"Sức mạnh mềm" của Mỹ ở Xyri

Tân Ngoại trưởng Mỹ John Kerry mới đây đã khẳng định Mỹ sẽ gia tăng ủng hộ phe đối lập ở Xyri chống lại Tổng thống Bashar al - Assad. Theo ông Thomas Snegaroff, Giám đốc nghiên cứu thuộc Viện Quan hệ Quốc tế và Chiến lược Pháp (Iris), chuyên gia nghiên cứu về Mỹ, sự khẳng định này của Nhà Trắng có thể vẽ nên một bối cảnh địa chính trị mới ở Trung Đông và đó cũng là biểu tượng cho "sức mạnh mềm" mà Mỹ đang theo đuổi trong việc triển khai chính sách đối ngoại.


 

Đoàn ngoại giao và viện trợ Mỹ tới thăm trại lánh nạn của người Xyri ngày 24/1/2013.

 

Ông Thomas Snegaroff nhận định tuyên bố của Ngoại trưởng Kerry không hề phóng đại, bởi hai lý do. Trước hết là vì Mỹ đã giúp đỡ phe đối lập Xyri từ lâu. Ngay từ đầu cuộc nội chiến, Mỹ đã rót 365 triệu USD cho phe đối lập nước này chống lại chính quyền của Tổng thống Bashar al - Assad. Lý do thứ hai là sự ủng hộ này không vì mục đích quân sự. Ngoại trưởng Mỹ John Kerry trong chuyến công du mới đây ở châu Âu đã không dự liệu việc trợ giúp vũ khí cho phe đối lập Xyri mà chỉ nhằm mục đích nhân đạo và hỗ trợ tổ chức.


Mục đích của phía Mỹ là muốn mang đến sự trợ giúp cho người dân Xyri, sau đó là giúp tổ chức lại phe đối lập. Như vậy, Nhà Trắng muốn tạo lập tính chính đáng cho Quân đội Xyri tự do (FSA), tổ chức đối lập chính thức. Hơn nữa, Oasinhtơn cũng hiểu rất rõ rằng trong cuộc xung đột này, Mỹ sẽ chỉ có lợi nếu như sử dụng các biện pháp mềm dẻo song an toàn. Giải pháp quân sự có thể sẽ trực tiếp dẫn tới bất ổn ở Xyri.


Với lời hứa hẹn viện trợ vừa qua, cả Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và Tổng thống Barack Obama đều hướng tới hai cái đích. Tổng thống Mỹ Obama vẫn trung thành với ý tưởng Mỹ không còn là một nước trong tình trạng chiến tranh và không có ý định thúc đẩy điều đó. Hơn thế, họ muốn tránh một phản ứng tiêu cực từ phía Nga, bởi Mỹ cũng tự nhủ rằng rất có thể Tổng thống Nga Putin sẽ tự quyết định gây sức ép với Bashar al - Assad.


Câu hỏi đặt ra là tại sao Mỹ lại tăng cường thúc đẩy chính sách "sức mạnh mềm" ở thời điểm hiện nay? Theo ông Snegaroff, Mỹ đang phải tìm cách rút chân khỏi Ápganixtan. Ngoài ra, năm 2012, năm bầu cử lập pháp và tổng thống, đã làm đóng băng mọi quyết định về chính sách đối ngoại của Mỹ. Hơn nữa, tình trạng rối ren, bất ổn sau cuộc chiến Libi, đã khiến chính quyền Mỹ thiếu tự tin. Bên cạnh đó, Oasinhtơn hẳn đã tính đến sự ủng hộ chế độ Xyri hiện tại của Trung Quốc và Nga, hai cường quốc mà Mỹ phải có cách xử sự khéo léo. Sau cùng, việc đầu tư ở Xyri chưa chắc đã đem lại kết quả gì và đòi hỏi Mỹ phải thận trọng.


Với tân Ngoại trưởng Mỹ Kerry, nền ngoại giao Mỹ phải đi bằng hai chân. Là một chính khách thân châu Âu, ông Kerry đã dành chuyến công du đầu tiên tới châu Âu - khu vực vốn đã phần nào bị xem nhẹ dưới thời bà Hillary Clinton. Trong khi cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton từng nhấn mạnh đến chính sách địa kinh tế, thì dường như ông Kerry khởi đầu nhiệm kỳ với những sáng kiến địa chiến lược. Vậy phải chăng một kỷ nguyên mới đang mở ra với nước Mỹ?


Ông Snegaroff cho rằng không có chuyện người Mỹ từ bỏ chính sách địa kinh tế, mà ngược lại, chuyến thăm tới châu Âu của ông Kerry cũng là nhằm thúc đẩy Hiệp định Thương mại Tự do Mỹ - Âu. Ngoài ý nghĩa biểu tượng của lần ra mắt đầu tiên, chính sách ngoại giao của Mỹ dưới thời ông Kerry một lần nữa được xác định phải đi bằng hai chân. Chính quyền “Obama II” dường như đã quyết định hành động để giải quyết cuộc xung đột Ixraen - Palextin và vấn đề Xyri, dù rằng mọi chuyện mới chỉ bắt đầu. Oasinhtơn đang đi những bước thận trọng, bởi họ đã có nhiều bài học về sai lầm trong quá khứ và không thể không nhớ đến.

 

TTK

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN