Ngày hôm nay (18/9), 5 triệu người dân Scotland thuộc Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland sẽ đi bỏ phiếu trong cuộc trưng cầu ý dân lịch sử, quyết định tương lai của mình: Ở lại liên hiệp hay cất bước ra đi? Một câu hỏi đơn giản nhưng mỗi lá phiếu trả lời, dù là Có hay Không, đều sẽ tác động lớn tới chính người dân Scotland, tới Vương Quốc Anh và có thể là toàn châu Âu.
Một cuộc biểu tình phản đối Scotland độc lập ở thủ đô London. Ảnh: AFP-TTXVN |
Tại sao Scotland muốn rũ áo ra đi?Đến thời điểm diễn ra cuộc trưng cầu ý dân, Scotland đã là một trong bốn thành viên của Vương quốc Anh được 307 năm. “Chung sống” dưới một mái nhà lâu dài như vậy, tại sao Scotland đột nhiên lại muốn “ra riêng”?
Về mặt chính trị, Scotland nghiêng về cánh tả hơn so với các thành viên còn lại của Vương quốc Anh. Trong số 59 nghị sĩ Scotland có mặt trong quốc hội Vương quốc Anh, chỉ có một nghị sĩ thuộc đảng Bảo thủ. Trong khi đó ở Anh, phần lớn các nghị sĩ đều thuộc đảng này.
Scotland có nghị viện khu vực riêng, có thể tự hoạch định chính sách y tế, giáo dục, văn hóa và môi trường, nhưng tiền để vận hành chính quyền Scotland vẫn được rót từ Vương quốc Anh. Chính phủ ở Westminter là chính phủ mà phần lớn người Scotland không bầu ra nhưng chính những người đó lại có thể đưa ra những quyết định lớn ảnh hưởng đến gia đình, cộng đồng ở Scotland. Người Scotland không thích điều đó và đó là lý do tại sao họ thích “ra riêng”.
Nếu tách ra, người Scotland có thể tự bầu ra một chính phủ của riêng mình, do mình tự chọn và chính phủ này sẽ có những chính sách phù hợp với nhu cầu của chính người Scotland.
Nếu độc lập, Scotland sẽ tự chủ về thuế và chi tiêu, nhờ đó có thể xây dựng một quốc gia có phúc lợi xã hội mạnh - điều mà nhiều cử tri Scotland mong muốn. Trong tính toán của người Scotland, một quốc gia Scotland độc lập sẽ mang lại lợi ích cho mọi thành phần, tầng lớp xã hội: các gia đình trẻ được hỗ trợ chăm sóc trẻ từ 3 đến 4 tuổi với 1.140 giờ miễn phí/năm; thanh niên sẽ hưởng lợi khi các nhà đầu tư đổ vào Scotland nhờ hệ thống thuế ưu đãi; người về hưu được hứa hẹn tăng lương hưu ít nhất 2,5%; các doanh nghiệp sẽ làm ăn thuận lợi hơn nhờ chính sách kinh tế dành cho chính Scotland…
Hệ lụy nhãn tiền về kinh tếTrên đây là những cái lợi mà đảng Dân tộc Scotland (SNP), đảng chiếm đa số trong nghị viện Scotland, đưa ra để thuyết phục cử tri bỏ phiếu cho độc lập. Tuy nhiên, những hậu quả mà người Scotland phải gánh về mặt kinh tế dường như lại bị xem nhẹ.
Việc Scotland tách khỏi Vương quốc Anh sẽ gây ra tác động tiêu cực và bất ổn trong quá trình chuyển đổi hệ thống tiền tệ, tài chính và cả nền kinh tế. Các ngân hàng lớn như Lloyds, RBS rục rịch chuyển đến London, phòng khi Scotland tuyên bố độc lập.
Thủ lĩnh đảng SNP cho rằng Scotland vẫn có thể sử dụng đồng bảng Anh. Quan điểm này ngay lập tức vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ phía các đối thủ chính trị, và bị chính phủ Anh thẳng thừng bác bỏ. Theo lý lẽ của Anh, Scotland không thể sử dụng đồng bảng khi không còn ở trong Vương quốc Anh. Trong khi đó, Scotland cũng không thể sử dụng đồng tiền chung châu Âu euro khi họ chưa có tiền tệ riêng.
Một cấu trúc khác biệt về kinh tế đòi hỏi Scotland phải có một loại tiền tệ riêng, độc lập hoàn toàn. Nhưng nền kinh tế Scotland sẽ đối mặt với nguy cơ suy thoái nghiêm trọng khi đồng tiền riêng quá yếu, không đủ uy tín trên thị trường, dẫn đến thất thu trong nhiều ngành công nghiệp mũi nhọn, đặc biệt là dầu khí.
Đồng tiền riêng yếu hơn đồng bảng Anh sẽ khiến khối tài sản của giới doanh nghiệp Scotland nhanh chóng giảm giá trị. Trong khi đó, tỷ lệ thất nghiệp tăng không còn là dự báo viển vông khi các tập đoàn lớn quyết định rút vốn hoặc chuyển hướng hoạt động. Thị trường việc làm ảm đạm cộng với gánh nặng nợ công và phúc lợi xã hội mà nguồn thu dầu khí không bù đắp nổi có thể khiến Scotland lao đao.
