Syria và tham vọng 'biển xa' của Trung Quốc

Trong khi Mỹ và các đồng minh cho rằng Bắc Kinh trong thời gian gần đây đã có những hành động đang gây bất ổn tại nhiều khu vực biển gần như Biển Đông, Hoa Đông và Hoàng Hải, thì Trung Quốc tiếp tục từng bước đa dạng hóa sự hiện diện "biển xa" của mình. Chiếc tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường mà Bắc Kinh mới đây phái đến Địa Trung Hải giúp hộ tống chở kho vũ khí hóa học của Syria đi tiêu hủy cùng với những hoạt động chống cướp biển ở Somalia cho thấy những nỗ lực thực hiện tham vọng nói trên của Trung Quốc.

Tàu khu trục Diêm Thành của Trung Quốc tại Vịnh Aden. Ảnh: Chinese Military of Defence


Ngày 17/12/2013, chỉ hơn 1 tuần trước khi Hải quân Trung Quốc (PLAN) tổ chức lễ kỷ niệm 5 năm tham gia chống cướp biển ở Vịnh Aden, Trung Quốc tuyên bố, nước này cùng với Nga và các nước khác, sẽ hỗ trợ vận chuyển vũ khí hóa học nguy hiểm của Syria đi hủy. Dong Manyuan, một nhà phân tích chống khủng bố tại Viện Nghiên cứu Quốc tế Trung Quốc, nhận định rằng sự hộ tống của PLAN sẽ góp phần đảm bảo cho quá trình vận chuyển được tiến hành thuận lợi hơn, nhưng đây cũng là cơ hội để hải quân Trung Quốc thực hiện nhiệm vụ ở những vùng biển xa. Quyết định này rõ ràng không gây ngạc nhiên với nhiều quốc gia khác bởi vì, trước đó Bắc Kinh đã phủ quyết nhiều Nghị quyết của Liên hợp quốc (LHQ) nhằm áp đặt các lệnh trừng phạt đối với Damascus và kiên quyết phản đối bất kỳ hình thức can thiệp nào từ bên ngoài vào cuộc xung đột nội bộ của Syria.

Theo kế hoạch trợ giúp này, tàu khu trục tên lửa dẫn đường Diêm Thành (Yancheng) của Trung Quốc đến vùng lãnh hải Syria vào ngày 7/1, neo đậu tại cảng Latakia và sau đó áp tải lô hàng vũ khí hóa học đầu tiên ra khỏi lãnh thổ Syria. Cùng tham gia hộ tống các tàu Đan Mạch và Na Uy là tàu tuần dương tên lửa Peter Đại đế của Nga. Tất cả bốn tàu trên lần đầu tiên cùng hội tụ trong vùng biển quốc tế ngoài khơi Syria trước khi bắt đầu nhiệm vụ, trong đó Trung Quốc và Nga phối hợp với nhau chứ không phải dưới sự chỉ huy của các lực lượng châu Âu.

Trung Quốc và Nga cũng được cho là đang hỗ trợ vận chuyển các vũ khí hóa học và thiết bị có liên quan bằng đường bộ đến các cảng Syria. Bộ trưởng Quốc phòng Nga tháng 12/2013 tuyên bố rằng Nga sẽ cung cấp 75 xe bọc thép và các trang bị khác trị giá 2 triệu USD để giúp vận chuyển vũ khí hóa học từ kho và căn cứ quân sự của Syria. Trung Quốc cũng cho biết sẽ cung cấp camera giám sát và 10 xe cứu thương để hỗ trợ việc di chuyển hoàn toàn vũ khí hóa học trên lãnh thổ Syria.

Từ Syria, hai tàu quân sự và tàu thương mại Đan Mạch và Na Uy đang chuyển hàng trăm tấn hóa chất và giao chúng cho tàu Cape Ray của Mỹ ở Italy. Tàu hộ tống của Trung Quốc chỉ tham gia như một hành động phụ trợ nhưng có liên hệ chặt chẽ với một chuỗi các sự kiện lớn hơn.

Các tàu khu trục tên lửa dẫn đường "Hengshui","Luoyang" và "Yancheng" và tàu tiếp tế hậu cần "Taihu" tại Vịnh Aden. Ảnh: Chinese Military of National Defence


Giữa thập niên 1980, chiến lược của hải quân Trung Quốc là “phòng ngự gần bờ”, trọng điểm phát triển hải quân là “tàu ngầm, tàu phóng lôi cao tốc”. Năm 1985, Tư lệnh PLAN Lưu Hoa Thanh đã chủ trì xây dựng chiến lược hải quân mới, tức là “tích cực phòng ngự, tác chiến vùng biển gần”, nên được gọi tắt là “phòng ngự vùng biển gần”; đồng thời đưa ra định nghĩa mới về “vùng biển gần”. Theo đó, vùng biển gần được tính là vùng biển nằm trong chuỗi đảo thứ nhất, tức là khu vực biển Hoàng Hải, biển Hoa Đông, Biển Đông và vùng biển khu vực quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa. Vùng biển nằm ngoài vùng biển gần là “vùng biển tầm trung và xa”.

30 năm sau cải cách mở cửa, sức mạnh tổng hợp của Trung Quốc đã tăng lên đáng kể. Trong những năm gần đây, Trung Quốc ngày càng coi trọng khai thác, phát triển kinh tế biển, giao dịch thương mại của Trung Quốc với nước ngoài cũng đang được mở rộng nhanh chóng, vì vậy tham vọng của lực lượng hải quân là phải thoát khỏi vùng biển gần, thực thi sứ mệnh tác chiến ở vùng biển tầm trung, xa một cách độc lập. Xét từ mục đích đó, Bắc Kinh đã phê chuẩn chiến lược hải quân mới, tuy chưa được công bố, song chiến lược hải quân mới rất có khả năng sẽ là “tích cực phòng ngự, tác chiến ở vùng biển tầm trung và xa” bởi hiện nay uy lực của hải quân nước này đã vươn tới vùng biển tầm trung và xa.

Việc triển khai tàu Diêm Thành tới Syria là cơ hội giúp Hải quân Trung Quốc hiện diện lâu dài và rộng lớn hơn ở Địa Trung Hải. Chiếc tàu khu trục này đã vượt qua kênh đào Suez, tham gia vào đội tàu khu trục của Nga khi tới cảng Limmasol, Cyprus và hiện đang cùng hộ tống tàu chở vũ khí hóa học của Syria tới Italy. Trong khi đó, tàu khu trục tên lửa dẫn đường Luoyang và hậu cần Taihu vẫn tiếp tục thực hiện nhiệm vụ chống cướp biển tại Vịnh Aden (2 tàu này hiện diện tại đây kể từ năm 2008) và vẫn chưa biết khi nào tàu Diêm Thành sẽ rời khỏi Địa Trung Hải sau khi vũ khí hóa học của Syria được tiêu hủy hoàn toàn.

Theo tờ Nhân dân Nhật báo, việc hộ tống các tàu chuyển hóa học tại Syria sứ mạng đầu tiên PLAN thực hiện tại biển Địa Trung Hải. Thực hiện nhiệm vụ này thành công sẽ góp phần nâng cao vị thế của Trung Quốc trên trường quốc tế, thể hiện sức mạnh ngày càng tăng của PLAN, đồng thời mở ra một cơ hội mới cho các hoạt động của hải quân và ngoại giao khác của nước này.

Tuy nhiên, do không có các căn cứ quân sự ở nước ngoài, nên việc triển khai thực hiện chiến lược “biển xa” của Trung Quốc vẫn gặp một số thách thức nhất định. Ví dụ như nhiệm vụ chống cướp biển tại Vịnh Aden, nơi cách xa bờ biển Trung Quốc gần 10.000 km và phải mất 2 tuần để các tàu chiến cơ động, là một khó khăn đối với PLAN trong việc triển khai lực lượng cũng như tiếp tế về hậu cần, kỹ thuật.


CT (Tổng hợp)

Trung Quốc: Vấn đề Syria chỉ có thể giải quyết bằng chính trị
Trung Quốc: Vấn đề Syria chỉ có thể giải quyết bằng chính trị

Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị nói rằng vấn đề Syria chỉ có thể được giải quyết bằng con đường chính trị.

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN