Từ nhiều năm qua, một số chính phủ ở Đông Nam Á đã cân nhắc nghiêm túc ý tưởng di dời các trung tâm chính trị của mình. Một số kế hoạch đã được thực hiện. Malaixia đã chuyển một phần các cơ quan công quyền từ Cuala Lămpơ đến Putrajaya vào năm 1999, trong khi Mianma dời hẳn thủ đô từ Yangon lên Nây Pi Đô năm 2005. Trong khi đó, các quan chức ở Thái Lan, Inđônêxia và Philíppin đang thảo luận những đề xuất chuyển thủ đô của mình đi nơi khác do những vấn đề đô thị ngày càng tồi tệ, như tình trạng quá tải, tắc nghẽn giao thông và lũ lụt.
Malaixia đã chuyển một phần các cơ quan công quyền đến Putrajaya. |
Việc di dời thủ đô có thể được tính đến nếu như các nhà lãnh đạo không đưa ra những hành động dũng cảm để ngăn chặn sự sụp đổ của những Băngcốc, Giacácta và Manila - những thành phố đang đứng trước nguy cơ sụp đổ theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng. Trận lụt kéo dài 3 tháng tại Băngcốc hồi năm 2011 đã nhắc nhở tất cả mọi người về những nghiên cứu khoa học cảnh báo rằng thành phố này đang chìm 3 cm mỗi năm. Tại Giacácta, những trận lũ kinh hoàng hồi tháng Giêng làm tê liệt thành phố đã chứng tỏ vòng tuần hoàn lũ 5 năm/lần ở nơi đây. Trong khi đó, Manila không chỉ bị lũ lụt đe dọa mà còn nằm trên nhiều đường đứt gãy địa lý.
Tuy nhiên, quyết định di dời thủ đô không phải dễ dàng được đưa ra. Chỉ riêng kinh phí thôi cũng đủ để khiến các chính trị gia phải chùn bước. Mianma được cho là đã chi 4 tỷ USD để xây trụ sở chính phủ mới và các cơ sở hạ tầng ở Nây Pi Đô. Và rồi không có gì đảm bảo rằng việc chuyển đến thủ đô mới sẽ thúc đẩy sự tiến bộ hay gây khó khăn cho các thủ đô cũ.
Thay vì di dời thủ đô, lựa chọn khác là cải thiện cơ sở hạ tầng hiện tại của các siêu thành phố ở Đông Nam Á và khiến chúng đối phó tốt hơn với tác động khắc nghiệt của tình trạng biến đổi khí hậu. Việc xây dựng đê ngăn lũ dài 80 km và trồng rừng cây ngập mặn 300 m ngoài khơi đang được đề xuất để bảo vệ Băngcốc trước mực nước biển tăng. Trong khi đó, Chủ tịch Hạ viện Inđônêxia Marzuki Alie đã phổ biến ý tưởng lấn biển khoảng 2.000 ha ở bắc Giacácta và biến nơi đây là thành thủ đô mới của Inđônêxia.
Việc xây dựng một thủ đô thứ hai bổ sung cho thủ đô hiện tại thực sự đáng để cân nhắc. Đây chính là vai trò của Putrajaya, thủ đô khác của Malaixia. Trong khi Cuala Lămpơ vẫn được xem là thủ đô cũng như là trung tâm thương mại và văn hóa của Malaixia, thì nhiều văn phòng công quyền liên bang lại được đặt ở Putrajaya. Vua và Thủ tướng vẫn sẽ ở Cuala Lămpơ để điều hành đất nước song các quan chức chính phủ lại sống và làm việc ở Putrajaya, cách Cuala Lămpơ 25 km về phía nam.
Việc thúc đẩy xây dựng các thủ đô thay thế dự kiến sẽ tiếp tục kéo dài chừng nào chất lượng sống ở các trung tâm đô thị lớn của Đông Nam Á không được cải thiện hay giải quyết một cách đúng đắn. Tuần trước, Thượng nghị sĩ Antonio Trillanes của Philíppin đã đề xuất thành lập một ủy ban nghiên cứu tính khả thi của việc di dời thủ đô nước này.
Những trận lũ sắp tới hay một thảm họa động đất xảy ra trong khu vực này chắc chắn sẽ lại làm sống lại các cuộc tranh luận về việc di dời hay xây dựng một thủ đô mới tại những nước bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, trong các cuộc tranh luận này, bên cạnh việc đề cử thủ đô thứ hai, nhu cầu áp dụng một mô hình phát triển mới nhằm mang lại sự tiến bộ toàn diện cho các thành phố cũng như nông thôn cũng là điều cần phải được nhấn mạnh. Tuy nhiên, nói khác đi, thách thức không chỉ là việc xây dựng một thủ đô lớn với những tòa nhà và cung điện tráng lệ mà còn là sự kiến tạo không gian sống.
V.H (Theo The Diplomat)