Tại sao Ukraine cần một thỏa thuận hòa bình với Nga?

Thời điểm thiết lập một thỏa thuận giữa Kiev và Moskva đã đến, nhưng Mỹ và EU đang tạo ra những điều tồi tệ hơn đối với Ukraine bằng cách thúc đẩy một chương trình nghị sự cứng rắn chống Nga.

Mới đây, Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden đã có chuyến công du tới Kiev, đánh dấu chuyến thăm lần thứ 3 của ông tới Ukraine trong vòng 7 tháng qua. Ông đến quốc gia Đông Âu này với một sứ mệnh: tăng thêm viện trợ quân sự phi sát thương cho chính phủ Ukraine, bao gồm áo giáp, mũ bảo hiểm cho binh sĩ, kính nhìn đêm và radar chống đạn cối. Ba hệ thống đầu tiên trong tổng số 20 radar chống đạn cối đã được chuyển đến Ukraine trên một chiếc máy bay chở hàng đi cùng với chiếc Không lực số 2 chở vị Phó Tổng thống Mỹ.

Sau cuộc “bầu cử” của lực lượng ly khai ở miền đông Ukraine ngày 3/11 vừa qua và thỏa thuận ngừng bắn mong manh tại Minsk với gần 1.000 người thiệt mạng trong hai tháng rưỡi qua, chuyến thăm của ông Biden cùng với số vũ khí trên có vẻ là “phù hợp”. Nhưng rõ ràng là Ukraine cần phải có một thỏa thuận với Nga nếu muốn giải quyết cuộc khủng hoảng này.

Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko (trái) đón Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden (phải) tại Kiev ngày 21/11/2014.


Một giải pháp chính trị sẽ là quan trọng hơn nhiều đối với Ukraine trong ngắn và trung hạn so với sự hỗ trợ kiểu như trên của phương Tây - thậm chí quan trọng hơn nhiều so với sự trợ giúp vũ khí sát thương mà Thượng nghị sĩ John McCain vẫn kêu gọi. 

Và trong khi Hiệp định gia nhập EU của Ukraine có thể là quan trọng trong việc phác thảo một con đường cải cách cho tương lai của Ukraine, việc thiếu một thỏa thuận với Nga có thể dễ dàng làm cho nó trở nên vô nghĩa.

Nền kinh tế của Ukraine phụ thuộc rất nhiều vào Nga trong một loạt các lĩnh vực. Tất nhiên, sự phụ thuộc nhất lớn nhất là khí đốt, năng lượng đầu vào quan trọng cho ngành công nghiệp Ukraine và là nguồn nhiên liệu sưởi ấm chính cho những gia đình ở quốc gia Đông Âu này. Chỉ tính riêng trong năm 2013, Ukraine nhập khẩu 27 tỷ m3 khí đốt của Nga trị giá khoảng 11 tỷ USD và không có sự thay thế khả thi trong ngắn cũng như trung hạn – vừa để sưởi ấm Ukraine qua mùa đông và cung cấp năng lượng cho các doanh nghiệp công nghiệp lớn của nước này trong các lĩnh vực công nghiệp cơ khí và hóa chất.

Ngay cả khi tất cả các đường ống có thể được hoạt động hết công suất thì dòng chảy ngược từ châu Âu cho Ukraine cũng chỉ có thể cung cấp nhiều nhất 12 tỷ m3. Và mối quan hệ trong lĩnh vực khí đối với Moskva cũng là một nguồn lực quan trọng trong việc ổn định tài chính cho Kiev. Các kho bạc của Ukraine đã nhận được khoảng  3 tỷ USD của Tập đoàn khí đốt Gazprom (Nga) từ phí vận chuyển trong năm 2013 - một lượng tiền quan trọng để đối phó với tình trạng thâm hụt ngân sách và nợ quốc gia đang ngày càng phình to của Ukraine.

Nhưng sự phụ thuộc của Ukraine vào Nga chắc chắn là không chỉ giới hạn trong việc nhập khẩu khí đốt: 1/3 lượng hàng hóa xuất khẩu của nước này là sang Nga (tương đương với lượng hàng hóa xuất khẩu của nước này vào EU). Con số này chắc chắn sẽ giảm trong năm 2014 và thị phần của EU sẽ tăng lên, sau khi EU hồi tháng 5 vừa qua quyết định giảm thiểu các rào cản đối với hàng hoá nhập khẩu từ Ukraine.

Tuy nhiên, cơ cấu xuất khẩu của Ukraine vào hai thị trường trên lại khác nhau rất nhiều. Châu Âu chỉ mua quặng kim loại, kim loại màu, ngũ cốc và các nông phẩm khác từ Ukraine. Ngược lại, Nga, nhập khẩu máy móc, dịch vụ vận tải và các sản phẩm công nghiệp - tức là những hàng hóa và dịch vụ có xu hướng không chỉ cung cấp thêm việc làm mà còn tạo ra lợi nhuận cao hơn.

Điều kiện chính và cần thiết cho quá trình giải quyết xung đột hiệu quả là hoàn toàn không có, bởi vì mục tiêu của các bên liên quan về vấn đề Ukraine đang mâu thuẫn.


Hơn nữa, hàng triệu người Ukraine vẫn đang làm việc ở Nga và gửi tiền về nhà để phụ giúp gia đình. Năm 2013, Ngân hàng Quốc gia Ukraine ước tính số tiền gửi về từ Nga là 2,62 tỷ USD, nhưng con số đó chỉ tính thông qua dịch vụ chuyển khoản ngân hàng chính thức và tiền gửi thông qua dịch vụ chuyển tiền quốc tế. Với sự tiện lợi về giao thông, có lẽ là người Ukraine làm việc ở Nga đã chuyển tiền mặt hoặc các loại hàng hàng với trị giá còn lớn hơn con số trên rất nhiều. Nói cách khác, kiều hối từ Nga có lẽ chiếm khoảng 3% GDP của Ukraine năm 2013.

Trước khi cuộc xung đột nổ ra, cả hai vùng Donetsk và Luhansk chiếm 15% dân số, đóng góp 16% GDP, 25% sản lượng công nghiệp và 27% xuất khẩu của Ukraine. Tóm lại, nếu Ukraine không có các khu vực trên, kinh tế của nước này sẽ không bền vững. Và cách duy nhất để Ukraine giành lại quyền kiểm soát đầy đủ đối với các khu vực đó là thông qua một thỏa thuận với Nga.

Vì vậy, nhìn từ quan điểm kinh tế, một giải pháp chính trị lâu dài giữa Moskva và Kiev rõ ràng là cần thiết. Nhưng tại sao một quá trình để điều này diễn ra lại không nằm trong các chương trình nghị sự?

Ở một mức độ nào đó, câu trả lời đơn giản là: điều kiện chính và cần thiết cho quá trình giải quyết xung đột hiệu quả là hoàn toàn không có, bởi vì mục tiêu của các bên liên quan về vấn đề Ukraine đang chồng chéo lẫn nhau. Điều này đã vẽ ra một bức tranh khá ảm đạm. Sự hiện diện của ông Biden ở Kiev nhằm khuyến khích Ukraine để có thể có một thỏa thuận hòa bình với Nga dường như là không thể, nhưng đối với Kiev, để thoát khỏi cuộc khủng hoảng này, họ cần một sự thỏa hiệp, không có sự lựa chọn nào khác.


Công Thuận (Theo F.P)

Mỹ 'dội gáo nước lạnh' vào ý định gia nhập NATO của Ukraine
Mỹ 'dội gáo nước lạnh' vào ý định gia nhập NATO của Ukraine

Rất khó để Ukraine gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), ngay cả khi Kiev đã thống nhất ý định - đó là tuyên bố của Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách khu vực châu Âu, Á-Âu, bà Victoria Nuland.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN