Sóng gió trước cuộc gặp song phương Mỹ - Trung

Trước khi lãnh đạo của hai nền kinh tế lớn nhất thế giới có cuộc gặp song phương tại hội nghị APEC, sóng gió là từ được dùng để mô tả mối quan hệ giữa hai quốc gia này. Nhiều kỳ vọng được đặt ra, song chỉ dừng lại ở mức độ "khiêm tốn". 

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (phải) gặp Tổng thống Mỹ Barack Obama bên lề APEC. Ảnh: AFP/ TTXVN


Sóng nối gió

Hơn một năm rưỡi trước, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã có cuộc gặp với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Sunnylands, California (Mỹ). Vào thời điểm đó, các chuyên gia đã ca ngợi cuộc gặp không có chủ đích này là “một làn gió mới” với cả hai quốc gia đang có mong muốn hợp tác để xây dựng một “mô hình quan hệ nước lớn kiểu mới”.

Hơn một năm rưỡi sau đó, khi hai nhà lãnh đạo của hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đang chuẩn bị cho cuộc gặp song phương thứ hai diễn ra vào ngày 12/11 giữa thời điểm Tổng thống Mỹ đang tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á – Thái Bình Dương tại Bắc Kinh (Trung Quốc), tầm nhìn đó vẫn đang còn quá mờ mịt, và nguyên nhân không chỉ bởi vì tình trạng ô nhiễm không khí báo động của thành phố này.

Những bất đồng về các vấn đề an ninh mạng, thương mại khu vực và cách giải quyết các tranh chấp lãnh thổ bạo lực của Trung Quốc với các đồng minh của Mỹ ở châu Á Thái Bình Dương đã giăng mây đen lên quan hệ song phương này. Theo Graham Webster, nghiên cứu sinh năm cuối tại Trung tâm Trung Quốc của trường Đại học luật Yale, sau cuộc gặp ở Sunnylands, “có một sự lạc quan rằng Mỹ và Trung Quốc đang ở trên một con đường mới.. mà cả hai sẽ tạo ra một cú bứt phá trực tiếp”.

Nhưng “sự lạc quan đó đã rơi rụng dần đi”. Tầm nhìn về một mối quan hệ kiểu mới đã vấp phải nhiều vấn đề ngay trước khi chuyến máy bay của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đưa ông rời California.

Những tiết lộ động trời của cựu nhà thầu của Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA) Edward Snowden về hành vi do thám của nước này đã làm dấy lên những lời cáo buộc trong hàng tháng trời giữa Mỹ và Trung Quốc. Sự cáo buộc lẫn nhau này lên đến đỉnh điểm với việc hồi tháng 5, Mỹ quyết định chính thức lập hồ sơ truy tố 5 sĩ quan quân đội Trung Quốc vì hành vi xâm nhập máy tính các tập đoàn của Mỹ.

Edward Snowden (ảnh, phải) trả lời phỏng vấn của hãng tin NBC tại Anh ngày 28/5. Ảnh: AFP-TTXVN


Trong khi đó, tháng 11/2013, Trung Quốc đơn phương tuyên bố một vùng nhận dạng phòng không, khiến nhiều nước phản đối. Động thái bất ngờ này xuất hiện vài ngày trước khi Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden đến Trung Quốc trong một sứ mệnh thúc đẩy các mối quan hệ kinh tế và đã tạo ra một chuỗi những diễn biến căng thẳng giữa các lực lượng của Mỹ và Trung Quốc.

Chưa dừng lại ở đó, Bắc Kinh và Washington cũng vấp phải nhiều khó khăn trong các vấn đề kinh tế. Trong mùa hè năm nay, Mỹ đã vận động hành lang “bạn bè” cũng như các đồng minh tẩy chay Ngân hàng Đầu tư và Hạ tầng châu Á của Trung Quốc, thể chế được xem là một đối thủ cạnh tranh với các thể chế tồn tại sẵn có của phương Tây như Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).

Douglas Paal, Phó Chủ tịch Viện Nghiên cứu hòa bình quốc tế Carnegie Endowment Mỹ nói: “Có một sự xa cách kể từ Hội nghị Thượng đỉnh Sunnylands… Hết việc này đến việc khác dẫn đến những tuyên bố công khai gay gắt giữa hai phía”.

Phía trước vẫn là bầu trời

Bất chấp một bầu không khí u ám, hai nhà lãnh đạo vẫn có những lí do thuyết phục để tìm kiếm sự hợp tác trong những lợi ích chung, từ biến đổi khí hậu cho đến một hiệp định đầu tư song phương đã được đưa ra từ lâu. Đến Bắc Kinh sau thất bại của Đảng Dân chủ ở Mỹ sau cuộc bỏ phiếu bầu cử quốc hội giữa nhiệm kỳ, có vẻ như Tổng thống Obama đang tìm kiếm một chiến thắng ở Trung Quốc để cải tạo di sản của mình.

Với Chủ tịch Tập Cận Bình, hai năm cuối của chính quyền Obama có thể tạo ra cơ hội tốt nhất để bảo đảm một số thành tựu trước khi một chính phủ mới của Mỹ xuất hiện và có thể sẽ không sẵn sàng làm việc với Trung Quốc. Theo Webster, Trung Quốc “ý thức rõ về việc một tổng thống khác” sẽ thay thế ông Obama. Họ sẽ chớp lấy cơ hội để tạo ra bước tiến với vị tổng thống này và nghĩ về việc phải làm gì khi một đời tổng thống khác đặt chân vào Nhà Trắng.

Các cuộc hội đàm giữa hai nhà lãnh đạo, mở đầu bằng bữa tối thân mật tối 11/10 và diễn ra trong ngày 12/11, là một cơ hội cho cả hai ông điều chỉnh một mối quan hệ đang ngày càng được định hình bởi mối “ngờ vực chung”. Webster nói: “Đây là cơ hội cuối cùng cho tinh thần của Sunnylands”.

Phát biểu trước các nhà lãnh đạo kinh tế khuc vực ở bắc Kinh, với gương mặt tích cực, ông Obama nói: “Mỹ chào đón sự trỗi dậy thịnh vượng, hòa bình và ổn định của Trung Quốc”. Tuy nhiên, theo nhận định của các chuyên gia, ngay cả trong kịch bản tốt nhất, những mục tiêu có thể đạt được sẽ dừng lại ở mức độ “khiêm tốn”.


Anh Tiếu (Theo (Kyodo)
                                                                                                                                                                                                                                                 


Con đường 'ngoằn nghèo' dẫn đến cuộc gặp cấp cao Nhật-Trung
Con đường 'ngoằn nghèo' dẫn đến cuộc gặp cấp cao Nhật-Trung

Sau 3 năm gián đoạn, đối thoại cấp cao Nhật-Trung cũng được nối lại bên lề Hội nghị thượng đỉnh APEC tại Bắc Kinh, Trung Quốc. Thủ tướng Abe cho biết những nỗ lực vận động và thu xếp cho cuộc gặp đã được thực hiện một cách âm thầm.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN