Hôm nay (7/7), các nhà lãnh đạo Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) sẽ lại có cuộc họp khẩn cấp thứ hai trong khoảng 10 ngày qua để quyết định tương lai của Hy Lạp sau khi cử tri nước này bác bỏ yêu cầu thắt chặt chi tiêu của các chủ nợ quốc tế. Cho đến giờ này, dường như Pháp, Italy và Đức vẫn chưa thống nhất được lập trường chung cho "bài toàn hóc búa" Hy Lạp.
Logo đồng euro bên ngoài trụ sở cũ của ECB tại Frankfurt am Main, Đức ngày 6/7. Ảnh: AFP/TTXVN |
Ngay sau khi kết quả trưng cầu dân ý tại Hy Lạp được công bố với việc hơn 61% cử tri Hy Lạp nói "không" với các biện pháp chi tiêu khắc khổ mới, Tổng thống Pháp François Hollande và Thủ tướng Đức Angela Merkel lập tức trao đổi qua điện thoại. Mục đích của hai nhà lãnh đạo Pháp Đức là phải tìm được tiếng nói chung sau một tuần lễ phơi bày những quan điểm khác biệt. Có một điều chắc chắn là EU không muốn kịch bản Hy Lạp rời Eurozone sớm xảy ra.
Lúc này, việc Hy Lạp ở lại hay phải đi ra khỏi Eurozone hoàn toàn phụ thuộc vào quyết định của Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB). Nếu định chế tài chính này ngưng Chương trình hỗ trợ thanh khoản khẩn cấp (ELA), thực chất là cho vay với việc sử dụng trái phiếu Chính phủ Hy Lạp làm tài sản đảm bảo, dành cho các ngân hàng thương mại Hy Lạp, đương nhiên Athens phải từ bỏ đồng euro để tìm ra một đơn vị tiền tệ khác, với những hậu quả kinh tế, chính trị khôn lường cho cả Hy Lạp lẫn phần còn lại của Eurozone.
Có lẽ ý thức được mức độ nghiêm trọng của vấn đề, trong quyết định đưa ra vào đêm qua (6/7), ECB đã quyết định giữ nguyên ELA cho các ngân hàng Hy Lạp ở mức khoảng 89 tỷ euro như hồi tuần trước, điều này cho thấy ECB chưa muốn "buông xuôi" Hy Lạp.
Đến nay, ECB đã cấp cho Hy Lạp 20 tỷ euro tín dụng qua hai kế hoạch hỗ trợ tài chính được thông qua hồi năm 2010 và 2012, ngoài ra đã bơm nhiều tiền cho các ngân hàng của Hy Lạp tránh để cho hệ thống ngân hàng sụp đổ, gây vạ lây cho ngành tài chính, ngân hàng của châu Âu và quốc tế.
Các chuyên gia cho rằng ECB là định chế có tiếng nói cuối cùng về việc Hy Lạp "đi hay ở lại" trong khu vực đồng euro. Vấn đề là ECB không thể cứ "bơm tiền" cho các ngân hàng Hy Lạp khi mà tài sản cầm cố tại ECB của các ngân hàng cũng cạn kiệt và đặc biệt là sức ép từ Đức. Chính phủ Đức đang không ngừng gây áp lực với ECB đòi phải nghiêm khắc với con nợ Hy Lạp.
Lập trường của Đức được nhiều thành viên khác của châu Âu ủng hộ như là Slovakia hay các nước trong vùng Baltic. Ngay từ khi kết quả cuộc trưng cầu dân ý vừa được công bố, Berlin đã nhiều lần đòi ECB đình chỉ "ngay lập tức" mọi biện pháp trợ giúp các ngân hàng Hy Lạp.
Vấn đề đặt ra là nếu không còn có thể trông chờ vào chương trình ELA thì các ngân hàng của Hy Lạp sẽ mất khả năng thanh toán. Từ một tuần nay, các ngân hàng phải tạm đóng cửa, và mỗi đầu người chỉ được rút tiền tối đa là 60 euro một ngày.
Trong trường hợp thiếu hụt tiền mặt, Hy Lạp bắt buộc phải sử dụng một đồng tiền khác để trả lương cho công nhân viên, để thanh toán các hóa đơn mua hàng… Đơn vị tiền tệ mới đó sẽ thay thế cho những đồng euro trở nên quá khan hiếm. Đồng thời có thêm một đơn vị tiền tệ thứ hai, đồng nghĩa với việc Hy Lạp càng sớm bước ra ngoài khu vực đồng euro.
Chính vì muốn trách xảy ra kịch bản đen tối đó mà Athens đã liên tục cầu cứu ECB nâng mức trần chương trình hỗ trợ khẩn cấp. Về phần mình, ECB cũng ý thức được rằng ngừng bơm tiền cho các ngân hàng Hy Lạp sẽ đẩy Athens sớm ra ngoài Eurozone, đồng thời tạo ra một làn sóng hoảng loạn trên các thị trường tài chính quốc tế.
ECB rõ ràng không muốn gây ra sự hoảng loạn như vậy. Một vài thỏa thuận có thể được ký kết nhằm tạo một lối thoát cho Hy Lạp. Trước mắt có thể là một khoản nợ kéo dài trong một tháng để cứu các ngân hàng Hy Lạp trong những ngày đầu mở cửa trở lại và cũng như để Athens quyết định chắc chắn có thể rời bỏ đồng euro không. Khi đó, "sự ra đi" của Hy Lạp sẽ yên bình hơn.