Củng cố quan hệ “môi hở răng lạnh”
Nhiều thập kỷ trước đây, cố Chủ tịch Trung Quốc Mao Trạch Đông từng mô tả quan hệ Trung Quốc-Triều Tiên là “môi hở răng lạnh”. Câu nói này vẫn đúng trong bối cảnh hiện nay.
Nhà lãnh đạo Kim Jong Un (phải) cùng Chủ tịch Tập Cận Bình ngày 19/6. Ảnh: EPA-EFE |
Tờ Los Angeles Times dẫn nhận định của các nhà phân tích cho rằng ba chuyến thăm Trung Quốc liên tiếp cho thấy hai quốc gia này là đồng minh thân cận.
Ông Stephen R. Nagy, một thành viên Tổ chức Châu Á – Thái Bình Dương ở Canada, nhận định: “Hai quốc gia có ảnh hưởng lẫn nhau. Đó thực sự là một phần quan trọng của vấn đề”.
Trong chuyến thăm Trung Quốc thứ ba của ông Kim Jong-un, lãnh đạo hai nước không thông báo về lịch trình hai ngày ông ở Bắc Kinh. Tuy nhiên, các nhà phân tích khẳng định chắc chắn nội dung cuộc gặp sẽ là về những diễn biến mới giữa Triều Tiên với Hàn Quốc và Mỹ.
Theo Los Angeles Times, trong quá trình tìm kiếm mối quan hệ ấm áp hơn với Mỹ và Hàn Quốc, Triều Tiên cần sự hợp tác của Trung Quốc để phát triển kinh tế. Chỉ cách đây không lâu, những vụ thử tên lửa và hạt nhân của Triều Tiên đã khiến quan hệ với Trung Quốc rạn nứt. Hiện nay, khi Triều Tiên đã tuyên bố muốn đi trên con đường phi hạt nhân hóa, cải thiện quan hệ với Hàn Quốc và Mỹ, Trung Quốc lại muốn đảm bảo Triều Tiên không rời quá xa mối quan hệ lịch sử “môi hở răng lạnh” trong quá trình đó.
Về phần mình, sau một loạt động thái tích cực với Hàn Quốc và Mỹ, Triều Tiên cũng muốn quyết tâm gửi một thông điệp tích cực tới Trung Quốc, rằng Trung Quốc vẫn là một đối tác quan trọng.
Theo ông Tong Zhao, thành viên Trung tâm Chính sách Toàn cầu Carnegie-Tsinghua ở Bắc Kinh, lãnh đạo Triều Tiên hiểu rằng Trung Quốc có lo ngại riêng, do đó đã chú ý đặc biệt tới việc trấn an nước này.
Ảnh hưởng của Trung Quốc
Cuộc gặp thứ ba giữa ông Kim Jong-un và Tập Cận Bình diễn ra vài tháng sau một loạt động thái ngoại giao bất ngờ từ Triều Tiên. Khác với hai lần trước, chuyến thăm ngày 19/6 này được truyền thông Trung Quốc đưa tin ngay từ khi ông Kim Jong-un vẫn còn chưa về nước.
Đây là lần thứ ba ông Kim Jong-un thăm Trung Quốc. Ảnh: EPA-EFE |
Theo Tân Hoa xã, Chủ tịch Tập Cận Bình và nhà lãnh đạo Triều Tiên đã nhất trí đảm bảo, củng cố và phát triển quan hệ Trung-Triều, cùng thúc đẩy xu thế hòa bình, ổn định trên Bán đảo Triều Tiên để đóng góp tích cực cho hòa bình, ổn định, thịnh thượng và phát triển khu vực cũng như thế giới.
Trước chuyến thăm lần này, ông Kim Jong-un đã có hai hội nghị thượng đỉnh với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và Tổng thống Mỹ Donald Trump. Hai hội nghị đều được đánh giá là mang tính lịch sử, mở ra cơ hội mới cho các bên, mang lại cho thế giới hi vọng hòa bình lâu dài trên Bán đảo Triều Tiên và một tiến trình phi hạt nhân hóa thực sự.
Theo Los Angeles Times, Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều ở Singapore ngày 12/6 vừa rồi dường như có lợi cho Trung Quốc vì cho dù ông Kim Jong-un chưa có cam kết gì ràng buộc cụ thể về phi hạt nhân hóa với Mỹ nhưng phía Washington đã quyết định ngừng tập trận chung với Hàn Quốc.
Cuối tháng 3, ông Kim Jong-un đã lần đầu gặp Chủ tịch Tập Cận Bình – cuộc gặp được đánh giá là để nối lại tình hữu nghị. Tiếp đó, là cuộc gặp vào tháng 5 ở Đại Liên có vẻ nhằm mục đích khẳng định ảnh hưởng của Trung Quốc trước thềm Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều.
Ông Cheng Xiaohe, giáo sư nghiên cứu quốc tế thuộc Đại học Nhân dân Trung Quốc, nhận định: "Họ xây dựng mối quan hệ trong hai cuộc gặp đầu tiên. Trong cuộc gặp thứ ba, có thể ông Kim Jong-un sẽ tìm kiếm sự hỗ trợ của Trung Quốc trong giúp đỡ nền kinh tế kém phát triển vốn bị ảnh hưởng nặng nề bởi biện pháp trừng phạt quốc tế.
Khi nói về kinh tế, hai nhà lãnh đạo sẽ có rất nhiều điều để bàn bạc. Trung Quốc có khả năng và mối quan hệ gần gũi để giúp Triều Tiên phát triển kinh tế. Chủ tịch Tập Cận Bình có thể đề xuất các chiến lược và khung thời gian để thực hiện tiến trình phi hạt nhân hóa.
Theo ông Cheng Xiaohe, hai nhà lãnh đạo cũng có thể đề cập cách giảm sự hiện diện quân sự Mỹ ở Hàn Quốc cũng như các vấn đề cụ thể trong đàm phán tương lai giữa Mỹ và Triều Tiên.
Khẳng định vị thế nguyên thủ quốc gia
Theo bình luận của tờ Los Angeles Times, chuyến thăm Trung Quốc tuần này của ông Kim Jong-un là một ví dụ mạnh mẽ nữa cho thấy ông ngày càng củng cố hình ảnh của một nguyên thủ quốc gia tự chủ, có vị thế.
Lễ đón nhà lãnh đạo Kim Jong-un. Ảnh: Xinhua |
Vị thế của nhà lãnh đạo Kim Jong-un gia tăng mạnh mẽ sau một loạt cuộc gặp với lãnh đạo các nước từ Trung Quốc, Hàn Quốc cho tới Mỹ. Trong tương lai, chắc chắn sẽ còn nhiều cuộc gặp thượng đỉnh tương tự, ví dụ như cuộc gặp với Tổng thống Nga Vladimir Putin vào tháng 9 tới.
Những chuyến ra nước ngoài liên tục của ông Kim Jong-un là điều khó hình dung trong bối cảnh căng thẳng năm 2017 giữa Triều Tiên và phương Tây. Trước đó, ông Kim Jong-un chưa từng rời Triều Tiên từ khi cầm quyền năm 2011.
Theo ông Stephen R. Nagy, những chuyến đi ngoại giao như vậy càng củng cố năng lực của ông Kim Jong-un, cho thấy ông muốn thúc đẩy quan hệ ngoại giao và xây dựng vị thế mới của Triều Tiên. Từ đó, có thể tạo một lợi thế trong cuộc “mặc cả” với Mỹ.
Mặc khác, với vị thế mới, ông Kim Jong-un có thể xây dựng mối quan hệ tốt với cả Tổng thống Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình.