Tại thời điểm này, lực lượng của Tổng thống Syria Assad đang chiếm ưu thế và áp đảo lực lượng nổi dậy. Tuy nhiên, họ vẫn chưa thể giành quyền kiểm soát hoàn toàn trên cả nước. Dù phiến quân tại nhiều khu vực đã bị tấn công và tiêu diệt, nhưng trong bức tranh tổng thể, cuộc xung đột ở Syria vẫn chìm trong bế tắc. Như một nhà phân tích từng nói: “Họ (quân chính phủ và lực lượng nổi dậy) trông giống như hai võ sĩ mệt mỏi đang chiến đấu đến hơi thở cuối cùng để phân thắng bại”.Một phiến quân bị quân đội Syria bắt sống. |
Chiến trường ác liệt và trọng tâm nhất hiện nay ở Syria là cả hai bên đều tìm cách kiểm soát tuyến đường cao tốc nối thủ đô Damascus với Homs, sau đó kéo dài đến các thành phố phía bắc và khu trung tâm Alawite, vùng ven biển của nước này. Con đường trên mới đây đã bị chia cắt bởi quân nổi dậy trong gần ba tuần. Ngay lập tức, lực lượng chính phủ đã tấn công giành quyền kiểm soát lại tuyến đường huyết mạch này vì nó có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc cung cấp nhiên liệu cho thủ đô Damascus.
Hiện quân đội Syria đang khó khăn trong việc đánh bật quân nổi dậy tại thị trấn Nabak, nằm giữa Damascus và Homs, các cuộc đụng độ ác liệt vẫn diễn ra hàng ngày tại đây. Ngay cả khi quân đội Syria giành quyền kiểm soát thị trấn này, thì họ cũng không thể bảo đảm an toàn tuyệt đối, vì tuyến đường vẫn bị gián đoạn bởi các cuộc tấn công kiểu du kích của quân nổi dậy.
Lực lượng quân chính phủ cũng đã giành được những thắng lợi nhất định xung quanh khu vực phía bắc của Aleppo, và có thể sử dụng những khu vực này làm bàn đạp để tấn công sâu hơn vào các sào huyệt của phiến quân nếu họ tổ chức được các nguồn lực cả về lực lượng lẫn hậu cần, vũ khí, trang bị.
Nhưng tại một số khu vực khác, quân đội Syria cũng gặp không ít khó khăn, chẳng hạn như quanh thành phố Deraa, phía nam nước này, nơi họ vẫn chưa thể cắt được nguồn cung cho lực lượng nổi dậy. Ngoài ra, dù tấn công và bao vây quân nổi dậy trong nhiều tháng, trong đó có sử dụng cả lực lượng không quân và bộ binh phối hợp nhưng quân đội Syria vẫn không thể đẩy lui hoàn toàn quân nổi dậy ra khỏi ngoại ô Damascus, nơi mà lực nổi dậy đã cố thủ hơn 1 năm qua.
Rõ ràng, quân đội Syria có ưu thế hơn hẳn phe nổi dậy trong việc thực hiện một chiến lực quân sự tập trung cũng như có nguồn lực tốt hơn với lực lượng không quân, pháo binh, tên lửa không đối đất và đất đối đất hiện đại, nhưng họ vẫn đang phải đối mặt với một thách thức lớn đó là vấn đề nhân lực. Quân đội Syria không đủ binh sỹ để đóng quân và giữ những vị trí mà họ đã giành lại được. Hiện quân đội chính phủ đã giảm thiểu khó khăn trên bằng việc xây dựng một lực lượng dân quân “quốc phòng quốc gia” với sự giúp đỡ của Iran. Tuy nhiên điều này cũng dẫn đến sự phụ thuộc vào các chiến binh Hezbollah và lực lượng dân quân khác do Iran hậu thuẫn.
Về phía lực lượng nổi dậy, với tình trạng lộn xộn như hiện nay, không có gì đáng ngạc nhiên khi quân chính phủ tin rằng họ đang trên đường tới chiến thắng.
Hy vọng của phương Tây nhằm xây dựng lực lượng nổi dậy, thống nhất, biết nghe lời, loại bỏ những phần tử Hồi giáo cực đoan đã không thể thành hiện thực. Sự phát triển của các nhóm Hồi giáo cực đoan tại Syria hiện nay khiến cho lực lượng Quân đội Syria Tự do (FSA) do phương Tây hậu thuẫn ngày càng suy yếu. Hơn nữa, sự trục lợi và đấu đá lẫn nhau cũng đã làm giảm đáng kể sức mạnh của phe đối lập.
Trong một diễn biến mới nhất, những tay súng thuộc Mặt trận liên minh Hồi giáo mới được thành lập gần đây đã “làm nhục” FSA bằng cách đánh chiếm khu vực và kho vũ khí của lực lượng này tại Bab al-Hawa, giáp biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ.
Bên cạnh đó, FSA cũng thường xuyên phải đụng độ với các nhóm phiến quân khác như Nhà nước Hồi giáo Iraq có liên hệ với tổ chức khủng bố al-Qaeda và vùng Cận Đông và đã buộc phải nhường lại quyền kiểm soát tại nhiều khu vực cho các nhóm phiến quân trên, đặc biệt là khu vực ở phía bắc và phía đông Syria. Ngoài ra, FSA và các nhóm phiến quân khác cũng phải đối đầu với lực lượng dân quân người Kurd, lực lượng mà gần đây cũng đã kiểm soát đáng kể khu vực dọc biên giới phía bắc Thổ Nhĩ Kỳ.
Tất cả những điều trên đang làm “xói mòn” và chia rẽ sâu sắc giữa các nhóm nổi dậy tại Syria trong nỗ lực chống lại chính phủ và nó cũng là một thảm họa lớn về mặt chính trị đối với phương Tây cũng như các thế lực ủng hộ lực lượng nổi dậy trên bàn đàm phán tại Hội nghị quốc tế về Syria, hay còn được gọi Hội nghị Geneva 2, dự kiến diễn ra vào ngày 22/1/2014 ở Thụy Sĩ.
Vũ Thanh