Việc Anh, nước đang là Chủ tịch luân phiên G7, tìm cách khôi phục các cuộc họp trực tiếp của nhóm 7 nước gồm Anh, Đức, Italy, Pháp, Mỹ, Canada và Nhật Bản, cho thấy London muốn đem lại những nguồn năng lượng mới cho diễn đàn này và thúc đẩy vai trò "nước Anh toàn cầu" hậu Brexit. Hội nghị cũng được coi là "phép thử" đối với G7 khi mà diễn đàn này vài năm trở lại đây luôn trong tình trạng "ít đồng thuận, nhiều chia rẽ", đặc biệt thời chính quyền cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Bởi vậy, Anh, trên cương vị Chủ tịch G7, có tham vọng định hình lại hình ảnh của G7 như một nhóm cường quốc có thể nhất trí cùng làm việc, cũng như hợp tác với các quốc gia đối tác và trong hệ thống đa phương để định hình một tương lai "xanh và sạch" hơn, tự do hơn, công bằng hơn và an toàn hơn cho cả thế giới, trong bối cảnh đại dịch COVID-19 tiếp tục đặt ra những thách thức toàn cầu nghiêm trọng; các mối đe dọa công nghệ mới đang gia tăng và những tác động thảm khốc của biến đổi khí hậu ngày càng lớn. Ngoại trưởng Anh Dominic Raab nhấn mạnh rằng vai trò chủ tịch luân phiên G7 của Anh là cơ hội để thể hiện sự đoàn kết tại thời điểm cần xử lý các thách thức chung và những mối đe dọa đang gia tăng.
Hội nghị với sự tham dự của các khách mời, bao gồm đại diện Liên minh châu Âu (EU), Australia, Ấn Độ, Hàn Quốc, Nam Phi và nước chủ tịch Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) Brunei, cũng cho thấy G7 coi trọng việc xây dựng mối liên kết chặt chẽ hơn với khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, như Ngoại trưởng Anh Dominic Raab đã khẳng định: “Việc mời những người bạn từ Australia, Ấn Độ, Hàn Quốc, Nam Phi và Chủ tịch ASEAN cho thấy tầm quan trọng ngày càng tăng của khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương đối với G7”.
Nội dung bao trùm cuộc họp là đại dịch COVID-19 đang tiếp tục hoành hành. Các nước G7 ghi nhận tác động sâu rộng về kinh tế, xã hội và chính trị của đại dịch đối với các quốc gia dễ bị tổn thương, sự gia tăng đáng kể của nạn đói và suy dinh dưỡng, cũng như mối đe dọa kép của COVID-19, xung đột, biến đổi khí hậu và mất đa dạng sinh học.
Trong tuyên bố chung sau hội nghị, ngoại trưởng các nước G7 khẳng định cam kết đẩy mạnh hợp tác trong việc ứng phó về y tế với COVID-19, gồm việc đảm bảo quyền tiếp cận công bằng và toàn cầu đối với vaccine, các phương pháp điều trị và chẩn đoán an toàn và hiệu quả; nhấn mạnh rằng tình trạng khẩn cấp về y tế toàn cầu này đòi hỏi phải có hành động phối hợp và sự đoàn kết trên toàn thế giới.
Bên cạnh đó, G7 tiếp tục cam kết đầu tư vào hệ thống y tế để củng cố tăng trưởng kinh tế và khả năng ứng phó với các mối đe dọa đại dịch trong tương lai; cam kết hợp tác với các nước đối tác đang phát triển để được sự phục hồi xanh, bao trùm và bền vững sau dịch COVID-19, xử lý và ngăn chặn các tác động kinh tế của đại dịch, cũng như các mối đe dọa liên quan đến xung đột, biến đổi khí hậu, đói nghèo, mất an ninh lương thực, y tế, nhân đạo
Một trong những nội dung được các ngoại trưởng G7 đặc biệt nhấn mạnh là vấn đề đảm bảo công bằng về quyền tiếp cận các công cụ ứng phó với dịch COVID-19, trong đó có vấn đề phân phối vaccine.Vấn đề này đặc biệt cần thiết trong bối cảnh thế giới đang chứng kiến tình trạng mất cân bằng nguồn cung vaccine và nhiều nước giàu vẫn đang chần chừ chia sẻ nguồn vaccine quý giá trước khi hoàn thành các chương trình tiêm chủng ở trong nước. Theo thống kê của tờ the Guardian (Anh), trong khi ở Mỹ và Anh, hơn một nửa số người trưởng thành đã được tiêm ít nhất một liều vaccine thì con số này chỉ là 1/10 ở Ấn Độ và khoảng 1/100 ở châu Phi
Cho đến nay, các nước G7 đã cam kết hơn 10,7 tỷ USD cho các sáng kiến đảm bảo quyền tiếp cận công bằng đối với các công cụ ứng phó COVID-19, bao gồm đảm bảo việc cung cấp hiệu quả vaccine và các phương pháp điều trị và chẩn đoán, cũng như khuyến khích xây dựng môi trường bền vững cho việc sản xuất vaccine tại các quốc gia, khu vực và trên toàn cầu. G7 cũng cam kết đẩy nhanh việc kết thúc giai đoạn phản ứng cấp của đại dịch COVID-19 và cam kết hỗ trợ tài chính cho COVAX, cơ chế quan trọng cho việc chia sẻ vaccine toàn cầu và cho phép triển khai vaccine một cách công bằng nhanh chóng.
Nội dung điểm nhấn nữa trong chương trình nghị sự của hội nghị là việc trao quyền cho trẻ em gái và phụ nữ. Trong bối cảnh hàng triệu trẻ em gái nghèo trên khắp thế giới đã bị buộc thôi học vì đại dịch hoặc bị ảnh hưởng do xung đột, khủng hoảng, các ngoại trưởng G7 cam kết thực hiện hai mục tiêu toàn cầu, theo đó vào năm 2026, sẽ có thêm 40 triệu trẻ em gái đến trường và thêm 20 triệu trẻ em gái đọc sách ở độ tuổi 10 hoặc cuối cấp tiểu học ở các nước có thu nhập trung bình và thấp.
Hội nghị cũng khẳng định mục tiêu đầu tư 15 tỷ USD trong hai năm 2021-2022 để giúp phụ nữ ở các nước đang phát triển có cơ hội phát triển kinh tế sau những tác động của dịch COVID-19, nhất là cơ hội có việc làm tốt, cơ hội lãnh đạo và tiếp cận nguồn tài chính. G7 đã cam kết đóng góp tích cực để ứng phó với các cuộc khủng hoảng xuất phát từ việc 34 triệu người đang phải đối mặt với tình trạng mất an ninh lương thực, gần 80 triệu người đã buộc phải di cư và 237 triệu người cần hỗ trợ nhân đạo.
Các nước G7 cũng tái khẳng định tiếp tục tăng cường hỗ trợ tài chính đối với các nỗ lực thích ứng với biến đổi khí hậu, cam kết duy trì mục tiêu huy động 100 tỷ USD mỗi năm trong giai đoạn từ nay đến năm 2025 nhằm đạt cân bằng giữa thích ứng và giảm thiểu những tác động của biến đổi khí hậu, tăng cường tính hiệu quả và khả năng tiếp cận nguồn tài trợ dành cho biến đổi khí hậu.
Có thể nói, những cam kết đưa ra tại hội nghị này phần nào cho thấy G7 đã tạo được dấu ấn trong nỗ lực tìm lại vai trò đầu tàu trên trường quốc tế. Tuy nhiên, không ít ý kiến cho rằng những cam kết nêu trên vẫn chưa đủ để thể hiện rằng G7 là nhóm các nền kinh tế phát triển có nhiều ảnh hưởng trong một thế giới đang biến động nhanh chóng. Giám đốc chính sách y tế của tổ chức Oxfam, bà Anna Marriott, bày tỏ thất vọng khi G7 chưa thể dỡ bỏ các rào cản pháp lý đang cản trở ngày càng nhiều các nhà sản xuất đủ chất lượng trên thế giới tham gia điều chế vaccine, khi mà nguồn cung vaccine sụt giảm đang tạo áp lực lớn cho chương trình COVAX.
Trong khi đó, cựu Thủ tướng Anh Gordon Brown cho rằng vẫn còn rất nhiều chuyện phải làm và hối thúc G7 hỗ trợ gánh nặng tài chính lên tới 60 tỷ USD trong 2 năm tới để đảm bảo các chương trình tiêm chủng trên thế giới và thúc đẩy phục hồi kinh tế. Hội nghị ngoại trưởng này được coi là bước chuẩn bị cho Hội nghị thượng đỉnh G7 dự kiến tổ chức từ ngày 11 - 13/6 tại Cornwall, (Anh) và G7 được kỳ vọng sẽ hành động một cách rõ ràng hơn để khẳng định vai trò của mình.