Sự thù địch giữa Qatar và Saudi Arabia đang làm dấy lên những bất đồng trong phe đối lập Syria. Đây chính là nhân tố đe dọa ngăn cản một phái đoàn thống nhất của phe đối lập tham dự hội nghị hòa bình quốc tế vào tuần tới.
Theo các nguồn tin trong Liên minh Dân tộc Syria và các nhà ngoại giao của các cường quốc hậu thuẫn phe đối lập, hiện vẫn chưa rõ sự chia rẽ này có thể được dẹp bỏ vào ngày 17/1 - thời điểm Liên minh gồm 120 thành viên này sẽ bỏ phiếu về việc tham dự hội nghị Geneva 2 ở Thụy Sĩ - hay không. Tuy nhiên, một số người dự đoán rằng Qatar - vốn gia tăng được ảnh hưởng ngoại giao khi nhanh chóng hậu thuẫn các cuộc nổi dậy mùa xuân Arập - cuối cùng sẽ không mạo hiểm chọc giận Saudi Arabia, Thổ Nhĩ Kỳ và các nước phương Tây với việc yêu cầu các đồng minh của Doha trong Liên minh này tẩy chay hội nghị đang được các cường quốc khác ủng hộ.
Cuộc nội chiến tại Syria đã làm hơn 100.000 người thiệt mạng và khiến hàng triệu người mất nhà ở. Ảnh: AFP/TTXVN |
Đầu tháng 1/2014, 44 thành viên của Liên minh - phần lớn có liên hệ với Qatar - đã rời khỏi một hội nghị của Liên minh để nhấn mạnh sự phản đối của họ về việc tham dự hội nghị Geneva 2 khi chưa có đảm bảo chắc chắn rằng các yêu cầu chính của Liên minh sẽ được đáp ứng. Họ cũng vô cùng tức giận với việc ông Ahmad Jarba, một nhân vật bộ lạc Syria được Saudi Arabia hậu thuẫn, được tái bầu chọn làm thủ lĩnh của Liên minh.
Rất ít thành viên trong Liên minh Dân tộc Syria - tổ chức quy tụ rất nhiều các thủ lĩnh chính trị lưu vong - tỏ ra hào hứng về hội nghị Geneva 2. Hội nghị này được đứng ra tổ chức bởi các cường quốc thế giới, những nước mong muốn nhanh chóng chấm dứt cuộc xung đột gây bất ổn khu vực Trung Đông trong ba năm qua. Các thành viên của Liên minh tự nhận thấy có rất ít triển vọng phái đoàn của Tổng thống Syria Bashar al - Assad sẽ nhượng bộ và chấp nhận yêu cầu của họ về việc thành lập một chính quyền chuyển tiếp mà không có sự tham gia của ông Assad. Vì thế, họ lo sợ rằng việc tham dự hội nghị có thể sẽ làm giảm “uy” của Liên minh trong phe đối lập Syria - vốn đang bị các tay súng nổi dậy chi phối. Tuy nhiên, việc Liên minh này không tham dự hội nghị ngày 22/1 tới sẽ làm thất vọng hầu hết các nước hậu thuẫn phe đối lập. Các nước này có thể sẽ cắt giảm viện trợ cho Liên minh.
Tại Syria, Qatar đã có ảnh hưởng lớn với việc nhanh chóng hậu thuẫn phe nổi dậy và một năm sau, giúp đỡ thành lập Liên minh Dân tộc Syria nhằm mục đích tạo ra một lực lượng đáng tin cậy để thay thế ông Assad. Việc Liên minh mở rộng lên tới 120 thành viên đã làm giảm quyền kiểm soát của Qatar và trao quyền lãnh đạo Liên minh cho thủ lĩnh Jarba được Saudi Arabia hậu thuẫn. Tuy nhiên, trên chiến trường, Qatar vẫn có ảnh hưởng, thông qua các nhóm như al - Tawhid, một phần của Mặt trận Hồi giáo mới, hiện đang kiểm soát các khu vực rộng lớn và hợp tác với Mặt trận Nursa có liên hệ với al - Qaeda.
Một thành viên cấp cao trong phe đối lập Syria hiểu rõ về vụ xung đột nội bộ này cho rằng Qatar sẽ không dám chọc giận Saudi Arabia và phương Tây với việc không thể thuyết phục Liên minh cử một phái đoàn thống nhất tới dự cuộc họp Geneva 2. Ông này nói: "Qatar đã có được ảnh hưởng riêng với việc hậu thuẫn Mặt trận Hồi giáo và sử dụng lực lượng này như một công cụ gây áp lực lên liên minh. Tuy nhiên, sau khi cân nhắc kỹ, Qatar sẽ không dám chống lại Saudi Arabia và Mỹ. Các thành viên nằm dưới sự ảnh hưởng của Qatar trong Liên minh cần sự hỗ trợ về tài chính và chính trị của Qatar, và họ sẽ làm tất cả những gì Qatar yêu cầu".
Các nhà ngoại giao phương Tây vẫn hối thúc Liên minh tham dự hội nghị Geneva 2 và nhấn mạnh đến việc thiếu vắng các giải pháp thay thế cho sáng kiến quốc tế này nhằm chấm dứt cuộc xung đột kéo dài ba năm làm hơn 100.000 người chết.
TTK