Sự khác biệt giữa tên lửa vũ khí và tên lửa vệ tinh

Việc CHDCND Triều Tiên phóng thành công tên lửa mang vệ tinh lên vũ trụ đã gây ra nhiều phản ứng trên thế giới. Mỹ và nhiều nước cho rằng đây là việc thử trá hình tên lửa liên lục địa có thể mang theo đầu đạn hạt nhân. Vậy sự khác biệt giữa tên lửa mang vệ tinh vào vũ trụ và tên lửa mang đầu đạn hạt nhân là gì?


Tên lửa Unha-3 trên bệ phóng ở Trung tâm vũ trụ Tongchang-ri (CHDCND Triều Tiên) ngày 8/4/2012. Ảnh: AFP/TTXVN


Thực ra, tên lửa chỉ là phương tiện chuyên chở đầu đạn hạt nhân tới mục tiêu hoặc chuyên chở vệ tinh lên quỹ đạo. Nhưng trên thực tế có sự khác biệt giữa hai loại tên lửa này về mặt kỹ thuật, về nhiên liệu và trước hết về mặt an toàn.


Ông Hans-Peter Roeser, Viện trưởng Viện hệ thống vũ trụ trường Đại học Stuttgart và ông Robert Schmucker, giảng viên Kỹ thuật vũ trụ trường Đại học Kỹ thuật Munich, hai chuyên gia trong lĩnh vực này giải thích về sự khác biệt giữa hai loại tên lửa trên như sau:


Ông Roeser cho rằng về nguyên tắc chẳng có gì khác biệt, vì tên lửa chỉ là phương tiện chuyên chở. Ông Schmucker cũng có cùng nhận định, nhưng lưu ý rằng yêu cầu đối với hai loại tên lửa này khác nhau: Tên lửa mang vệ tinh phải có tốc độ cao hơn tên lửa mang đầu đạn. Ngoài ra, các loại tên lửa này khác nhau ở tầm xa cần thiết và trọng lượng của đồ vật mà nó có thể chuyên chở.


Hai chuyên gia cho rằng hai loại tên lửa này còn khác nhau ở mức độ an toàn. Loại tên lửa vũ khí phải hết sức an toàn, vì nếu một tên lửa mang vệ tinh bị trục trặc thì tuy có tồi tệ, nhưng không nguy hiểm tới tính mạng con người, nhưng tên lửa mang đầu đạn hạt nhân thì ngược lại. Ngoài ra, tên lửa mang vũ khí thường phải được triển khai nhanh hơn, nên thường dùng nhiên liệu rắn.


Vậy sự khác biệt giữa nhiên liệu lỏng và nhiên liệu rắn là gì? Nhiên liệu rắn có thể được tàng trữ lâu hơn, nên tên lửa đã được chuẩn bị trước có thể nhanh chóng được triển khai. Việc nạp nhiên liệu lỏng lâu hơn, vì vậy các tên lửa tầm xa hiện đại thường dùng nhiên liệu rắn, trong khi tên lửa mang vệ tinh thông thường không cần nhanh chóng đưa vào sử dụng.


Nhưng liệu có thể sử dụng tên lửa mang vệ tinh để vận chuyển đầu đạn hạt nhân được không? Theo ông Schmucker, việc này khó nhưng cũng không thể loại trừ. Ông Schmucker nhận xét: "Nếu một tên lửa mang vệ tinh được thiết kế ba tầng thì khó mà chuyển thành tên lửa mang vũ khí. Tên lửa liên lục địa sử dụng nhiên liệu lỏng thông thường được thiết kế hai tầng. Chúng tôi chỉ biết tới tên lửa vũ khí được cải tạo thành tên lửa chuyên chở vệ tinh".



Văn Long (Berlin)

Nghi ngờ vị trí phóng tên lửa của Triều Tiên
Nghi ngờ vị trí phóng tên lửa của Triều Tiên

Truyền thông Nhật Bản ngày 12/12 nghi ngờ CHDCND Triều Tiên đã phóng tên lửa mang vệ tinh từ một vị trí khác.

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN