Mỗi khi tình hình Trung Đông bất ổn, Thổ Nhĩ Kỳ thường được mô tả như một nhân tố chủ đạo trong cuộc chơi phức tạp do nước này điều khiển. Tuy nhiên, ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ dường như đang gặp khó khăn trong việc theo đuổi một đường lối rõ ràng, đặc biệt tỏ ra không dứt khoát trong cuộc khủng hoảng Syria. Binh lính Thổ Nhĩ Kỳ triển khai dọc biên giới Syria. |
Trong nửa thế kỷ, đường lối chủ đạo trong chính sách đối ngoại của Thổ Nhĩ Kỳ là xích lại gần phương Tây. Là nhà nước Hồi giáo duy nhất gia nhập NATO (năm 1952), Thổ Nhĩ Kỳ trong suốt thời gian đó tìm cách tăng cường mối liên hệ với châu Âu, thậm chí tham gia cả Liên đoàn bóng đá châu Âu (với minh chứng là thành công của câu lạc bộ Galatasaray). Từ đó, Thổ Nhĩ Kỳ không quan tâm đến Trung Đông mà duy trì mối quan hệ rất căng thẳng với Syria.
Bắt đầu từ những năm 2000, thắng lợi của Đảng Công lý và Phát triển (AKP) đã làm thay đổi đường lối truyền thống này. Ankara tỏ ra mệt mỏi trước thái độ không rõ ràng của EU, đồng thời phát hiện ra vai trò khu vực của mình và tiến hành chính sách quan hệ bình thường với các nước láng giềng. Chính phủ nước này cũng dần dần loại bỏ ảnh hưởng của quân đội trong việc hoạch định chính sách, từ đó xích lại gần một cách ngoạn mục với Armenia, Iraq, Iran và đặc biệt là Syria.
Tuy nhiên, lý do chính không phải là tâm trạng mệt mỏi đối với châu Âu mà là về địa lý. Phần lớn lãnh thổ Thổ Nhĩ Kỳ nằm ở Trung Đông, các đường biên giới chính của nước này đều giáp với Trung Đông. Vùng Balkans hiện nay nằm trong EU, còn không gian riêng của Thổ Nhĩ Kỳ để thực hiện chính sách vùng của mình nằm ở Caucasus và Trung Đông. Để thực hiện chính sách này, Thổ Nhĩ Kỳ có phương tiện và cách làm riêng. Hợp tác kinh tế song phương với các nước này được thiết lập cùng với quy định tự do đi lại và cơ chế xóa bỏ thị thực cho người dân.
Nhưng với những gì đang diễn ra ở các nước nói trên, các yếu tố này đang sụp đổ. Tương lai của Syria, Ai Cập cũng như Libya là tương đối không chắc chắn, do đó không thể cho rằng Thổ Nhĩ Kỳ có chính sách có thể xác định được trong không gian địa lý này. Hơn nữa, trong thời gian gần đây, Thổ Nhĩ Kỳ có khuynh hướng đi theo chiến lược ngoại giao của Mỹ trong các vấn đề Syria và Iraq.
Sau khi tỏ ra rất thận trọng trước các cuộc biểu tình ở Syria, Thổ Nhĩ Kỳ ngày càng công khai ủng hộ Hội đồng dân tộc Syria (SNC). Tuy không đến mức công nhận SNC là đại diện của Syria, giống như chính quyền mới ở Libya, song Thổ Nhĩ Kỳ dùng ảnh hưởng của mình để giúp phe đối lập Syria, có thể cả trong các hành động quân sự. Chắc chắn ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ đang đánh cược mình có thể tận dụng được việc đa số lên nắm quyền ở Damascus.
Ông Jean Marcou, giáo sư Viện nghiên cứu chính trị Grenoble (Pháp) và là nhà nghiên cứu thuộc Viện nghiên cứu Tiểu Á (Thổ Nhĩ Kỳ) nhận định chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ vẫn rất quan tâm đến vấn đề Syria, nhưng trong khi họ hy vọng chế độ đảng Baath sụp đổ vào năm 2011, thì chính phủ của Tổng thống Assad vẫn đứng vững và cuộc nội chiến diễn ra từ đó đến nay gây ra nhiều vấn đề cho chính Thổ Nhĩ Kỳ: 150.000 người tỵ nạn đổ vào lãnh thổ nước này (trong khi số này chỉ là 10.000 vào đầu năm 2012), nguy cơ cuộc khủng hoảng Syria đan xen với vấn đề người Kurd, đạn pháo Syria rơi vào bên trong đường biên giới (các tháng 10 và 11/2012). Hơn nữa, chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ bị phe đối lập theo khuynh hướng Kemal phê phán rất mạnh vì chính sách hẹp hòi, thuận cho dòng Sunni, thậm chí cho các nhóm Hồi giáo cực đoan nhất.
Trước những hậu quả đáng quan ngại đó và trong khi chế độ Damascus đã mất quyền kiểm soát đối với đường biên giới với nước này, phản ứng chính của chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ là kêu gọi tình đoàn kết của các đồng minh trong NATO, từ đó dẫn đến quyết định cho đặt tên lửa chống tên lửa Patriot trên lãnh thổ nước mình. Nhưng việc đặt bệ phóng tên lửa Patriot và nhìn chung là việc ủng hộ phe đối lập Syria khiến Thổ Nhĩ Kỳ phải trả giá đắt về mặt ngoại giao, trước hết góp phần khiến Ankara "khẩu chiến" với các nước như Iran, Nga, và Trung Quốc. Trong khi cuộc khủng hoảng Syria kéo dài với những hệ quả xấu và không thể lường trước được, Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ ngày càng có khuynh hướng thận trọng hơn. Điều đó giải thích tại sao Ankara tỏ ra rất kín đáo trong hoạt động đối ngoại trong 6 tháng trở lại đây như người ta đã thấy.