Theo đài Sputnik (Nga), các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới đều đang tìm hiểu khả năng phát hành phiên bản số của đồng nội tệ khi tiền số ngày càng phổ biến và khi Facebook ấp ủ kế hoạch về đồng tiền số Libra cách đây 2 năm.
Đồng nhân dân tệ kỹ thuật số
Trung Quốc là nền kinh tế lớn đầu tiên phát hành đồng tiền số làm phương tiện thanh toán đáng tin cậy và thuận tiện, sử dụng trong nước và trong giao thương xuyên biên giới.
Tờ Wall Street Journal bình luận: “Cách đây cả nghìn năm, khi tiền chỉ là đồng xu thì Trung Quốc đã phát minh ra tiền giấy. Giờ chính phủ Trung Quốc đang tạo ra tiền số”.
Từ năm 2020, Trung Quốc đã thử nghiệm tiền số ở một vài thành phố như Thẩm Quyến, Tô Châu, Thành Đô và Hùng An. Theo Phó Thống đốc Ngân hàng Nhân dân (Ngân hàng Trung ương) Trung Quốc Li Bo, thí điểm đồng nhân dân tệ số đang diễn ra suôn sẻ. Ông cho rằng đồng tiền số này có thể là phương tiện thanh toán mới mà các du khách và vận động viên nước ngoài có thể sử dụng trong dịp Olympic mùa đông năm 2022 tới ở Trung Quốc.
Trung Quốc bác bỏ thông tin cho rằng mình có kế hoạch lật đổ ngôi vương của đồng USD. Trong họp báo ngày 18/4, ông Li Bo cho biết nỗ lực thiết lập đồng nhân dân tệ số phần lớn là để đáp ứng nhu cầu trong nước.
Đồng euro kỹ thuật số
Dường như Liên minh châu Âu (EU) không muốn bị Trung Quốc bỏ lại phía sau. Từ ngày 12/10/2020 tới ngày 12/1/2021, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã tổ chức tham vấn người dân khắp EU về việc thiết lập đồng euro số.
Kết quả được công bố ngày 14/4 cho thấy yếu tố riêng tư được coi là đặc điểm quan trọng nhất của đồng tiền số. Người tham gia khảo sát cũng cho rằng phát hành phương tiện thanh toán mới này sẽ có nhiều lợi thế như tính an ninh, thanh toán xuyên biên giới ngay tức thì, mình bạch hơn vì tỷ giá, không mất phí, có thể sử dụng ngoại tuyến.
Tuy nhiên, Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu Christine Lagarde cho rằng phải mất ít nhất 4 năm mới triển khai được đồng euro số.
Đồng Britcoin
Bộ Tài chính và Ngân hàng Trung ương Anh gần đây cũng đã tham gia xu hướng toàn cầu bằng cách thành lập đội đặc trách chung để tìm hiểu khả năng phát hành đồng Britcoin mới.
Chính phủ Anh cũng sẽ thiết lập hai diễn đàn mới để các chuyên gia kỹ thuật và những bên có liên quan như thể chế tài chính, thương nhân, doanh nghiệp, tổ chức xã hội dân sự, người tiêu dùng tham gia tiến trình.
Bộ trưởng Tài chính Anh Rishi Sunak ra tuyên bố chính thức: “Anh nổi tiếng là quốc gia đi tiên phong về đổi mới, nhưng chúng ta cần đi xa hơn. Nếu chúng ta có thể nắm bắt tiềm năng công nghệ phi thường này, chúng ta sẽ củng cố vị trí của Anh với tự cách là trung tâm tài chính ưu việt của thế giới”.
Ngoài Trung Quốc, EU và Anh, Venezuela cũng đã khởi động đồng petro số dựa trên trữ lượng dầu mỏ năm 2018; Bahamas đã phát hành đồng “đô la cát” (sand dollar) năm 2020; Brazil đang chuẩn bị cho lưu hành đồng real số năm 2022; còn Thụy Điển cũng đang thử nghiệm đồng krona điện tử.
Mỹ đã sẵn sàng cho đồng Fedcoin?
Vậy còn Mỹ thì sao? Từ năm 2017, rõ ràng là FED cũng đang cân nhắc điểm được và chưa được của đồng tiền số do ngân hàng nhà nước phát hành (CBDC) cũng như đồng Fedcoin. Tuy nhiên, Mỹ lại không vội vã với ý tưởng đồng đô la số.
Ngày 22/3, Chủ tịch FED Jerome Powell nói: “Chúng tôi không vội với dự án này và chúng tôi không cần là người đầu tiên trên thị trường”.
Theo ông Powell, trước khi áp dụng đồng USD số, FED sẽ cần Quốc hội Mỹ, chính quyền liên bang và người dân đồng ý. Ông Powell cho rằng nhiều người Mỹ gắn bó với đồng tiền giấy truyền thống. Ông khẳng định: “Câu hỏi thực sự quan trọng với chúng ta là người dân có muốn hay có cần phiên bản số của đồng tiền để bổ sung vào hệ thống thanh toán vốn đã đổi mới, đáng tin cậy và hiệu quả cao hay không”.
Dù vậy, dường như đồng Fedcoin có thể giúp cuộc sống người Mỹ dễ dàng hơn nhờ đẩy nhanh tốc độ thanh toán thời gian thực, mở rộng tiếp cận hệ thống tài chính với người không có tài khoản ngân hàng, giúp những thay đổi chính sách lãi suất của FED đến trực tiếp với người tiêu dùng mà không cần qua dịch vụ tốn kém của các trung gian tài chính, giúp họ tiếp cận nhanh hơn với các khoản thanh toán kích thích của chính phủ.
Tuy nhiên, tờ Bloomberg cho rằng FED ngần ngại với tiền số không hẳn là vì người Mỹ thích dùng tiền giấy. Nguyên nhân là Phố Uôn, các ngân hàng lớn, công ty thẻ tín dụng và các đơn vị xử lý thanh toán số không hào hứng với ý tưởng đồng USD số. Các công ty tài chính đang vận động FED và Quốc hội Mỹ giảm tốc độ thiết lập đồng USD số hoặc ít nhất đảm bảo rằng họ không bị “ra rìa”.
Bloomberg nhấn mạnh: “Thấy lợi nhuận bị đe dọa, các nhóm thương mại chính của các ngân hàng đã nói với Quốc hội rằng không cần đồng USD số, còn những công ty thanh toán như Visa và Mastercard đang tìm cách làm việc với các ngân hàng trung ương để đảm bảo đồng tiền mới có thể được sử dụng trong mạng lưới của họ”.
Dù vậy, các chuyên gia tài chính thừa nhận rằng thế giới đang chuyển động nhanh chóng về việc thực hiện các dự án tiền số, có nghĩa là ngành tài chính Mỹ sẽ phải bắt kịp xu hướng.