Tác động từ việc Mỹ nâng hạng Trung Quốc lên thành ‘nước phát triển’

Các nhà lập pháp Mỹ đang tìm cách gắn mác cho Trung Quốc là một quốc gia phát triển và qua đó tước bỏ các đặc quyền thương mại, tài chính và khí thải của Bắc Kinh. 

Chú thích ảnh
Nỗ lực của Mỹ nhằm tước bỏ phân hạng “nước đang phát triển” của Trung Quốc có liên quan rất nhiều đến cuộc chiến thương mại đang diễn ra giữa hai nước. Ảnh: Getty Images

Trung Quốc đang có nguy cơ mất lợi ích thương mại và miễn giảm phát thải carbon sau khi Hạ viện Mỹ thông qua dự luật kêu gọi thu hồi phân hạng “nước đang phát triển” của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này.

Dự luật trên có tiêu đề “Đạo luật CHND Trung Hoa không phải là một quốc gia đang phát triển,” đã được thông qua với số phiếu nhất trí là 415 - 0 theo quy trình nhanh chóng vào hôm 27/3. Dự luật này sẽ cần sự chấp thuận của Thượng viện và Tổng thống Mỹ để ban hành thành luật.  

"'Đạo luật CHND Trung Hoa không phải là một quốc gia đang phát triển" đã được chuyển đến Ủy ban Đối ngoại Thượng viện và nếu được phê duyệt thì cũng còn lâu nữa Tổng thống Mỹ mới ký ban hành thành luật, nhưng phía Trung Quốc đã nhanh chóng đưa ra phản ứng. 

Tờ China Daily, cơ quan báo chí chính thức của Đảng Cộng sản Trung Quốc, tuyên bố đó là một ví dụ khác về chính sách của Mỹ nhằm ngăn chặn Trung Quốc. “Đối mặt với một Trung Quốc đang trỗi dậy và sự sụp đổ của thế giới đơn cực lấy Mỹ làm trung tâm, chuyển sang thế giới đa cực với Trung Quốc đóng vai trò chính, Mỹ đang sử dụng mọi chiêu sách để ngăn chặn điều đó xảy ra”, báo China Daily viết. 

Ngay cả tờ South China Morning Post cũng cảnh báo rằng cuộc bỏ phiếu tại Hạ viện Mỹ sẽ bị Bắc Kinh coi là một mánh khóe khác của Washington nhằm ngăn chặn và kìm hãm sự phát triển của quốc gia này. 

Trước diễn biến này, các nhà bình luận Trung Quốc cảnh báo rằng nếu dự luật kể trên được thông qua thì nhiều khả năng Trung Quốc sẽ phải đối mặt với mức thuế cao hơn, chi phí sản xuất tăng cùng nhiều nghĩa vụ hơn trong việc cắt giảm khí thải nhà kính và giảm đáng kể các khoản vay ưu đãi quốc tế. Tất cả những yếu tố thay đổi đó cuối cùng sẽ dẫn đến tình trạng mất việc làm ở nước này.

Động lực đằng sau dự luật trên bắt nguồn từ tháng 2/2020, khi Tổng thống Mỹ lúc bấy giờ là ông Donald Trump thông báo Washington sẽ coi 25 quốc gia – trong đó có Trung Quốc, Ấn Độ và Nam Phi - là các quốc gia phát triển để loại bỏ các ưu đãi thương mại mà họ nhận được trong nhữn cuộc điều tra thuế chống trợ cấp.

Đầu tuần này, trong khi các nhà lập pháp Mỹ thúc đẩy dự luật trên, nữ nghị sĩ bảo trợ dự luật trên là bà Young Kim đã chỉ ra rằng Trung Quốc hiện chiếm 18,7% nền kinh tế toàn cầu, sau khi vượt qua Nhật Bản trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới vào năm 2010. 

Chú thích ảnh
Khách hàng mua trái cây tại một siêu thị ở thành phố Hàm Đan, Trung Quốc. Ảnh: AFP

Bà Kim cho biết Trung Quốc đã vay nhiều khoản vay lãi suất thấp từ các tổ chức quốc tế, đồng thời chi hàng nghìn tỷ USD cho các dự án cơ sở hạ tầng ở các quốc gia khác như một phần trong dự án “Sáng kiến Vành đai và Con đường” (BRI). Bà đã gọi dự án thương mại trên của Bắc Kinh là một “trò lừa đảo ngoại giao bẫy nợ”.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc chưa bình luận về dự luật mới nhất kể trên nhưng đã phản ứng về cáo buộc gây ra “bẫy nợ” ở các nước khác.

Ngày 30/3, bà Mao Ning, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết Bắc Kinh đã giúp các quốc gia đang phát triển khác giảm nợ. Bà cho rằng gánh nặng nợ nần của các quốc gia này đã bị tăng lên nhiều hơn sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất vào năm ngoái.

Hiện tại, Trung Quốc được các tổ chức quốc tế trong đó có Liên hợp quốc coi là một “quốc gia đang phát triển”, mặc dù không có định nghĩa rõ ràng về thuật ngữ “đang phát triển” và “đã phát triển”.

Trung Quốc hiện được miễn trừ phòng vệ thương mại và chống bán phá giá từ Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), hỗ trợ tài chính từ Ngân hàng Thế giới (WB), hỗ trợ kỹ thuật và kinh tế từ các tổ chức quốc tế, cũ mức thuế thấp hơn đối với nhiều mặt hàng xuất khẩu của nước này cũng như hỗ trợ nông nghiệp từ Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên hợp quốc (FAO).

Các nhà bình luận khác lưu ý rằng Trung Quốc sẽ phải đối mặt với nhiều áp lực quốc tế hơn trong việc cắt giảm lượng khí thải carbon nếu nước này được phân loại là một quốc gia phát triển. Do tình trạng đang phát triển của mình, Trung Quốc được hưởng sự linh hoạt hơn trong việc quyết định tốc độ giảm phát thải carbon.

Trung Quốc đã vượt qua Mỹ trở thành quốc gia phát thải carbon lớn nhất thế giới vào năm 2005. Năm 2021, lượng khí thải carbon của Trung Quốc đạt mức cao kỷ lục 13.078 triệu tấn, vượt xa mức 5.289 triệu tấn của Mỹ và 3.4 triệu tấn của Liên minh châu Âu (EU).

Mỹ đã tuyên bố sẽ giảm một nửa mức phát thải khí nhà kính năm 2005 vào năm 2030. Trung Quốc đang đặt mục tiêu đạt mức phát thải cao nhất vào năm 2030 và đạt mức 0% vào năm 2060.
Về phần mình, truyền thông nhà nước Trung Quốc cho rằng Bắc Kinh không nên quá lo lắng vì lời kêu gọi của Mỹ sẽ không được hầu hết các tổ chức quốc tế chấp nhận.

Nhật báo Bắc Kinh cho rằng Trung Quốc chắc chắn không phải là một quốc gia phát triển vì Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) bình quân đầu người của nước này chỉ là 14.000 USD Mỹ vào năm ngoái, thấp hơn nhiều so với 127.000 USD của Luxembourg, 75.000 USD của Mỹ và 34.000 USD của Nhật Bản.

Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế, GDP bình quân đầu người (PPP) của Trung Quốc cao hơn đáng kể, khoảng 21.000 USD vào năm ngoái.

Nhật báo Bắc Kinh lưu ý rằng Trung Quốc xếp thứ 85 trên thế giới về Chỉ số Phát triển Con người của Chương trình Phát triển Liên hợp quốc, một chỉ số về trình độ học vấn, tuổi thọ và mức sống của một quốc gia.

“Từ khi nào Trung Quốc trở thành một quốc gia giàu có? Mỹ không có quyền nói như vậy. Khi sự phát triển kinh tế và xã hội của chúng tôi đạt đến mức đó, chúng tôi sẽ hào phóng gánh vác những trách nhiệm và nghĩa vụ mà chúng tôi cần gánh vác”, Nhật báo Bắc Kinh kết luận. 

Cơ quan ngôn luận của nhà nước này nói thêm rằng nếu Mỹ đạt được mục tiêu làm chậm nền kinh tế Trung Quốc bằng cách coi nước này là một quốc gia phát triển, thì người Mỹ cũng sẽ phải chịu lạm phát cao hơn khi hàng hóa Trung Quốc đắt đỏ hơn.

Bên cạnh đó, giới quan sát cho rằng việc Hạ viện Mỹ bỏ phiếu nhất trí tước bỏ tư cách “quốc gia đang phát triển” của Trung Quốc đã mở ra một cuộc tranh cãi ngoại giao mới giữa Washington và Bắc Kinh, đồng thời giáng một đòn khác vào hệ thống quản trị toàn cầu vốn đã mong manh.

Đây không phải là lần đầu tiên hai nước tranh cãi về tình trạng kinh tế của Trung Quốc. Ví dụ, chính phủ Trung Quốc đã cố gắng trong khoảng một thập kỷ để thuyết phục Mỹ và EU, hai trong số các đối tác thương mại lớn nhất của họ, coi Trung Quốc là một nền kinh tế thị trường – một động thái sẽ giúp các nhà xuất khẩu Trung Quốc trong các vụ kiện chống bán phá giá và mang lại cho Bắc Kinh một lợi thế trên danh nghĩa nhằm ủng hộ những nỗ lực tự do hóa kinh tế.

Trước sự thất vọng của Bắc Kinh, Mỹ và EU đã không bao giờ đáp ứng mong muốn của Trung Quốc. Bắc Kinh cuối cùng đã bỏ cuộc và tạm dừng vụ kiện của mình tại Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) vào năm 2019, khi cuộc chiến thương mại của Trung Quốc với Mỹ dưới thời chính quyền Trump trở thành ưu tiên cấp bách hơn.

Trung Quốc có lẽ hiểu rõ ràng sẽ ngày càng khó biện minh cho thứ hạng “đang phát triển” khi sức mạnh kinh tế và ảnh hưởng của họ ngày càng tăng. Nhưng liên minh chiến lược của Trung Quốc với thế giới đang phát triển sẽ không thay đổi, trong khi quốc gia này đang đảm nhận những trách nhiệm và nghĩa vụ lớn hơn trên toàn cầu, bao gồm cả cam kết đạt được lượng khí thải carbon cao nhất vào năm 2030 và trung hòa carbon vào năm 2060.

Suy cho cùng, cuộc tranh luận về việc liệu Trung Quốc có phải là một quốc gia đang phát triển hay không đã phản ánh một thực tế đáng buồn rằng thế giới đã bị phân cực bởi sự khác biệt của Bắc Kinh và Washington về một loạt vấn đề. Các chính phủ, các công ty đa quốc gia và thậm chí cả các cá nhân sẽ bị thúc đẩy đứng về một phía nào. Song nó sẽ không kết thúc tốt đẹp cho tất cả.

Hoàng Trang/Báo Tin tức (Theo France24/AsiaTimes)
Hệ thống đặt vé đường sắt BRI của Trung Quốc chấm dứt việc sử dụng đồng USD
Hệ thống đặt vé đường sắt BRI của Trung Quốc chấm dứt việc sử dụng đồng USD

Trung Quốc vừa phát triển một hệ thống bán vé tàu đối với tuyến đường sắt thuộc Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI), hợp nhất cùng với các nền tảng bán vé khác nhau ở hơn 140 quốc gia trên một ứng dụng điện thoại thông minh.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN