Tác giả cho biết trước Hội nghị cấp cao EU tại thủ đô Bratislava (Slovakia) dự kiến diễn ra ngày 16/9, EU vẫn đang đối mặt với nhiều thách thức, trong đó có những bất đồng về tương lai chính trị của EU và chính sách đối với vấn đề người nhập cư.
EU đang chia rẽ về tương lai chính trị. Sau khi Anh quyết định rời EU, bộ ba chủ chốt EU là Đức - Pháp - Italy đã nhóm họp (hôm 22/8 nhằm tái khởi động bản sắc liên minh, nhưng chính việc nhóm họp của 3 nước này lại bị nhóm nước Đông Âu chỉ trích mạnh mẽ. Nhóm Đông Âu muốn EU cần có những cải tổ một cách sâu rộng và đưa ra chủ quyền lớn hơn cho từng quốc gia. Điều đó có nghĩa là các quốc gia Đông Âu muốn quyền lực phải được trả về cho từng quốc gia nhiều hơn thay vì tập trung tại Brussels như hiện nay.
Khủng hoảng di cư đã chia rẽ châu Âu. Ảnh: AFP/TTXVN |
Các quốc gia Đông Âu ngày càng khó chịu trước các quyết định của EU, nhất là sự bao sân, áp đặt của cặp đôi Pháp - Đức. Cả Tổng thống Ba Lan Andrzei Duda và Tổng thống Hungary Ader Janos đều đề nghị cần thực hiện cuộc "cách mạng văn hóa" trong EU bằng việc đề cao các bản sắc của từng quốc gia.
Đến nay, sự chia rẽ và bất đồng trong EU xung quanh cuộc khủng hoảng người nhập cư vẫn chưa có dấu hiệu suy giảm. Nhóm các nước Đông Âu vẫn quyết liệt chống lại sự áp đặt của các nước "già cội" trong EU như Pháp, Đức trong kế hoạch phân bổ hạn ngạch người nhập cư. Nhóm các nước Đông Âu (gồm Ba Lan, Hungary, Cộng hòa Czech và Slovakia) vẫn phản đối các chương trình hạn ngạch nhập cư do EU áp đặt và ngày càng làm chia rẽ lớn hơn trong nội bộ EU. Nhóm Đông Âu, đã từ chối áp dụng kế hoạch phân bổ hạn ngạch đón người nhập cư do EU đưa ra năm 2015, ngày càng phản đối mạnh mẽ chính sách mở cửa EU của Đức và các đối tác của nước này.
Cuộc khủng hoảng nhập cư có thể dễ dàng gây tác động xấu đối với kinh tế, xã hội của các quốc gia Đông Âu vốn còn kém phát triển hơn trong EU. Chính vì thế, Thủ tướng Hungary Viktor Orban đã công bố ý định xây dựng một hàng rào an ninh thứ hai bên trong biên giới Hungary tiếp giáp với biên giới Serbia để ngăn chặn làn sóng người nhập cư vào Hungary. Đây có thể được coi là sự chuẩn bị của Hungary trong trường hợp thỏa thuận của EU với Thổ Nhĩ Kỳ nhằm kiểm soát dòng người nhập cư bị thất bại. Slovakia cũng đang tìm cách chống lại các quyết định của EU bằng luật pháp. Tổng thống Cộng hòa Czech Milos Zeman cũng đánh giá rằng nước này nên từ chối đón người tị nạn Hồi giáo để khỏi bị tấn công khủng bố.
Áo cũng đã tỏ ý ủng hộ các nước Đông Âu và đã hủy bỏ đợt hai việc tiếp nhận người tị nạn theo hạn ngạch của EU. Anh, nước đã quyết rời EU, tuyên bố phản đối để dòng người nhập cư ào ạt vào EU và Anh, vừa thông báo sẽ xây dựng một hàng rào để ngăn chặn người nhập cư tràn vào Anh từ Pháp qua ngả Calais.
Thủ tướng Italy Mateo Ranzi, dù chia sẻ quan điểm với Đức và Pháp về việc tái xây dựng không gian EU, nhưng cũng cho rằng tình hình người nhập cư đã quá sức chịu đựng đối với Italy và kêu gọi các nước EU khác chia sẻ gánh vác vấn đề này.
Thủ tướng Đức Angela Merkel tuy vẫn mạnh miệng rằng chính sách đón người nhập cư vẫn không thay đổi nhưng bà Merkel cũng đang chịu nhiều sức ép từ trong nước. Uy tín của bà Merkel đang giảm sút mạnh mẽ và bà Merkel khó có thể tiếp tục tại vị sau cuộc bầu cử năm tới. Dư luận Đức cũng đang ngày càng lo ngại và phản đối việc tiếp nhận ồ ạt người nhập cư vào Đức.
Pháp vẫn tuyên bố ủng hộ hạn ngạch đón người nhập cư của EU nhưng về thực chất số người nhập cư được Pháp đón chính thức không nhiều. Uy tín của Tổng thống Pháp Francois Hollande đã giảm xuống mức thấp nhất từ trước đến nay và đa số người Pháp tại thời điểm hiện tại không muốn thấy ông Hollande tái tranh cử tổng thống vào năm 2017.