Quan hệ Mỹ - Đức được dự báo sẽ căng thẳng tại Hội nghị thượng đỉnh NATO vào tháng 7, xung quanh vấn đề chi phí quân sự. Ảnh: Reuters |
Sau khi chứng kiến cuộc chiến căng thẳng tại Thượng đỉnh G7 ở Quebec, Canada, các quan chức cấp cao tại tổng hành dinh NATO ở Brussels lúc này đang lo ngại viễn cảnh tương tự sẽ xảy đến với hội nghị thượng đỉnh NATO vào đầu tháng 7, khi Tổng thống Trump lại một mình đối đầu với các đồng minh.
Cuộc đấu đơn phương chống tất cả
Không phải là một cuộc gặp thượng đỉnh với mong muốn tìm giải pháp và thống nhất xuyên Đại Tây Dương, 24 giờ gặp gỡ tại Brussels giữa các thành viên của liên minh quân sự 29 quốc gia có thể biến thành vòng hai của cuộc chiến vừa diễn ra đầu tháng 6 tại Quebec. Ông Trump khi đó đã đơn phương đấu lại các đồng minh châu Âu và chính nước chủ nhà Canada xung quanh căng thẳng thương mại và chi phí quân sự.
Mỗi quốc gia trong 29 thành viên NATO thỏa thuận chi 2% GDP cho quốc phòng, nhưng hiện chỉ có 4 nước làm được điều đó là: Hy Lạp, Estonia, Anh và Mỹ. Đức, nước giàu nhất tại châu Âu, chỉ chi 1,2% GDP cho quốc phòng. Đức có 128 máy bay chiến đấu Eurofighter thì chỉ 39 chiếc bay được. 6 tàu ngầm thì không chiếc nào hoạt động. Trong số 13 chiếc tàu khu trục cao tuổi, chỉ 5 chiếc còn chạy được; 93 chiếc Tornado, chỉ 26 chiếc sẵn sàng hành động.
Thủ tướng Merkel đã đề xuất tăng lên 1,5%, nhưng vẫn bị Washington chỉ trích là thấp. Trên thực tế, các chính phủ châu Âu đã tiết kiệm khoảng 186 tỉ USD mỗi năm bằng cách thắt chặt chi tiêu quốc phòng. Họ làm vậy với suy nghĩ rằng, lỗ hổng sẽ được Mỹ lấp đầy.
"Đức chi 1% GDP cho NATO, trong khi chúng ta chi 4% của một GDP lớn hơn nhiều" - ông Trump tuyên bố - "Nước Mỹ đã chi trả gần như toàn bộ chi phí của NATO để bảo vệ cho nhiều nước đang gây tổn hại chúng ta bằng thương mại (họ chỉ trả một phần nhỏ chi phí, rồi cười!). Tình trạng này sẽ sớm kết thúc. Thay đổi đang tới!'.
Các nhà lãnh đạo Mỹ, Đức, Pháp và Canada tại Hội nghị thượng đỉnh G7 ở Quebec ngày 8/6/2018. Ảnh: Reuters |
Tương lai của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương dường như đang lung lay hơn bất cứ thời điểm nào kể từ khi liên minh này ra đời năm 1949. Giới phân tích cho rằng, hoàn toàn hợp lý khi Mỹ gây áp lực tới các thành viên NATO đòi họ chi nhiều hơn cho ngân sách quân sự. Nhưng Washington cũng cần những người bạn và đồng minh đồng quan điểm, và nhà lãnh đạo Mỹ không thể cứ tiếp tục đối xử với họ như kẻ thù hay những mối đe dọa với an ninh quốc gia.
NATO vẫn thường thể hiện tình đoàn kết xuyên Đại Tây Dương bằng những bức ảnh gắn kết trên sân khấu. Tuy vậy, tại cuộc gặp thượng đỉnh vào ngày 11 và 12/7, liên minh quân sự này có thể đối mặt thêm những rắc rối chiến lược.
Năm ngoái, Tổng thống Trump đã “lái xe tăng” xuyên qua “sân khấu”, bỏ qua bài diễn văn đã được các trợ lý soạn thảo nói về Điều 5 Cam kết quốc phòng trong NATO, và thay vào đó, chỉ trích các nước châu Âu về kiểu chi tiêu quân sự dè xẻn của họ.
Còn tại hội nghị thượng đỉnh G7 Quebec vừa qua, việc Mỹ không ký vào Tuyên bố chung là chưa từng có tiền lệ. Việc một tổng thống Mỹ công khai chỉ trích nước chủ nhà, Thủ tướng Canada Justin Trudeau, là “thiếu trung thực và yếu đuối”, chỉ trích các đồng mình “ăn cướp việc làm của công nhân Mỹ” cũng thực sự gây sốc.
Video Tổng thống Trump gạt vai Thủ tướng Montenegro tại Thượng đỉnh NATO năm 2017:
NATO phòng tránh ra sao
Để tránh một cuộc chia rẽ nữa vào tháng 7 tới, NATO đã thảo sẵn một rổ “chiến thắng” để ông Trump có thể tuyên bố:
-Xu hướng tăng chi tiêu quân sự trong hầu hết các đồng minh
-Đầu tư lớn hơn để hiện đại hóa trang thiết bị, tăng cường khả năng sẵn sàng chiến đấu, với việc ngân sách EU lần đầu tiên được sử dụng cho nghiên cứu và phát triển quân sự.
-Một sáng kiến của EU nhằm trang bị ‘tính cơ động quân sự “ bằng cách loại bỏ bớt các rào cản hành chính, nâng cấp đường xá, cầu cống và đường sắt để NATO có thể đưa xe tăng, xe quân sự, máy bay, binh sĩ đi xuyên châu Âu sang mặt trận phía đông nhanh hơn nếu khủng hoảng xảy ra.
-Mở một chương trình NATO ở Baghdad nhằm huấn luyện lực lượng an ninh Iraq chiến đấu với khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.
Tuy vậy, chừng đó vẫn chưa đủ đảm bảo “bình yên” cho Thượng đỉnh NATO năm nay.
Tổng thống Trump tại Hội nghị thượng đỉnh G7 ở Sicily, Italy tháng 5/2017. Ảnh: Reuters |
Tranh cãi lớn nhất lúc này trong cộng đồng chiến lược châu Âu là cách đáp trả khi cường quốc bảo vệ của họ trở nên “khó chịu”, không chỉ về hoạt động thương mại dựa trên các luật lệ mà còn bằng quan điểm hạ thấp đồng minh và “tự xử” trong các vấn đề Iran, xung đột Palestine-Israel, biến đổi khí hậu và Liên hợp quốc.
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg, người có nhiệm vụ giữ gìn mối quan hệ mềm dẻo xuyên Đại Tây Dương, đang thúc giục các đồng minh tập trung vào “3 C” – cash (tiền mặt), capabilities (năng lực) và commitments (cam kết), nhằm chứng tỏ họ đã đóng góp cho quốc phòng vượt xa mục tiêu 2% GDP. Nhưng ông Trump lại chỉ quan tâm tới chữ C thứ nhất, và nổi giận với Đức.
Nguy cơ châu Âu chia rẽ
Đối mặt với một Tổng thống Mỹ, người coi số lượng xe Mercedes chạy trên Đại lộ Số 5 là một mối đe dọa an ninh quốc gia, các nước châu Âu đang bị chia rẽ giữa một bên là sự cần thiết phải đáp trả và một bên là bản năng níu giữ vì họ vẫn cần nước Mỹ giúp bảo đảm an toàn. Pháp, Đức và Anh đã đồng ý về nguyên tắc về sự cần thiết phải trả đũa một cách chắc chắn nhưng lịch sự đối với “thói bắt nạt” thương mại của Mỹ, đồng thời cam kết tiếp tục tuân thủ thỏa thuận hạt nhân Iran.
Tuy vậy, nguy cơ chia rẽ giữa chính các nước châu Âu vẫn hiện hữu, với việc các chính phủ dân túy mới nổi lên ở Italy và Ba Lan có khuynh hướng tìm kiếm lợi quốc gia bằng cách thỏa hiệp với Mỹ.
Sau nỗ lực của Tổng thống Pháp Macron nhằm “quyến rũ” người đồng cấp Trump bất thành, Paris đã thấy một cơ hội để thúc đẩy sự “tự trị chiến lược” của châu Âu - khả năng tiến hành các chiến dịch quân sự mà không cần sự hậu thuẫn của Mỹ và chế tạo vũ khí không cần đến công nghệ Mỹ.
Nhưng nhiều nước châu Âu khác, đặc biệt những nước gần về địa lý với Nga lại thấy “tự trị chiến lược” là đề xuất nguy hiểm và phản đối phát đi bất cứ tín hiệu nào có thể khiến ông Trump rút khỏi Liên minh Đại Tây Dương. Thủ tướng Đức Angela Merkel cũng nằm trong số thận trọng này bởi nước Đức dễ thiệt hại hơn trong cuộc chiến thương mại và cũng khắt khe hơn trong hành động quân sự.
Chỉ còn hơn 3 tuần nữa là tới Thượng đỉnh NATO ở Brussels. Và nếu các lệnh tăng thuế của Mỹ nhằm vào thép châu Âu và Canada châm ngòi cho một cuộc chiến thương mại, thì NATO hoàn toàn có thể nhìn thấy trước nguy cơ Mỹ "leo thang" căng thẳng bằng cách đe dọa ra khỏi Liên minh. Các nhà phân tích cho rằng, với Tổng thống Trump, quốc phòng và thương mại là hai vấn đề rất liên quan, các sắc lệnh thuế nhập khẩu của ông được đưa ra dựa trên nền tảng an ninh quốc gia và sự cần thiết phải bớt lệ thuộc vào nhập khẩu từ cả các đồng minh.