Siêu cường Mỹ đã lên đến đỉnh?-Kỳ 1

Elbridge Colby, học giả tại Trung tâm An ninh Mới của Mỹ và Paul Lettow, nhà hoạch định chiến lược hàng đầu tại Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ giai đoạn 2007 - 2009 đã bình luận trên trang mạng Foreign Policy rằng, vai trò thống trị thế giới của Mỹ đang bị đe dọa nghiêm trọng. Ở cấp độ cơ bản, những người dân Mỹ đã cảm nhận được điều đó. Một số cuộc điều tra dư luận cho thấy rằng hơn lúc nào hết, khoảng 60%, người Mỹ tin rằng sức mạnh Mỹ đang suy giảm.

Siêu cường muốn "về hưu
"

Nói cách khác, nhiều người Mỹ đang lo lắng về việc nước này đang mất đi tầm ảnh hưởng của mình hiện nay còn hơn cả khi phải đối mặt với nỗi sợ về ưu thế công nghệ của Liên Xô trong giai đoạn cuối những năm 1950, sa lầy trong chiến tranh tại Việt Nam những năm 1960, cấm vận dầu mỏ năm 1973, sự trỗi dậy của Liên Xô xung quanh cuộc chiến ở Afghanistan năm 1979, và những mối quan ngại về khủng hoảng kinh tế những năm 1980.

Tổng thống Mỹ Obama. Ảnh: B.I


Nhiều nhà phân tích đã quy những lo lắng gần đây của người dân Mỹ cho dư chấn của việc Washington tiến hành 2 cuộc chiến tranh kéo dài ở Iraq và Afghanistan. Nhưng những cuộc điều tra dư luận đã phản ánh thực tế sâu sắc hơn và thuyết phục hơn: Một sự bất an ngày càng tăng xuất hiện trong tâm trí nhiều người dân Mỹ được tạo ra là do sự thay đổi trên thế giới và vị thế cạnh tranh của Mỹ, họ cảm thấy những điều đó còn xác thực hơn là việc tham gia vào những cuộc tranh luận vô bổ về chính sách ở Washington. Những người này không trải nghiệm thế giới qua lăng kính đối đầu giữa các cường quốc hoặc sự lãnh đạo của Mỹ ở nước ngoài, mà thông qua một thị trường lao động ngày càng tăng tính cạnh tranh trên toàn cầu, sự đình trệ trong tăng trưởng thu nhập ở tầng lớp trung lưu, và những lo lắng sâu sắc về tương lai của con em họ. Một cuộc điều tra dư luận gần đây của CNN cho thấy ½ số người Mỹ được hỏi tin rằng cuộc sống của con cái họ sẽ tồi tệ hơn cuộc sống của họ về triển vọng tăng trưởng và các cơ hội.

Sự lo lắng này là một thực tế và có thể hiểu được, và nó nằm sau sự ủng hộ của công luận cho việc Mỹ rút khỏi thế giới (về hưu), và cho sự cắt giảm. Tuy nhiên, sự lãnh đạo và cam kết của Mỹ vẫn rất cần thiết. Mỹ không thể “trốn” khỏi thế giới, hơn nữa Mỹ phải cạnh tranh. Và nếu cạnh tranh tốt, Mỹ có thể phục hồi không chỉ sức mạnh của nền kinh tế, mà còn là sức mạnh Mỹ trong dài hạn. Sự đàn hồi này sẽ giúp Mỹ quyết định vận mệnh của mình và lãnh đạo thế giới theo cách mang lại những lợi ích cho nước Mỹ.

Thật không may, chính sách đối ngoại Mỹ đã đánh giá một cách cứng nhắc, thái quá những gì trên thực tế chính sách này có để hồi phục lại sức mạnh và khả năng cạnh tranh của mình. Các nhà hoạch định chính trị và các chuyên gia đã không có cái nhìn sâu sắc vào những dữ liệu và mục tiêu để phân tích những thay đổi cơ bản trên toàn cầu và tác động của chúng tới vị thế cạnh tranh của nước Mỹ.

Nhiều chuyên gia về chính sách đối ngoại tại Washington có vẻ tin rằng duy trì sức mạnh Mỹ là việc sẽ phải làm. Thậm chí ngay cả Tổng thống Obama, người được cho là làm suy giảm sức mạnh tương lai của Mỹ, gần đây cũng khẳng định rằng nước Mỹ “hầu như mạnh hơn phần còn lại của thế giới”. Ông Obama khẳng định vấn đề ở đây không phải là nước Mỹ có lãnh đạo thế giới hay không mà là sẽ lãnh đạo như thế nào?

Nhưng ý chí sẽ trở nên vô nghĩa khi không có sức mạnh. Nếu Mỹ muốn hệ thống quốc tế tiếp tục mang lại những giá trị và lợi ích cho nước Mỹ, ví dụ một hệ thống mà trong đó những giá trị chung được bảo vệ, thương mại được mở rộng và xung đột vũ trang giữa các cường quốc được loại trừ, Mỹ cần không chỉ quyết tâm mà còn phải có sức mạnh tương đối. Mặc dù vậy, Mỹ cần thừa nhận một sự thật không mấy dễ chịu rằng sự thịnh vượng và sức mạnh toàn cầu đang thay đổi với nhịp độ chưa từng có. Hơn nữa, nhiều thách thức mà Mỹ đang phải đối mặt ngày càng trầm trọng hơn do tính dễ bị tổn thương mà phần lớn do chính sách tài chính tạo ra. Phải thừa nhận rằng, những tổn thương đó đang làm giảm đi sự tự do của Mỹ trong hành động và khả năng tạo ảnh hưởng tới các quốc gia khác.

Duy trì vị thế quốc tế của Mỹ sẽ đòi hỏi Washington phải khôi phục lại sức sống của nền kinh tế và đưa ra những chính sách mà sẽ sinh lợi trong nhiều thập kỷ sắp tới. Mỹ phải có những ưu tiên và hành động. Rất may, Mỹ vẫn có khả năng lớn để quyết định cho tương lai của mình hơn bất kỳ một cường quốc nào khác, một phần là vì nhiều vấn đề vẫn nằm trong khả năng giải quyết của họ. Nhưng quá trình phục hồi này phải bắt đầu từ việc phân tích vị thế cạnh tranh của Mỹ và hiểu rõ mức độ nghiêm trọng của tình thế mà Washington phải đối mặt.

"Cuộc khủng hoảng năng suất"


Lần đầu tiên trong vòng 200 năm, hầu hết sự tăng trưởng đều thuộc về các quốc gia đang phát triển, và tốc độ thì đang thay đổi một cách khó có thể đo được. Nếu như năm 1990, chỉ có khoảng 14% tổng lượng hàng hóa, dịch vụ và tài chính do các nước mới nổi tạo ra thì con số này hiện nay đã đạt gần 40%. Năm 2000, GDP của Trung Quốc chỉ bằng 1/10 của Mỹ; thì chỉ 14 năm sau hai nền kinh tế đã ngang bằng nhau (tính theo ngang giá sức mua).

Sự thay đổi này, trong một số trường hợp, đã sắp xếp lại trật tự vốn không bình thường của lịch sử: Sự thống trị của bên kia bờ Đại Tây Dương trong suốt 150 năm qua. Ngày nay trung tâm kinh tế của thế giới đã quay trở lại châu Á, và sự dịch chuyển đó xảy ra với một tốc độ chóng mặt.

Khi trung tâm quyền lực dịch chuyển, Mỹ xoay trục về châu Á.


Xu hướng này vẫn sẽ tiếp tục cho dù những quốc gia mới nổi gặp phải một số vấn đề trong phát triển, như tham nhũng tại Ấn Độ và những thách thức về dân số và những “méo mó” trong hệ thống ngân hàng tại Trung Quốc. Theo công ty quản lý tài sản BlackRock và Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD), tiêu thụ ở những thị trường mới nổi đã vượt qua Mỹ, và chi tiêu của các quốc gia tầm trung ở Châu Á-Thái Bình Dương sẽ vượt các nước tầm trung ở Bắc Mỹ khoảng 6 lần vào năm 2030.

Sự thịnh vượng của Mỹ xét về bản chất thì vẫn không thụt lùi và tiếp tục có lợi từ quá trình toàn cầu hóa kinh tế, nhưng Mỹ và những đồng minh của mình đang mất dần đi sức mạnh so với những đối thủ tiềm năng. Thực tế, nền kinh tế Mỹ đã phát triển một cách chậm chạp trong những thập kỷ vừa qua. Tình trạng ì ạch trong sản xuất, giảm khoảng 0,5% mỗi năm, đóng một vai trò rất lớn trong sự suy giảm kinh tế của Mỹ, điều này được tờ Financial Time liên tưởng tới một “cuộc khủng hoảng về năng suất”. Ngoài ra, một loạt các nhân tố khác cũng phải chịu trách nhiệm cho vấn đề này, bao gồm sự suy giảm kỹ năng của lực lượng lao động Mỹ và hạn chế những nguồn lực cho nghiên cứu và phát triển.

Nhìn tổng thể, nền kinh tế Mỹ đã trở nên kém cạnh tranh hơn. Viện nghiên cứu toàn cầu McKinsey đã tiến hành nghiên cứu sự hấp dẫn của Mỹ trên nhiều chỉ số thống kê, như chi tiêu quốc gia dành cho nghiên cứu, phát triển và đầu tư trực tiếp nước ngoài tính trên GDP. Kết quả cho thấy sự hấp dẫn trong kinh doanh của Mỹ liên quan tới khả năng cạnh tranh đã tụt từ hạng 14 xuống 20 kể từ năm 2000 tới năm 2010 và không hề có dấu hiệu cải thiện. Và theo Bảng tổng kết kinh doanh của Harvard, thị phần xuất khẩu toàn cầu của Mỹ đã giảm trên toàn thế giới trong giai đoạn 1999 - 2009.


Công Thuận (Theo F.P)

Còn tiếp

Siêu cường Mỹ đã lên tới đỉnh?-Kỳ cuối
Siêu cường Mỹ đã lên tới đỉnh?-Kỳ cuối

Chìa khóa để ngăn chặn sự suy giảm-và có thể mở ra thời kỳ phục hưng của sức mạnh Mỹ-không chỉ đơn giản ở việc giải quyết các vấn đề thuộc về tài chính, năng suất của nền kinh tế và chi tiêu quân sự, mà cả trong những lợi thế cạnh tranh của Mỹ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN