Bệnh nhân số 1 của cuộc khủng hoảng kinh tế Châu Âu đã khỏi bệnh. 6 năm sau khi cuộc suy thoái nặng nề nhất trong lịch sử Hy Lạp nhấn chìm đất nước này, họ đã trở lại với tăng trưởng GDP dương trong Quý III-2014, với tỉ lệ 1,7%.
Người dân Hy Lạp vẫn tiếp tục chán nản trước những tín hiệu lạc quan về nền kinh tế nước nhà.
|
Đối với nhiều người Hy Lạp, những năm tháng qua là khủng khiếp. Các chính sách thắt lưng buộc bụng mạnh mẽ mà EU, Ngân hàng trung ương Châu Âu và IMF áp dụng cho đất nước này đã quét khỏi danh sách 1/4 số người giàu nhất đất nước và đẩy tỉ lệ thất nghiệp lên con số kỉ lục 29,5%. Nay, gió đã đổi chiều. Các con số thống kê cho thấy, sau một thời gian dài suy thoái không cưỡng được, tăng trưởng GDP trong tháng 7 và 8/2014 của Hy Lạp thuộc loại cao nhất trong khối EU, khiến cho cơ quan thống kê của EU, Eurostat, dự tính một cách lạc quan rằng, nếu Hy Lạp tiếp tục tiến bộ, tăng trưởng GDP của họ sẽ đạt 3,7% vào năm 2016. Công thức "chữa bệnh" - 240 tỉ euro cho vay cộng thêm rất nhiều nước mắt và máu, theo đúng nghĩa đen của những từ này - cuối cùng cũng đã có hiệu quả, bằng chứng là trong năm qua, nền kinh tế đã tạo được thêm 120 nghìn việc làm.
Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều việc phải làm. Nikitas Kanazakis, Chủ tịch Doctors of the World, tổ chức y tế phi lợi nhuận lớn nhất Hy Lạp, nói trên nhật báo “La Repubblica” của Italy, rằng, "Đất nước Hy Lạp đã được cứu vớt, giờ là lúc cần phải cứu người dân Hy Lạp". Trong những năm khủng hoảng, thu nhập của người Hy Lạp đã giảm 30%, trong khi theo tổ chức UNICEF, có tới 40% trẻ em nước này sống dưới mức nghèo khổ.
Theo Xania Papastravou, một thành viên của Boroume, tổ chức từ thiện cung cấp 3 nghìn xuất ăn mỗi ngày cho người nghèo, thì "đến lúc này, cần phải xem những hậu quả thực sự của suy thoái ra sao", khi "người dân Hy Lạp đã và đang tiêu những đồng tiết kiệm cuối cùng. Tổ chức của Xania ngày càng nhận được những yêu cầu giúp đỡ từ các nhà trẻ, bệnh viện và nhà thờ. Heleni, một người phụ trách phát khẩu phần ăn cho người nghèo ở quận Zoografo của thủ đô Athens nói: "Hai năm trước, chỉ có chừng 80 người đến xin ăn mỗi ngày. Bây giờ, có 480 người xếp hàng ở đây. Đối với tôi, khủng hoảng chỉ thực sự hết khi không còn có ai xếp hàng xin ăn tại chỗ tôi nữa".
Bất chấp những tín hiệu lạc quan, người dân và bản thân chính phủ Hy Lạp đã thể hiện rõ sự mệt mỏi. Để lựa chọn được một Tổng thống, thì số phiếu cần và đủ cho việc này ở quốc hội là 180 phiếu trên 300 nghị sĩ. Chính phủ liên hiệp của đảng Nea Demokratika và Pasok chỉ chiếm được sự ủng hộ của 153 nghị sĩ trong Quốc hội. Chính vì thế, rất khó có thể tìm ra được một cái tên nào đó nhằm đạt hoặc vượt mốc quy định. Hiến pháp Hy Lạp rất rõ ràng: trong trường hợp ấy, sẽ tiến hành bầu cử. Và những cuộc thăm dò dư luận cho thấy, đảng cánh tả cực đoan của Alexis Tsipras đang dẫn đầu sự ủng hộ của cử tri với số phiếu dao động từ 29% đến 35%.
Chính vì thế, Hy Lạp đang sống trong không khí tiền bầu cử. Người dân đã quá chán nản với những hy sinh mà họ phải chịu đựng. Thế nhưng EU, Ngân hàng trung ương Châu Âu cũng như IMF vẫn tiếp tục thúc đẩy các yêu sách của họ để Hy Lạp chứng tỏ rằng họ xứng đáng với các khoản vay. Họ yêu cầu chính phủ Hy Lạp phải thực hiện thêm 19 cải cách, trong đó có việc cắt giảm 2,6 tỉ euro ngân sách thì mới giải ngân các khoản vay tiếp theo. Thủ tướng Samaras đã thử "chơi phản công", tiến hành một số cải cách trước, trong khi vẫn để mắt đến cử tri, để không tạo thêm cơ hội cho đảng Syriza. Tuy nhiên, đấy không phải là một chiến lược hay, bởi thị trường, từ lâu đã là khán giả im lặng của bi kịch Hy Lạp, đã lên tiếng, khi thuế buộc phải tăng lên. Điều đó khiến Samaras phải rút lại hành động của mình. Tsipras, thủ lĩnh của phe cánh tả cực đoan, đã chớp cơ hội ấy để tuyên bố rằng, nếu đảng của ông chiến thắng, ông hứa sẽ khôi phục tháng lương thứ 13 cho người lao động, tăng mức lương tối thiểu và cho các gia đình nghèo dùng điện miễn phí. Ông cũng tuyên bố sẽ đến gặp các nhà tài phiệt và công nghiệp để thảo luận về một cuộc chuyển giao "mềm" cho nền kinh tế.
Đấy không phải là một con đường dễ dàng, bởi nếu có thắng cử, thì đảng của Tsipras cũng không thể điều hành chính phủ một mình mà phải đạt được thỏa thuận với nhiều đảng khác nữa, trong một Quốc hội có lẽ sẽ lỏng lẻo và thiếu ổn định hơn Quốc hội hiện tại. Một sự bất ổn chính trị đã ở trước mắt. GDP đã tăng trở lại, nhưng còn quá sớm để nói rằng bệnh nhân nặng nhất của châu Âu đã qua cơn nguy kịch.
TTK