang phía Đông), việc (Mỹ) vận động hành lang cho các tuyến đường ống dẫn dầu-khí không chạy qua lãnh thổ Nga, việc Mỹ chống đối sự hợp tác giữa Nga với Iran, Vênêxuêla và Xyri. Ông Kosachev nhấn mạnh điều Nga lo ngại nhất là Lực lượng hỗ trợ ổn định quốc tế (ISAF) không có khả năng chặn đứng nguồn sản xuất ma túy ở Ápganixtan khiến cho hàng năm tại Nga có tới 30.000 người tử vong do ma túy. Trong khi đó, những “tín hiệu giả dối” do Grudia phát đi đang làm cho người dân Grudia có thái độ không đúng đắn trong quan hệ với Nga.
Ông Kosachev cho rằng quan hệ Nga-Mỹ hiện nay mới chỉ ghi nhận tình hữu nghị cá nhân giữa các tổng thống của hai nước. Theo ông, cuộc bầu cử bổ sung vào Quốc hội Mỹ vừa qua đã làm cho phía Nga lần đầu tiên trong nhiều năm mất đi đối tác tại Hạ viện Mỹ. Ông minh chứng Chủ tịch Ủy ban quan hệ quốc tế của Quốc hội Mỹ, bà Ileana Ros-Lehtinen đã từ chối gặp ông khi ông tới thăm Oasinhtơn. Ông nhấn mạnh Mỹ cần phải nhận thức rõ rằng ngoài các lợi ích dân tộc của họ trên thế giới còn có các lợi ích của các dân tộc khác. Ông nêu dẫn chứng phía Mỹ nhận thức rất ấu trĩ rằng luật sửa đổi Jackson-Vanik chỉ cản trở doanh nghiệp Mỹ đầu tư vào Nga chứ không cho rằng nó là vật cản lớn trên con đường Nga gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).
Richard Pepl, một trong những người nêu tư tưởng bảo thủ mới ở Mỹ, từng làm việc cho nhiều chính quyền do phe Cộng hòa nắm và dưới thời Bush (con) thậm chí còn được bổ nhiệm làm Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ, bình luận phát biểu trên đây (của người Nga) chẳng khác gì thời kỳ "Chiến tranh Lạnh". Pepl nêu rõ, sau một loạt cuộc chiến năng lượng mà Ucraina và một loạt nước Đông Âu bị thua thiệt, sẽ là ngu ngốc nếu tiếp tục hy vọng vào nguồn cung dầu-khí từ Nga. Pepl nhận xét Mỹ và Nga chỉ mới đạt được một số thành tích trong lĩnh vực kiểm soát vũ khí, mặc dù trong 2 thập kỷ qua Mỹ đã phải chi hơn 96 tỷ USD để giúp thực hiện chương trình hủy bỏ và bảo quản đầu đạn hạt nhân tại các nước Cộng hòa thuộc Liên Xô trước đây.
Tiếp đó, một số đại biểu Nga gồm Giám đốc Học viện Mỹ và Canađa, ông Sergey Rogov và Đại biểu Đuma Quốc gia Sergey Markov, lên tiếng chỉ trích ông Pepl khi chính khách Mỹ này khẳng định ông ta đã tham gia soạn thảo luật sửa đổi này và cho rằng không có bất kỳ lý do nào để phải hủy bỏ văn kiện đó.
Đình Lanh (P/v TTXVN tại Nga)