San Francisco – thành phố chống dịch ‘kiểu mẫu’ tại Mỹ

Những hành động sớm và quyết liệt của nữ Thị trưởng London Breed đã giúp kiểm soát dịch COVID-19, đưa San Francisco trở thành hình mẫu quốc gia trong “làm phẳng đường cong” dịch bệnh.

Chú thích ảnh
Thị trưởng San Francisco London Breed đã có phản ứng phòng ngừa dịch từ khi thành phố chưa xác định ca nhiễm virus SARS-CoV-2 nào. Ảnh: AP 

Phản ứng kiểu "đánh chặn"

Nữ Thị trưởng London Breed đã không ngồi chờ dịch COVID-19 tới rồi mới "ra tay". 

Khi bà tuyên bố tình trạng khẩn cấp tại San Francisco vào cuối tháng 2, thành phố này vẫn chưa xác nhận một trường hợp nhiễm virus Corona chủng mới (SARS-CoV-2) nào. Hai tuần sau, quyết định cấm tụ tập trên 1.000 người của bà Breed đã “bó tay” các “Chiến binh cầu Cổng vàng” (đội bóng rổ nhà nghề) của vùng Vịnh Area. Quyết định của bà, cùng với việc phát hiện ca dương tính đầu tiên của cầu thủ Giải Bóng rổ Nhà nghề Mỹ (NBA) đã dẫn tới ngừng toàn bộ các giải đấu thể thao lớn tại Mỹ.

Vào thời điểm đó, Thị trưởng Breed hứng nhiều chỉ trích rằng bà đã thực thi các biện pháp quá nóng vội. Nhưng gần một tháng sau khi các lệnh bắt buộc giãn cách xã hội này được thực hiện, San Francicos và khu vực Vịnh Area đang nổi lên như một hình mẫu quốc gia về việc phản ứng sớm và quyết liệt có thể ngăn chặn bùng nổ các ca lây nhiễm, giống như tình trạng đang áp đảo hệ thống y tế hiện nay tại New York, nơi các nhà lãnh đạo đã phản ứng chậm hơn.

Tính đến ngày 10/4, số ca mắc COVID-19 tại San Francisco là 857 người, với chỉ 13 ca tử vong, thấp hơn nhiều so với các đô thị có quy mô tương đương như New Orleans, Detroit, Boston và Washington, DC. “Đường cong dịch”của thành phố thấp và phẳng, đồng nghĩa không có tình trạng bệnh nhân tràn vào các phòng cấp cứu.

Chú thích ảnh
Minh hoạ đường cong dịch tại San Francisco (màu xanh) phẳng hơn so với "đường cong" toàn quốc (màu đỏ). Ảnh: Politico

“Tất cả các bằng chứng cho thấy họ đang làm tốt hơn nhiều, và lời giải thích đơn giản nhất là họ đã thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội rất nghiêm túc và rất sớm”, bà Emily Gurley, một nhà dịch tễ học tại Đại học Johns Hopkins, nhận xét.

San Francisco và California nói chung đã phải vật lộn nhiều hơn New York để tăng cường năng lực xét nghiệm, gây lo ngại rằng số lượng ca nhiễm được xác nhận tương đối thấp có thể vẽ lên một bức tranh "màu hồng" về cuộc khủng hoảng. Tuy nhiên, các nhà dịch tễ học và quan chức y tế cộng đồng cho rằng, cho dù các ca dương tính chắc chắn chưa được thống kê đủ nhưng hệ thống y tế công cộng ổn định, cộng với tỉ lệ tử vong thấp đã cho thấy thành công của San Francisco đến thời điểm này.

“Chúng ta đang chứng kiến giường bệnh không thiếu, cũng không thấy tình trạng tăng đột biến bệnh nhân ở đó”, nhà dịch tễ học Yvonne Maldonado tại Trường Y Stanford, nói. 

Nữ thị trưởng quyết đoán

Thị trưởng Breed đã yêu cầu đóng cửa các doanh nghiệp và ban hành chỉ thị “trú ẩn tại chỗ”, yêu cầu người dân không ra khỏi nhà, trên toàn thành phố từ ngày 17/3, thời điểm San Francisco mới ghi nhận chưa tới 50 ca mắc COVID-19.

Cũng vào ngày đó, thành phố New York đã có hơn 2.000 trường hợp dương tính. Nhưng Thống đốc bang New York Andrew Cuomo và Thị trưởng New York City Bill de Blasio không có những hành động tương tự cho tới vài ngày sau đó. Vào thời điểm New York City đóng cửa hoàn toàn ngày 22/3, có tới hơn 10.000 ca dương tính đã được báo cáo tại đây.

Phản ứng quyết liệt ngay từ sớm của bà Breed cũng không thấy ở nhiều thành phố khác tại Mỹ. Khi bà thực thi giãn cách xã hội, nhiều người nổi tiếng ở San Francisco bắt đầu gọi cho các vấn chính trị của Thị trưởng Breed – trong đó có Thượng nghị sĩ Kamala Harris - kêu ca về quyết định của bà. “Bà London Breed đang chuẩn bị đóng cửa thành phố đó”, họ phàn nàn. Nhưng Nghị sĩ Harris khuyên họ nên tin tưởng ở Thị trưởng.

“Bà Breed đã chịu những chỉ trích và sức ép chính trị kinh ngạc”, nghị sĩ Harris nói, nhưng “bà đã can đảm đưa ra quyết định theo linh cảm của mình, dựa trên những nghiên cứu khoa học mách bảo rằng đó là điều đúng đắn nên làm cho người dân, kể cả khi họ chưa nhận ra nó”.

Chú thích ảnh
Khu vực dã chiến tại bệnh viện UCSF ở San Francisco ngày 5/3. Ảnh: KTVU

Những khó khăn kinh tế do lệnh đóng cửa thành phố không phải là mất mất lớn duy nhất với Breed. Bà lớn lên cùng bà ngoại trong một dự án nhà ở công cộng. Chị gái bà chết vì quá liều ma tuý, còn anh trai hiện vẫn đang thụ án 44 năm tù vì tội ngộ sát. Vì vậy “bà ấy là một người thực tế, thực tế đến tận cốt lõi”, nghị sĩ Harris nhận xét. “Bà ấy làm đúng việc vào đúng thời điểm, dù đó không phải là điều mà mọi người muốn nghe”.

Ở một mức độ nào đó, hai thành phố San Francisco và New York thực hiện những con đường khác nhau. Hai thành phố này chỉ giống nhau ở việc thiếu nhà ở giá rẻ và khoảng cách giàu nghèo quá lớn, nhưng nằm cách xa giữa hai bờ Đông – Tây của đất nước.

Các nhà dịch tễ học nói rằng San Francisco và các thành phố khác ở Bờ Tây có thể được hưởng lợi từ những hạn chế vào cuối tháng 1 của chính quyền Tổng thống Trump đối với việc đi lại từ Trung Quốc, trong khi sự chậm trễ của Tổng thống trong việc cấm các chuyến bay từ châu Âu, (mà ông đã không làm cho đến giữa tháng 3), đã khiến New York thêm khó khăn.

“New York giống như Italy, còn San Francisco và bang Washington giống Hàn Quốc hơn”, ông Shah Shahpar, cựu lãnh đạo phản ứng nhanh toàn cầu tại Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) nói. Theo ông khác biệt nằm ở chỗ “phản ứng trước, thay vì phản ứng” – hành động đó sẽ tạo nên sự khác biệt ở các cấp chính quyền trong cuộc khủng hoảng này.

Chú thích ảnh
Đường phố San Francisco vắng vẻ từ ngày 17/3 khi có lệnh trú ẩn tại chỗ. Ảnh: AP

"Đi trước virus" hay "virus đi trước"

"Virus này đã đi trước chúng ta từ ngày đầu tiên", đó là những lời than thở của Thống đốc New York Cuomo hôm 9/4, khi tiểu bang này lại chứng kiến thêm một kỷ lục về số ca lây nhiễm và tử vong.

Điều đó có thể đúng với Thống đốc Cuomo và Thị trưởng de Blasio, nhưng nó không đúng với London Breed.

Các quan chức y tế cộng đồng ở San francisco bắt đầu theo dõi sự bùng phát của virus SARS-CoV-2 từ dịp nghỉ lễ tháng 12/2019 - theo bà Mary Ellen Carroll, người điều hành Phòng Quản lý Khẩn cấp của thành phố. Đến cuối tháng 1, Thị trưởng Breed đã kích hoạt trung tâm hành động khẩn cấp tại San Francisco, để chuẩn bị cho một đợt bùng phát dịch. Đây là động thái đầu tiên như vậy ở bất kỳ thành phố lớn nào trong cả nước Mỹ. Kể từ khi chuyển tổng hành dinh chỉ huy đến Trung tâm Moscone, một khu phức hợp rộng lớn nơi các quan chức hàng đầu thành phố có thể làm việc trực tiếp, thì mọi người, kể cả bà Breed, đều đeo khẩu trang khi gặp mặt. 

Thị trưởng Breed nói rằng điều khiến bà chú ý từ sớm là những bức ảnh và cảnh quay khủng khiếp từ Vũ Hán, Trung Quốc, cho thấy các bệnh viện tràn ngập bệnh nhân COVID-19. Một bức ảnh đáng giá ngàn lời nói. Ngay sau đó, tại một cuộc họp nhanh, các cố vấn của bà đã trình bày chi tiết một kịch bản tương tự xảy ra tại thành phố. Và liền sau đó, những hành động đi trước phòng ngừa dịch đã được gấp rút tiến hành. 

Thu Hằng/Báo Tin tức (Theo Politico)
Chiến lược chống dịch 'một mình một kiểu' của Thuỵ Điển
Chiến lược chống dịch 'một mình một kiểu' của Thuỵ Điển

Hầu hết các nước châu Âu đang thực hiện lệnh phong toả và hạn chế nghiêm ngặt nhằm ngăn dịch COVID-19 lây lan, kèm theo những quy định phạt nặng người vi phạm. Nhưng Thuỵ Điển thì không.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN