Cuộc họp chính sách cuối cùng trong năm 2019 của Ủy ban Thị trường mở liên bang (FOMC) - cơ quan hoạch định chính sách của FED, đã kết thúc với tuyên bố nêu bật sức mạnh của thị trường lao động và nền kinh tế đầu tàu thế giới.
Tuyên bố khẳng định: “Thị trường lao động tiếp tục khởi sắc và hoạt động kinh tế đang tăng trưởng ở tốc độ vừa phải”. Những đánh giá tích cực này là cơ sở để FED quyết định giữ nguyên lãi suất cho vay tiêu chuẩn trong mức mục tiêu được áp dụng từ tháng 10 năm nay.
Thị trường tài chính Mỹ lập tức phản ứng tích cực với quyết định của FED. Hàng loạt các cổ phiếu công nghệ như Apple, United Technologies... đồng loạt tăng điểm trở lại. Chỉ số Dow Jones, Nasdaq, S&P 500 đều tăng trong phiên giao dịch ngày 11/12. Đồng USD giảm giá so với 6 đồng tiền mạnh khác.
Quyết định không tăng lãi suất của FED cũng được đánh giá là tạo yếu tố thuận lợi cho Tổng thống Donald Trump trước thềm chiến dịch tranh cử tổng thống 2020 vì đã khiến giới đầu xóa tan lo ngại về khả năng FED thực hiện chính sách thắt chặt tiền tệ.
Nền kinh tế Mỹ sắp khép lại năm tăng trưởng thứ 11 liên tiếp, tiếp tục mở ra giai đoạn tăng trưởng dài nhất trong lịch sử. Tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Mỹ trong quý III/2019 mặc dù chậm lại so với những quý đầu năm, song đã tăng 2,1% so với cùng kỳ năm ngoái và cao hơn dự báo.
Trong tháng 11 vừa qua, thị trường lao động Mỹ tạo ra 266.000 việc làm mới, chứng kiến mức tăng trưởng cao nhất trong vòng 10 tháng. Tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống 3,5%, mức thấp nhất trong 50 năm qua, và tăng trưởng tiền lương gần đạt mức cao nhất trong một thập kỷ. Một điểm tích cực nữa là chi tiêu tiêu dùng - “xương sống” của nền kinh tế Mỹ, vẫn duy trì sức tăng mạnh, và niềm tin của người tiêu dùng hiện cũng ở mức cao chưa từng thấy.
Trong tuyên bố về chính sách được đưa ra sau hai ngày nhóm họp, FED đã loại bỏ cụm từ "những bất ổn" mà ngân hàng này thường sử dụng để dự báo triển vọng tăng trưởng của nền kinh tế hàng đầu thế giới.
Biểu đồ hình chấm (dot plot) thể hiện dự báo của các thành viên FOMC về lãi suất trong năm 2020 cho thấy 13 quan chức của FED mong muốn giữ nguyên lãi suất cơ bản trong năm 2020, trong khi 4 quan chức muốn nâng lãi suất. Điều này đồng nghĩa không một quan chức nào muốn hạ lãi suất trong năm tới như mong muốn của Tổng thống Donald Trump.
Theo giới phân tích, Ngân hàng trung ương Mỹ đã bớt lo ngại về tác động của các cuộc chiến thương mại do ông chủ Nhà Trắng “khai hỏa”, cũng như những diễn biến địa chính trị bên ngoài lãnh thổ nước này. Tại cuộc họp báo sau đó, Chủ tịch FED Jerome Powell đã để ngỏ khả năng FED trong năm tới sẽ giữ nguyên tỷ lệ lãi suất ở mức thấp hiện nay, tiếp tục hướng tới một chính sách tiền tệ nhằm đưa tỷ lệ lạm phát trở về mức mục tiêu dưới 2%.
Tuy nhiên, các chuyên gia phân tích cho rằng nguy cơ vẫn còn tiềm ẩn khi lĩnh vực chế tạo rơi vào suy thoái, đầu tư kinh doanh sụt giảm, xuất khẩu yếu đi và số liệu việc làm và hoạt động chi tiêu sau khi được điều chỉnh cũng giảm đáng kể.
Ngoài ra, tỷ lệ lạm phát của Mỹ cũng đang ở mức thấp đáng lo ngại, làm tăng quan ngại về nguy cơ kinh tế nước này rơi vào chu kỳ tăng trưởng thấp. Giới chuyên gia hoài nghi khả năng nền kinh tế Mỹ có thể duy trì tốc độ tăng trưởng ổn định trong năm tới để có thể bảo toàn lộ trình “án binh bất động” lãi suất.
Theo các nhà phân tích, FED phải hạ lãi suất ít nhất một lần trong năm 2020 để hỗ trợ nền kinh tế Mỹ. Bà Rubeela Farooqi, nhà kinh tế trưởng về thị trường Mỹ tại công ty tư vấn tài chính High Frequency Economics, dự đoán tăng trưởng GDP của Mỹ có thể giảm xuống dưới 2% vào cuối năm 2019 và vào quý I/2020. Nếu kịch bản này xảy ra và đi cùng các hiệu ứng lan tỏa khác, FOMC có thể sẽ phải hạ lãi suất trong quý đầu tiên của năm tới.
Để FED có thể đưa ra quyết định cho bất kỳ đợt điều chỉnh lãi suất nào trong tương lai, ngân hàng này vẫn phải dựa trên sự cân nhắc tình hình thực tế của nền kinh tế cũng như những thách thức, rủi ro tiềm ẩn. Đây chắc chắn không phải là một bài toán dễ dàng, khi thể chế tài chính này vừa phải tìm cách cân bằng giữa việc kiểm soát lạm phát trong khi giữ tỷ lệ thất nghiệp ở mức thấp nhất để đảm bảo tăng trưởng kinh tế.
Giới chuyên gia cho rằng “sự thay đổi” trong đánh giá của FED về triển vọng của nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ tùy thuộc vào diễn biến và tác động của cuộc chiến thương mại với Trung Quốc. Mỹ và Trung Quốc đang nỗ lực đạt được thỏa thuận trì hoãn đợt thuế quan mới mà Washington dự kiến áp lên hàng hóa của Bắc Kinh từ ngày 15/12 tới.
Nếu hai bên đạt được thỏa thuận thì đây sẽ là một bước tiến đầy triển vọng hướng tới việc chấm dứt căng thẳng thương mại giữa hai bên, giúp phần nào giải tỏa mối quan ngại về những nguy cơ đối với nền kinh tế Mỹ.