Một vấn đề gai góc nếu Scotland tách ra là việc chia gánh nặng nợ công. Nợ công của Anh đang là 1.0 tỷ bảng và Anh cho rằng chính quyền Scotland mới phải gánh phần nợ tương ứng theo tỷ lệ. Nghe có vẻ đơn giản, nhưng phần nợ này khá lớn và nếu Scotland không trả được nợ, điều này có thể khiến không chỉ Scotland vỡ nợ mà còn gây hệ lụy đến cả Vương quốc Anh.
Làm lại từ đầu?Ngoài hệ lụy về kinh tế, Scotland còn phải tìm câu trả lời cho một loạt câu hỏi lớn. Đảng SNP đã đặt mục tiêu ngày 24/3/2016 là ngày độc lập của Scotland. Nếu đa số cử tri muốn độc lập, từ nay đến thời điểm đó, phía Scotland và Vương quốc Anh phải đàm phán để dàn xếp vụ “ra riêng”.
Nếu tách ra khỏi Vương quốc Anh, Scotland sẽ không được coi là một thành viên của Liên minh châu Âu (EU) và sẽ phải tìm cách gia nhập EU lại từ đầu với tư cách một quốc gia độc lập. Dù Scotland đã đáp ứng phần lớn điều kiện gia nhập EU nhưng vẫn còn một số vấn đề hóc búa.
Thành viên EU mới phải cam kết gia nhập Khu vực sử dụng đồng euro – một điều kiện mà Scotland không muốn theo vì chính quyền Scotland phản đối dùng đồng euro và chọn đồng bảng Anh.
Nhiều luật sư và quan chức châu Âu cho rằng mất ít nhất 2 năm để đạt thỏa thuận giữa Scotland và EU. Sau đó, cả 28 nước thành viên EU sẽ phải bỏ phiếu thông qua việc kết nạp Scotland.
Quá trình bỏ phiếu rất có thể bị trì hoãn thêm vì nhiều vấn đề chính trị ngáng đường, nhất là khi chính phủ Tây Ban Nha có thể sẽ phản đối, bởi giống Scotland, xứ Catalonia của nước này cũng lăm le đòi ly khai. Khả năng Scotland là thành viên của EU bị một quan chức EU nhận định là “rất khó khăn nếu không muốn nói là bất khả thi”.
Nếu nói có với độc lập, Scotland không chỉ phải gian nan trên con đường gia nhập lại EU mà còn phải làm điều tương tự với NATO. Tổng thư ký NATO Anders Fogh Rasmussen cho biết Scotland với tư cách một quốc gia độc lập sẽ không nghiễm nhiên có một chỗ trong NATO chỉ vì Vương quốc Anh cũng thuộc NATO.
Scotland sẽ phải đăng ký gia nhập khối quân sự này với tư cách là một nước mới và phải được toàn bộ thành viên NATO chấp nhận. Tuy nhiên, gia nhập NATO có vẻ dễ dàng với Scotland hơn là gia nhập EU. Tiến sĩ Colin Fleming chuyên nghiên cứu quan hệ quốc tế và chính trị thuộc Đại học Edinburgh cho rằng Scotland có thể sẽ được gia nhập NATO vì khu vực này rất quan trọng về mặt địa chiến lược.
Nếu cử tri nói không?Người ta có thể nghĩ rằng nếu cử tri Scotland nói không với độc lập thì mọi thứ lại quay trở lại như bình thường. Tức là Scotland vẫn là một phần của Vương quốc Anh có nghị viện và chính quyền riêng. Quốc hội Anh sẽ tiếp tục nắm giữ cái ví để rót tiền cho Scotland và quản lý mọi vấn đề quan trọng như quốc phòng, ngoại giao.
Tuy nhiên, mọi chuyện không hoàn toàn thế. Các chính trị gia Anh sẽ phải thực hiện những điều mà họ đã hứa hẹn với Scotland nếu mảnh đất này không rũ áo ra đi, ví dụ như trao cho nghị viện Scotland nhiều quyền hơn, có mức thuế thu nhập mới cho Scotland, giảm thuế đất… Khi đó, hai thành viên khác là xứ Wales và Bắc Ireland chắc chắc sẽ đòi hỏi điều tương tự.
Trước cuộc trưng cầu ý dân, điều tra cho thấy tỷ lệ cử tri ủng hộ và phản đối độc lập khá sít sao. Điều này cho thấy rằng xã hội Scotland bị chia rẽ rõ ràng và sâu sắc. Do đó, nếu kết quả trưng cầu ý dân là ở lại với Vương quốc Anh thì rất có thể Scotland sẽ cần phải hàn gắn lại rạn nứt trong xã hội gây ra do các cuộc tranh cãi độc lập hay không độc lập.
Nếu đa số cử tri Scotland nói không, liệu khu vực này sẽ có một cuộc trưng cầu ý dân khác? Theo thỏa thuận Edinburg, cuộc trưng cầu ý dân về độc lập phải được tổ chức trong năm 2014, sau thời gian này, hiện không có một cuộc trưng cầu nào khác được sắp xếp. Chính vì thế, chính quyền Scotland coi đây là cơ hội cả thế hệ mới có một lần.
Thùy Dương