Tại sao tình hình Libya vẫn tệ hại?

Báo mạng “Maghreb Emergent”(Algeria) mới đây có bài viết cho rằng 5 năm sau cuộc chính biến lật đổ nhà lãnh đạo Muammar Gaddafi, Libya vẫn chìm trong hỗn loạn; và giờ, khủng hoảng kinh tế cùng suy thoái về chính trị, an ninh, xã hội đang đẩy quốc gia này vào tình trạng tệ hại.

Mỹ, Anh và Pháp đã liên tục ca ngợi thành quả tại Libya sau khi ông Gaddafi bị tiêu diệt. Trong chuyến công du Libya ngay sau khi chế độ Gaddafi bị lật đổ, Thủ tướng Anh khi đó là ông David Cameron tuyên bố: "Hiện nay, khi sự dũng cảm của các bạn đã viết nên chương cuối cùng trong lịch sử Libya, sự dũng cảm đó cần phải viết tiếp cho tương lai và những người bạn của các bạn tại Anh và Pháp sẽ luôn bên các bạn khi các bạn xây dựng nền dân chủ và xây dựng đất nước cho tương lai".

Người di cư nằm vật vạ tại cảng Tripoli, Libya hôm 22/10 sau khi được cứu khỏi con thuyền đắm. Ảnh: EPA/TTXVN

Tuy nhiên, đất nước Libya thời hậu Gaddafi vẫn không tìm lại được hòa bình và ổn định chính trị. Tổng thống Mỹ Barack Obama là người đầu tiên thừa nhận phương Tây đã không có sự chuẩn bị cho thời hậu Gaddafi. Ông Obama cho biết sai lầm tồi tệ nhất của ông có thể là đã không đề ra một kế hoạch cho tương lai tại Libya.

Sau 42 năm tại vị, ông Gaddafi đã để lại một hệ thống hạ tầng cũ kỹ, một nền kinh tế phụ thuộc hoàn toàn vào dầu mỏ và lực lượng nhân công yếu kém, không có tay nghề. Ngân hàng Thế giới (WB) đã cảnh báo nền kinh tế nước này đang sụp đổ, đồng thời đưa ra một bản tổng kết bi quan về những chỉ số kinh tế của Libya. Trung tâm của sự sụp đổ đó chính là ngành công nghiệp dầu mỏ vốn chiếm hơn 95% nguồn thu của Libya. Hoạt động sản xuất dầu mỏ hiện bị rối loạn bởi các cuộc xung đột vũ trang phá hủy đất nước này từ ba năm qua.

Hiện nay, các mỏ dầu chỉ hoạt động được 1/4 công suất, tương ứng với 335.000 thùng dầu/ngày trong sáu tháng đầu năm nay. Theo WB, sản lượng sụt giảm cùng với việc giá dầu lao dốc từ năm 2014 đã làm cho nền kinh tế Libya rơi vào suy thoái. WB dự báo thâm hụt ngân sách của Libya sẽ đạt mức cao kỷ lục. Năm 2015, thâm hụt ngân sách của nước này vượt quá 60% Tổng Sản phẩm Quốc nội (GDP). Theo WB, doanh thu từ ngành dầu mỏ đã rơi xuống mức thấp kỷ lục khoảng 2,25 tỷ USD trong giai đoạn tháng 1 - 7/2016. Đa số người dân Libya hiện sống dưới ngưỡng nghèo khổ.

Tuy nhiên, tướng không quân Pháp Jean - Vincent Brisset, đã nghỉ hưu và hiện là Giám đốc phụ trách nghiên cứu của Viện Quan hệ Quốc tế và Chiến lược (IRIS), đã có sự so sánh tình hình kinh tế của Libya dưới thời Gaddafi và thời hậu cách mạng. Ông nói: "Trước khi xảy ra chiến tranh, Libya là đất nước có chỉ số phát triển con người tốt nhất trong tất cả các nước châu Phi. Khi đó, mọi thứ được vận hành nhằm phục vụ đa số người dân. Tình hình thời đó có lợi cho người dân hơn. Tuy nhiên, kể từ sau những chính biến mà người ta coi là sự tiến bộ, những thành tựu về kinh tế, xã hội, y tế, hay giáo dục đã biến mất".

Trong một báo cáo công bố hồi tháng 9 vừa qua, các nghị sỹ của Anh cho rằng nhà lãnh đạo Gaddafi đã bị sát hại một cách dã man và nhục nhã. Các lực lượng nổi dậy dưới sự hỗ trợ của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã đứng sau sự thảm sát này. Họ cho rằng Anh đã tiến hành can thiệp quân sự tại Libya năm 2011 dựa trên những tính toán sai lầm.

Kể từ khi chiến sự xảy ra, Libya đã trở thành cái nôi của Hồi giáo thánh chiến khủng bố và trở thành điểm trung chuyển chính của dòng người di cư từ châu Phi tới các nước châu Âu. Hơn 150.000 người đã rời khỏi các bờ biển Libya để tìm nơi ẩn náu tại châu Âu. Ông Brisset cho biết nhiều người di cư đến từ khắp châu Phi và coi Libya như bãi đáp trung chuyển trước khi tìm đường tới “miền đất hứa”. Nhiều người cho rằng nếu Libya có một chính quyền nghiêm ngặt và mạnh tay, điều đó sẽ không thể xảy ra, và việc để lại một lỗ hổng sau khi thay thế chế độ Gaddafi là nguyên nhân chính dẫn tới làn sóng người di cư ồ ạt như hiện nay. Đó là hậu quả tại Libya và cũng là gánh nặng đối với châu Âu.
TTXVN/Tin Tức
Libya giải cứu 13 con tin nước ngoài bị IS bắt
Libya giải cứu 13 con tin nước ngoài bị IS bắt

Ngày 22/10, lực lượng trung thành với chính phủ Libya đã giải cứu 13 con tin nước ngoài bị nhóm phiến quân “Nhà nước Hồi giáo” (IS) tự xưng bắt tại thành phố Sirte, cách thủ đô Tripoli khoảng 450 km về phía Đông.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN