Giai đoạn đầy sóng gió trên chính trường thế giới thời gian qua đang tác động mạnh mẽ đến vị thế của Nga và qua đó, đã khắc họa dấu ấn đối ngoại đầy bản lĩnh của “Nhân vật quyền lực nhất thế giới” năm 2013 - Tổng thống Nga Vladimir Putin. Tự tin nhưng không ngạo mạn, thấu hiểu nhưng quyết đoán đã làm nên một “quyền lực Putin”.Sự bình tĩnh, cẩn trọng khi cân nhắc lợi hại, nhưng táo bạo và quyết đoán khi hành động giúp Putin ghi dấu ấn sâu đậm trên chính trường thế giới. Lý giải quyết định bầu chọn Tổng thống Putin đứng đầu danh sách các nhân vật có ảnh hưởng lớn trên thế giới năm 2013, tạp chí danh tiếng Forbes khẳng định: Tổng thống Putin củng cố được quyền lực ở nước Nga và cả trên sân khấu chính trị thế giới. Danh xưng “người quyền lực nhất thế giới” dành tôn vinh những nỗ lực vượt bậc, chính sách quyết đoán mang lại thành công vang dội của nhà lãnh đạo Nga trong năm qua, nổi bật trong đối ngoại.
Mặc dù vậy, đã có một sự tranh luận rất mạnh mẽ rằng liệu nhiệm kỳ tổng thống này có phải là nhiệm kỳ cuối cùng của ông Putin. Nếu không có một sự thay đổi trong Hiến pháp của Nga, ông Putin sẽ phải rời nhiệm sở sau 10 năm nữa. Theo hiến pháp Nga, ông Putin được phép làm tổng thống tối đa là 2 nhiệm kỳ liên tiếp. Hiện giờ ông Putin 62 tuổi và ông sẽ bước sang tuổi 72 vào năm 2024.
Tổng thống Putin chưa từng tuyên bố sẽ tái tranh cử vào năm 2018, nhưng đã so sánh mình với cựu Tổng thống Mỹ Franklin D. Roosevelt, người từng đắc cử 4 nhiệm kỳ. Nếu nắm quyền cho tới năm 2024, ông Putin sẽ giữ chức tổng thống Nga trong tổng cộng 20 năm.
Theo các chuyên gia phân tích, đảm bảo một sự chuyển tiếp hòa bình trong một hệ thống được xây dựng để phù hợp với một nhân vật chính trị là một thách thức lớn, nếu không nói là không thể. Điều này sẽ phức tạp hơn bởi câu hỏi liệu việc ông Putin ra đi sẽ xuất hiện sự chuyển đổi quyền lực dưới hình thức nào.
Sự hỗ trợ mà ông Putin nhận được từ giới tinh hoa và dân chúng Nga đã tăng lên rất nhiều trong những năm gần đây. Tuy nhiên, không giống như Trung Quốc hiện nay hay Liên Xô cũ, Nga đang thiếu một tiến trình được thể chế hóa cho quá trình chuyển tiếp thực sự. Chính điều này sẽ tạo tiền đề cho cuộc đấu tranh quyền lực giữa các "chính trị gia chóp bu" của Nga. Trong khi đó, phe đối lập chính trị của Nga vẫn còn trong trạng bị chia rẽ và lực lượng này rõ ràng vẫn chưa có một ứng cử viên đáng tin cậy có thể thay thế được Tổng thống Putin.
Đáng lo ngại về vấn đề phát triển dân sốSố liệu điều tra nhân khẩu học của Nga năm 2010 là 142 triệu người. Theo Liên Hiệp Quốc, con số này có thể sẽ giảm xuống còn 136, thậm chí 121 triệu người vào năm 2050. Trong khi tốc độ suy giảm dân số của Nga là đề tài gây tranh luận, dường như có một sự đồng thuận mang tính học thuật về nguyên nhân chính của hiện tượng này. Theo trung tâm Wikistrat, tỷ lệ tử vong cao, đặc biệt là ở nam giới Nga phần lớn là kết quả của việc dùng quá nhiều rượu và hút thuốc lá. 1/5 bệnh nhân nam chết trên toàn quốc vì nguyên nhân này.
Xu hướng trên đang trở nên tồi tệ bởi tỷ lệ phụ nữ phá thai tại Nga cao gấp 2 so với tỷ lệ chung ở châu Âu hay ở Mỹ, mặc dù có sự sụt giảm mạnh so với những năm 1990.
Tỷ lệ sinh thấp ở Nga sẽ dẫn đến hai tình huống khó xử chính: suy giảm dân số của một số khu vực nhất định và một sự thay đổi lớn trong thành phần dân tộc của Liên bang Nga. Moskva có thể sẽ gặp khó khăn trong việc kiểm soát vùng biên giới phía đông Siberia do áp lực dân số ngày càng tăng từ những người nhập cư gốc Trung Quốc. Hơn nữa, quân đội Nga đã bị ảnh hưởng bởi số lượng các tân binh nam đang suy giảm. Trong khi đó, người Hồi giáo của Nga dự kiến sẽ tăng trưởng ổn định trong thành phần dân số Nga, điều có thể thách thức sự ổn định hiện nay.
Nguy cơ trên đang ngày càng trở nên rõ ràng trong dài hạn, nhưng vấn đề cấp bách là phải giải quyết ngay từ bây giờ. Trong khi các chương trình nhằm giải quyết tỷ lệ tử vong và tỷ lệ sinh thấp của Moskva đã đạt được một số tiến bộ, một số chính sách giải quyết suy giảm dân số ở đông Siberia vẫn chưa thành công.
Chủ nghĩa dân tộc và ly khai vẫn là một trong những thách thức lớn của Nga trong thập kỷ tới. Ảnh: Itar-tass |
Tránh rơi vào bế tắc giữa phong trào dân tộc và ly khaiSau sự sụp đổ của Liên Xô, chủ nghĩa dân tộc và ly khai là một trong số những vấn đề mà phe đối lập lợi dụng và kích động ở Nga. Vấn đề này càng trở nên trầm trọng hơn bởi sự tồn tại của cả hai phong trào ly khai và chủ nghĩa tôn giáo cực đoan.
Gần đây, các vụ tấn công khủng bố ở Volgograd và Pyatigorsk nhắc nhở Nga về tầm quan trọng ngày càng tăng của các nhóm Salafi, mà tương lai, có thể đe dọa tấn công nhằm vào các hội nghị quốc tế và các sự kiện thể thao do Moskva đăng cai tổ chức. Và cuộc nội chiến ở Syria gần như chắc chắn sẽ dẫn đến sự trở lại của những kẻ cực đoan ở khu vực Kavkaz.
Trước khi bảo đảm an ninh cho bắc Kavkaz, Nga phải tìm ra giải pháp toàn diện để giải quyết các thách thức trên.
Công Thuận (Wikistrat)